Không chỉ thua lỗ liên tục lên tới cả tỷ USD nhiều năm qua, Malaysia Airlines đang phải đối mặt với một thảm họa mà có thể sẽ khiến cho hãng hàng không này lún sâu vào vũng bùn khó khăn.

Khả năng cải thiện tình hình kinh doanh là rất khó khi mà hình ảnh của hãng bay vốn được xem khá an toàn sẽ xấu đi sau vụ máy bay mất tích lần này. Máy bay rơi có thể sẽ là đòn chí mạng đẩy hãng này đến bên bờ vực và rất có thể hãng hàng không này sẽ trở thành một 'thảm họa' kinh tế.

Tín hiệu xấu đầu tiên

Sau 2 ngày nghỉ không giao dịch, cổ phiếu MAS của hãng hàng không Malaysia Airlines mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 10/3 ngay lập tức lao dốc xuống mức thấp kỷ lục sau khi chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 bất ngờ mất tích cùng với 239 người hôm 8/3.

Ngay khi mở cửa, cổ phiếu MAS giảm 18% và tới 9h sáng vẫn còn giảm 12% còn 0,22 Ringgit/cp.

Cổ phiếu MAS giảm mạnh là do giới đầu tư lo ngại Malaysia Airlines đang đối mặt với nguy cơ suy giảm uy tín nghiêm trọng và có thể mất khách do vụ máy bay của hãng chở 239 người mất tích trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh sáng ngày 8/3 và vẫn chưa tìm được dấu vết gì.

{keywords}

3 năm qua, Malaysia Airlines đã lỗ khoảng 1,3 tỷ USD và cổ phiếu MAS cũng đã giảm khoảng 74%.

Ngoài ra, giới đầu tư lo ngại cơ thể vốn đã ốm yếu Malaysia Airlines càng trở nên khó xoay sở sau nhiều năm liền thua lỗ. Trong năm 2013, MAS lỗ 1,17 tỷ Ringgit (360 triệu USD); 2012 lỗ 432 triệu Ringgit và lỗ kỷ lục -2,52 tỷ Ringgit trong năm 2011.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, hàng không giá rẻ lấn lướt, chiếm lĩnh thị trường, thì các hãng hàng không truyền thống như Malaysia Airlines rất khó có lãi, chưa kể tới nguy cơ đối mặt với những rủi ro, thảm họa bất ngờ.

Trong thông cáo báo chí thứ 9 phát đi lúc 10h sáng ngày 10/4, Malaysia Airlines cho biết hãng đã mất liên lạc với chiếc MH370 hơn 48 tiếng đồng hồ cho dù vẫn đang tích cực tìm kiếm với sự hỗ trợ từ Úc, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines và Mỹ.

Không chỉ tìm kiếm, MAS còn phải đặt trọng tâm vào công việc chăm sóc các gia đình của các hành khách có tên trên chuyến bay, bao gồm cung cấp thông tin, phương tiện di chuyển, ăn ở, thuốc men và hỗ trợ về tinh thần. Tất cả các chi phí này, theo thông báo, sẽ do Malaysia Airlines lo toàn bộ.

Kịch bản buồn

Malaysia Airlines được biết đến như là một hãng hàng không hoạt động khá an toàn và có uy tín, với rất ít vụ tai nạn trong gần 80 qua. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của hãng không hề thuận lợi. Trong 3 năm qua, Malaysia Airlines đã lỗ khoảng 1,3 tỷ USD và cổ phiếu MAS cũng đã giảm khoảng 74%.

Sự lớn mạnh của nhiều hãng hàng không giá rẻ, hãng hàng không tư nhân đã khiến cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt và những hãng truyền thống như Malaysia Airlines không còn lợi thế. Họ phải chi phí lớn để nuôi một bộ máy cồng kềnh, đào tạo phi công đắt đỏ, trong khi nhiều tuyến bay vàng bị cạnh tranh, giành giật khách. 

{keywords}
Sự cố về an toàn bay khiến các hãng hàng không gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh. Trong ảnh là một chiếc máy bay của Malaysia Airlines gặp sự cố (ảnh airliners.net)

Trong một khảo sát gần đây, Bloomberg cho biết, có tới 14/16 nhà phân tích khuyến cáo NĐT nên bán cổ phiếu MAS, trong khi chỉ có 2 người khuyến nghị nắm giữ.

Điều khiến các NĐT lo lắng là Malaysia Airlines sẽ thuyết phục các khách hàng tiếp tục gắn bó với hãng sau vụ tai nạn vừa diễn ra như thế nào? MAS sẽ hồi phục bằng cách nào khi mà vũ khí cạnh tranh mạnh nhất của hàng hàng không truyền thống được thành lập từ năm 1937 này là uy tín và sự an toàn của các chuyến bay nói chung đang bị đe dọa.

Những khó khăn của Malaysia Airlines càng trở nên nặng nề hơn khi mà DN này đang trong quá trình tái cơ cấu, cắt giảm các chi phí để thoát thua lỗ nhưng lại gặp phải sự can thiệp của chính phủ và sự phản đối của các tổ chức công đoàn.

Trong khi Malaysia Airlines gặp khó khăn thì hãng hàng không giá rẻ AirAsia Bhd. vẫn hoạt động khá tốt. Thông báo hồi cuối tháng 2/2014 cho biết, AirAsia hãng tin tưởng vào khả năng trả cổ tức 20% và tiếp tục duy trì chính sách vừa trả cổ tức vừa đầu tư mở rộng để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. AirAsia bắt đầu phân phối lợi nhuận từ năm 2011 và vẫn giữ lại một phần để mở rộng hoạt động. Cổ phiếu AirAsia đang trên đà tăng giá và hiện đang ở mức khoảng 2,4 Ringgit/cp, tăng khoảng 8,5% so với đầu năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia thế giới, ở Đông Nam Á, các hãng hàng không giá rẻ đang phát triển mạnh với những cái tên như AirAsia của Malaysia, Jetstar Asia Airways của Singapore, PT Lion Mentari Airlines của Indonesia và VietJetAir của Việt Nam gần đây.

Các hãng hàng không giá rẻ này có tỷ lệ lấp đầy rất lớn, lên tới khoảng 85-90%. Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, các hãng này còn mở rộng ra nhiều nước và gây áp lực lớn đến các hàng hàng không truyền thống. Một số hãng thậm chí còn tính tới khả năng phục vụ khách hàng giống như các hãng bay truyền thống và tìm cách loại bỏ chữ giá rẻ để khẳng định chất lượng dịch vụ, cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không quốc gia.

Những chuyển biến trong vài năm gần đây trên thị trường hàng không trong khu vực cho thấy, các hãng hàng không quốc gia giống như Malaysia Airlines hay Vietnam Airlines vẫn có những lợi thế nhất định nhưng quá trình cổ phần hóa, sức ì và sự bành trướng quá nhanh chóng từ hàng không giá rẻ của những đại gia có máu mặt đang làm thay đổi cục diện cuộc chơi.

Huấn Tú