Ở đỉnh cao danh vọng, đại gia chi hàng trăm triệu đồng mua rượu ngoại chất đầy phòng nhưng “ngã ngựa”. Ra tù, người đàn ông lừng lẫy ngày nào chỉ thui thủi trên núi với đàn gà và gió ngàn...
Đó là ông Trần Quang Bình - nguyên Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Công nghiệp Phú Yên, nhân vật thứ 2 trong vụ buôn lậu 12.000 linh kiện xe máy tại tỉnh Bình Định - bị đưa ra xét xử vào tháng 11-2004. Ông lãnh 8 năm tù về tội buôn lậu dù cho đến giờ, ông vẫn khẳng định chỉ sai vì bán quota (hạn ngạch) cho Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp miền Trung.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”
Thật khó để tìm ra nơi sống và tiếp xúc được với ông Trần Quang Bình. Hỏi thăm mãi cũng chỉ được thông tin mù mờ từ một người bạn cho biết ông mua đám rẫy ở đâu đó trên huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên để trồng cây. Lên xe máy, rảo khắp các xã ở Sơn Hòa, hỏi thăm không dưới 20 người, tôi mới tìm được rẫy của ông nằm sâu bên trong một con đường ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa.
Ông Trần Quang Bình ẩn cư trong căn chòi ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên |
Cửa không khóa, bước vào trong, đàn gà táo tác bay khi gặp người lạ. Một căn chòi mái tôn, tường xây loang lổ, chưa tô, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ và cái chái bếp dùng để nấu nướng. Dưới đám cây dó bầu là chiếc võng đã rách vài chỗ. Gọi mãi mới nghe tiếng “ới” từ đằng xa. Dẫu đoán trước nhưng tôi không khỏi khựng người trước dáng vẻ đen nhẻm như một nông dân thực thụ của ông.
Trong câu chuyện, người đàn ông 58 tuổi từng một thời hô mưa gọi gió này tránh nhắc lại chuyện xưa. Ông chỉ thao thao về đàn gà thả vườn hàng trăm con chưa kịp tiêm ngừa đã lăn ra chết gần nửa, về 600 cây dó bầu được gần chục đoàn “chuyên gia” đề nghị cho tạo trầm hương để tính chuyện ăn chia, về 350 cây mít mới trồng 2 năm đã ra trái bổi.
Ông kể năm 2013, một công ty đến trả giá 450 triệu đồng để mua đám dó bầu của ông. Họ đưa trước cho ông 150 triệu đồng. Như thế là được giá nhưng nghi ngờ, ông không nhận.
“Tôi đoán họ chỉ lừa đảo. Bỏ ra 150 triệu đồng rồi tung tin để người dân khắp nơi đổ xô mua giống cây dó bầu của công ty ấy về trồng. Bán xong cây giống rồi họ sẽ lặn mất tăm. Cái mình được là 150 triệu đồng nhưng người dân thì khốn đốn vì bị lừa mua giống về trồng chẳng biết để làm gì. Tôi đã nếm trải nhiều nỗi đau khi bị lừa nên không muốn người dân phải chịu như mình” - ông tâm sự. Suy nghĩ thế nên ông không bán đám dó bầu, chỉ để mắc võng nằm chơi.
Lủi thủi một mình trên núi cao, làm bạn với đàn gà và gió ngàn, ông lấy đó làm vui. Ông bảo giờ mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại, khỏe thì vun gốc cây, bắt sâu; mệt thì lên võng đu đưa, lánh xa những chuyện thị phi. Hỏi về những người bạn, những quan chức một thời ông giao du, giúp đỡ, ông trầm giọng, một thoáng buồn ẩn sau đôi mắt kiếng. “Họ còn công việc mà, đã lâu rồi không ai đến”.
Bên tách cà phê, đại gia hồi tưởng về một thời tiêu tiền như nước của mình |
Nhậu tràn, chi bạo
Một nhân viên cũ của ông Bình kể trong những thứ để người ta gọi ông là đại gia có bằng hữu. Ông sống rất rộng rãi với bạn bè và kết giao với đủ thành phần. Khi còn là giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Công nghiệp Phú Yên, ông tổ chức ăn nhậu triền miên. Dù tửu lượng không cao nhưng vỏ bia rượu chất ngập phòng mỗi cuộc nhậu.
“Nhậu với anh Bình thì không có chuyện mỗi anh mỗi em đâu mà phải là một anh hai em tiếp viên. Tiền chi bát ngát” - một cấp dưới của ông kể. Nhắc lại chuyện này, ông bảo: “Chơi thế mới là chơi!”.
L.V.T, một nhân viên khác, cho rằng không chỉ bạn bè, nhiều cán bộ ngày ấy thích chơi với ông vì ông thích là chơi, thích là nhậu chứ không hề mưu tính nhậu để cầu lợi. Với người khác là thế nhưng bản thân ông lại sống khá giản dị. “Đi công tác TP HCM với ảnh, ảnh chẳng bao giờ ngủ khách sạn. Ảnh chỉ về chi nhánh công ty trải chiếu để ngủ” - L.V.T nói.
Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Công nghiệp Phú Yên ngày ấy là doanh nghiệp xin được hạn ngạch nhập khẩu xe máy nhiều nhất nước với hàng chục ngàn xe mỗi năm. Ngày ông bị bắt, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện rượu ngoại chất đầy nhà với giá trị hàng trăm triệu đồng. “Năm nào tôi cũng biếu cho bạn bè và mấy sếp chừng ấy rượu. Năm ấy chưa kịp biếu thì bị bắt” - ông cho biết. Đấy là năm 2003.
Dù kết án 8 năm nhưng ông được giảm án, chỉ ở tù 2 năm 38 ngày. “Người ta bảo “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nhưng với tôi, những ngày ở tù không buồn bằng 2 năm ra tù chờ xin việc. Trong tù, tôi vẫn hy vọng sẽ được các ông anh trên tỉnh, những bạn bè, chiến hữu bố trí việc để làm lại cuộc đời. Thế mà suốt 2 năm, gõ cửa khắp nơi, ở đâu họ cũng bảo “để nghiên cứu”. Sáng sáng cứ ngửa tay xin vợ mấy đồng bạc lẻ đi uống cà phê, thật không gì đau xót bằng!” - ông Bình tâm sự.
Chán ngán với tình người bạc bẽo, ông bán ngôi nhà ở trung tâm TP Tuy Hòa, ra ngoại ô xây 8 phòng trọ cho vợ kiếm chút thu nhập còn mình lên núi mua rẫy trồng cây, ẩn cư.
Vụ buôn lậu chấn động cả nước Cuối năm 2002, cả nước xôn xao về vụ buôn lậu số lượng lớn linh kiện xe máy vào tỉnh Bình Định. Đây là vụ án buôn lậu có tổ chức với sự thông đồng, móc ngoặc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. 13 bị cáo đã hầu tòa, trong đó có 8 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn. Ngoài ra, 2 cán bộ ở Cục Hải quan tỉnh Bình Định cũng dính líu đến vụ án nhưng đã tự nguyện nộp lại số tiền doanh nghiệp đút lót nên được miễn trách nhiệm hình sự. Theo điều tra của Bộ Công an, tháng 10-2002, ông Trần Quang Bình đã bán hạn ngạch nhập khẩu linh kiện xe máy cho Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp miền Trung để buôn lậu 12.000 bộ linh kiện xe máy. Nhằm thông quan số hàng buôn lậu, công ty này đã lo lót và được lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn cùng một số cán bộ của Cục Hải quan Bình Định tiếp tay. TAND Bình Định đã xét xử vụ án từ ngày 2 đến 7-11-2004, tuyên tổng mức án 41 năm tù cho 13 bị cáo. |
(Theo NLĐ)