Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao nói về mối quan hệ giữa 2 vụ “đại án” bầu Kiên và Huyền Như.

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về luật hình sự. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đầu sách bình luận khoa học, chuyên sâu về luật hình sự đã và đang được sinh viên, người nghiên cứu khoa học, người làm thực tiễn pháp luật sử dụng rộng rãi.

Hình sự và dân sự trong 2 vụ “đại án”

TAND TPHCM vừa xét xử sơ thẩm “đại án” Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng, sau khi xét xử sơ thẩm, hầu hết các cơ quan, tổ chức và cá nhân “bị” Tòa án cấp sơ thẩm xác định là nguyên đơn dân sự đều kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc Ngân hàng Công Thương (VietinBank) phải bồi thường thiệt hại chứ không phải Huyền Như.

Trong số các nguyên đơn dân sự mà tòa án cấp sơ thẩm buộc Huyền Như phải bồi thường, có Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được tòa án cấp sơ thẩm buộc Huyền Như bồi thường 718 tỉ đồng.

Nguồn gốc số tiền này là của ACB, nhưng đã ủy thác cho 19 nhân viên gửi vào VietinBank, theo các hợp đồng tiền gửi.

Cũng vì hành vi này mà một số cán bộ ACB bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà TAND TP.Hà Nội chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm.

{keywords}

Quyết định của bản án sơ thẩm vụ án Huyền Như chưa thể coi là căn cứ để buộc tội cố ý làm trái đối với bị can Nguyễn Đức Kiên

Chưa biết TAND TP.Hà Nội sẽ quyết định như thế nào đối với khoản tiền 718 tỉ đồng mà các bị cáo gây thiệt hại cho ACB, tuy nhiên, xét từ góc độ pháp lý thì số tiền này có liên quan đến trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự ở cả 2 vụ án.

Ở vụ án Huyền Như, tất các cơ quan, tổ chức và cá nhân bị thiệt hại đều không nhận mình là nguyên đơn dân sự và cho rằng VietinBank mới là người phải bồi thường cho họ.

Trách nhiệm dân sự trong vụ án Huyền Như chưa có quyết định của tòa án cấp phúc thẩm, tức là chưa biết ai là người phải bồi thường cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân bị thiệt hại (bản án chưa có hiệu lực pháp luật), Huyền Như hay VietinBank ?

Phải tránh “án chồng án”

Nếu sắp tới tòa án cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy nội dung bản án sơ thẩm vụ Huyền Như liên quan đến khoản tiền 718 tỉ đồng thì chưa thể kết luận số tiền này là thiệt hại do hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế...” của các bị cáo trong vụ án “bầu” Kiên gây ra cho ACB.

Nếu TAND TP.Hà Nội vẫn đưa vụ án “bầu” Kiên ra xét xử thì không tránh khỏi vướng mắc về pháp luật, không thể lấy quyết định của bản án sơ thẩm ở vụ án Huyền Như làm căn cứ để khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm gây thiệt hại cho ACB, vì bản án này bị kháng cáo và chưa xét xử phúc thẩm.

Ngược lại, nếu TAND TP.Hà Nội vẫn tiến hành xét xử sơ thẩm và ra bản án xác định hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế...” của “bầu” Kiên và đồng phạm gây thiệt hại cho ACB 718 tỉ đồng, sau đó tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án Huyền Như lại có kết quả không đúng như bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, thì bản án của TAND TP.Hà Nội lại rơi vào tình không đúng.

Để khắc phục tình trạng “án chồng án”, thì TAND TP.Hà Nội nên chờ kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như, rồi mới xét xử sơ thẩm vụ án “bầu” Kiên và đồng phạm; khi đó TAND TP.Hà Nội có thể căn cứ vào quyết định của tòa án cấp phúc thẩm vụ án Huyền Như để xác định thiệt hại đối với hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế...” của các bị cáo gây ra cho ACB.

Không thể lấy quyết định của bản án sơ thẩm ở vụ án Huyền Như làm căn cứ để khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm gây thiệt hại cho ACB, vì bản án này bị kháng cáo và chưa xét xử phúc thẩm.

Theo Đất Việt