Rất nhiều đại gia Việt có tài sản lớn nhưng phân tán ra cho vợ cho chồng, cho con cái, người thân. Nhiều khi chồng kinh doanh chính nhưng vợ nắm nhiều tiền hơn và ngược lại. Ở rất nhiều gia đình doanh nhân lớn, vai trò người vợ rất quan trọng, cả về mặt giữ gìn tài sản, giữ gìn cuộc sống gia đình hạnh phúc và có thể còn nhiều điều khác nữa....
Tiền chồng, tiền vợ
Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) hồi giữa tháng 2/2014 công bố thông tin, bà Lê Thị Thúy Hải, vợ của ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng đã mua thành công 3,08 triệu NTP, trong tổng số 3,1 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó.
Sau giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của bà Hải tại NTP tăng lên 7,13%.
Thông tin này thu hút sự chú ý của giới đầu tư bởi ngay trước đó ông Đặng Quốc Dũng cũng đã mua thành công 250.000 cổ phiếu để nâng lượng cổ phiếu sở hữu lên 939.000 đơn vị (2,17%).
Nhiều đại gia nắm rất ít cổ phiếu, tài sản phần lớn dồn cho vợ con. |
Gia đình ông Dũng, bà Hải quyết định mua vào một cổ phiếu có cơ bản rất tốt, một cổ phiếu nhựa hàng đầu trên thị trường và đang được nhiều NĐT lớn, được khối ngoại rất quan tâm trong bối cảnh Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông qua đề án tái cơ cấu với mục tiêu bán nửa tỷ cổ phiếu niêm yết từ nay đến 2015, trong đó có gần 16,1 triệu cổ phiếu NTP (tương đương 37,1%).
Với tỷ lệ sở hữu mới, bà Thúy Hải đã trở thành cổ đông lớn của NTP, nắm giữ tỷ lệ cao gấp nhiều lần chồng. Vợ chồng bà sẽ lọt tốp những gia đình giàu có nhất trên TTCK với khối tài sản quy ra từ cổ phiếu trị giá trên dưới 280 tỷ đồng.
Xu hướng chồng quản lý, vợ nắm cổ phiếu, nắm tài sản hay ngược lại hoặc chia sẻ nhau nắm giữ tài sản khá phổ biến trên TTCK Việt Nam.
Bà chủ Masan, Nguyễn Hoàng Yến được biết đến là cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất tại tập đoàn này. Bà Yến hiện nắm gần 22 triệu cổ phiếu MSN, trong khi chồng bà là ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐQT Masan chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu.
Cho dù được biết đến là ông chủ thực sự của Tập đoàn Masan, đồng thời nắm rất nhiều chức vụ khác như TGĐ Tập đoàn Ma San, chủ tịch Masan Consumer, phó chủ tịch Techcombank … nhưng ông Quang không hề nằm trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Trong khi đó, vợ ông lại đứng thứ 6 trong danh sách này, chỉ thua vài gương mặt nổi tiếng như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long…
Trong năm 2013, giới đầu tư cũng được nghe nói nhiều đến bà Vũ Thị Hiền sau nhiều lần người phụ nữ là vợ ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) này lọt vào tốp 10 người giàu nhất nhờ sự tăng giá dữ dội của gần 31 triệu cổ phiếu HPG mà bà nắm giữ.
“Chồng như cái giỏ, vợ là cái hom”
Hiện tượng chồng làm chủ trong công việc quản trị DN, làm công tác đối ngoại, vạch và thực thi các chiến lược, trong khi vợ quản lý đứng tên tài sản hoặc ngược lại khá phổ biến.
Trong trường hợp HPG, bà Vũ Thị Hiền vợ ông Trần Đình Long là một trong số những nhân vật bí ẩn nhất trong số những người phụ nữ giàu có trên sàn.
Tính tới cuối năm 2013, bà Hiền nắm giữ số lượng gần 31 triệu cổ phiếu HPG trị giá gần 1.300 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng giàu nhất. Giá trị số cổ phiếu mà bà Hiền nắm giữ tính tới cuối tuần đầu tháng 3/2014 cũng đã lên trên 1.500 tỷ đồng. Ông Long, trong khi đó, nắm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu HPG, trị giá hơn 4.900 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 3.
chồng và vợ có những mối quan tâm, những việc làm và có túi tiền riêng biệt nhưng khi khó khăn mới là thời điểm họ chia sẻ với nhau. |
Ở REE, người điều hành hoạt động của DN này là bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Tuy nhiên, bà không phải là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất. Chồng bà, ông Nguyễn Ngọc Hải mới là cổ đông cá nhân lớn nhất, nắm giữ gần 15 triệu cổ phiếu REE, tương đương hơn 6% và là người giàu thứ 34 trên sàn chứng khoán với tài sản khoảng 460 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con gái của bà là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh năm 2013 mua thêm 1 triệu cổ phiếu REE nâng tổng nắm giữ lên 3,16 triệu đơn vị, cũng đứng trong top 120 người giàu nhất.
Rất nhiều cổ đông khác nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các DN trên sàn nhưng không hề tham gia vào điều hành và cũng không được biết đến khi gắn với các hoạt động của DN.
Hiện tượng tài sản, cổ phiếu đứng tên các thành viên trong gia đình không hề xa lạ trong cộng đồng DN Việt Nam như trường hợp gia đình ông Trầm Bê nắm cổ phần lớn tại nhiều NH, nhiều DN; gia đình ông Trần Mộng Hùng, gia đình ông Đặng Văn Thành… Nhiều người vợ cùng tham gia với chồng gây dựng DN từ những ngày đầu thành lập và tiếp tục cùng nhau phát triển DN như ở các trường hợp: VIC, MSN… Nhiều người thuần túy đứng tên như đã nêu ở trên.
Ở chiều ngược lại cũng có những gia đình mà người phụ nữ giàu có nhờ vào chính quá trình hoạt động điều hành DN như bà Mai Kiều Liên với vai trò thuyền trưởng tại DN sữa Vinamilk; bà Phạm Thị Việt Nga, chủ tịch Dược Hậu Giang; bà Trương Lệ Khanh, chủ tịch kiêm TGĐ Thủy sản Vĩnh Hoàn; bà Nguyễn Thị Như Loan của QCG, bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch Tân Tạo…
Hiện tượng chồng quản lý, vợ đứng tên cổ phiếu hay ngược lại nhiều khi chỉ mang tính hình thức, là lựa chọn của mỗi gia đình trong việc công bố thông tin ra công chúng… Tuy nhiên, đây đôi khi cũng được xem như cách mà các thành viên trong gia đình chia sẻ, đối xử với nhau. Trong nhiều trường hợp, chồng và vợ có những mối quan tâm, những việc làm và có túi tiền riêng biệt nhưng khi khó khăn mới là thời điểm họ chia sẻ với nhau.
Huấn Tú