Từ đầu 2014, các ngân hàng tung ra những gói cho vay vốn với lãi suất thấp để thu hút khách hàng. Lãi suất đúng là có giảm nhưng thực tế không thấp như quảng cáo và càng không dễ chịu so với thực tế kinh doanh khó khăn hiện nay.

Hạ rồi vẫn khó ‘nuốt’

Giữa tháng 2/2014, một ngân hàng đã triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay vốn lưu động với lãi suất 8%/năm.

Lãi suất 8% được coi là thấp trong tình hình chung hiện nay. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ cho 3 tháng đầu, các tháng sau sẽ tính dựa trên lãi suất huy động cao nhất thị trường (chẳng hạn như hiện nay ở mức khoảng 9%/năm) cộng với biên độ 4,9%, như vậy sau 3 tháng đầu hưởng lãi suất thấp, các tháng còn lại khách hàng sẽ phải chịu lãi vay khoảng 13,9% (nếu lãi suất huy động trên thị trường cao nhất vẫn là 9%). Tính ra, bình quân thì lãi suất của gói ưu đãi này khoảng 13%.

{keywords}
Lãi suất thấp chỉ 1 vài tháng đầu.

Tương tự. BIDV từ 24/2 đến 31/8, dành 5.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, hộ kinh doanh với mức lãi suất 8% - 9,5%/năm trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau thời gian hưởng lãi suất thấp, sẽ được tính theo thị trường và ước tính lãi suất bình quân khoản vay cũng khoảng 12%.

VIB vừa triển khai gói 2.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi cá nhân với mức lãi suất 7,77%/năm trong 3 tháng đầu, sau đó sẽ nâng lên và lãi suất bình quân sẽ giữ ở mức 9,99%/năm trong 12 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của thị trường.

Vietcom Bank từ tháng 1/2014 đã có gói cho vay với lãi suất cực thấp, chỉ 5%- 5,8%/năm với điều kiện các DN mở tài khoản và bán ngoại tệ lại cho ngân hàng. Tuy nhiên lãi suất ưu đãi này cũng chỉ kéo dài từ 1-3 tháng đầu, sau đó lại theo thị trường và tính bình quân cả khoản vay cũng khoảng 10%/ năm đầu tiên.

Cập nhật của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên của nhóm ngân hàng Nhà nước ở mức 7-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8%/năm; trong đó, một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm. Đối với nhóm NH cổ phần, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,5-11,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 12-13%/năm.

DN khó tiếp cận

Theo ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu Aproximex, mặc dù NH đang thừa tiền, bí đầu ra và đã hạ lãi suất nhưng các DN vẫn chưa tiếp cận được vốn rẻ thực sự

Hiện tại lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc nằm trong nhóm được ưu tiên thì lãi vay thấp nhất của các ngân hàng Nhà nước như VietinBank, AgriBank vẫn là 9%/năm. Tuy nhiên lãi suất này cũng chỉ ưu đãi trong thời gian từ 6-9 tháng, sau đó sẽ nâng lên 10%/năm và sau 12 tháng thì còn cao hơn nữa. Với nhiều NH cổ phần vẫn đang giữ lãi vay từ 13%-16%/năm.

Đây là mức lãi suất khá cao so với tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay. Với lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài vay ở nước họ tính ra chỉ từ 3%-4% và đưa vốn rẻ vào Việt Nam, trong khi các DN Việt Nam vẫn vay cao gấp hơn 2 lần nên rất khó cạnh tranh, ông Lý cho biết.

{keywords}
Vốn khó vẫn hoàn khó.

Theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, nhiều DN hiện vẫn phải vay với lãi suất từ 11%/năm trở lên, thậm chí là 15%/năm và lãi suất chưa thực sự giảm mạnh trên diện rộng. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều DN cho biết lãi suất cao khiến họ không còn lợi nhuận và không dám vay vốn.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa cho biết, đến nay lãi suất cho vay đã giảm, song vẫn còn cao gần gấp đôi so với khả năng sinh lời của DN. “Hiện lợi nhuận của các DN nhỏ và vừa bình quân chỉ ở mức 6% - 7%/năm, nếu vay vốn lãi suất cao hơn chắc chắn sẽ thua lỗ”, ông Kiêm cho biết.

Mới đây, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN và PTNT) vừa kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển đối với ngành nông nghiệp xuống còn 5% - 6%/năm, so với mức hiện tại từ 9%/năm.

Tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn trên từ các NH. Chỉ những DN có tài sản tốt, phương án kinh doanh tốt và có dòng tiền mới được các NH chào đón, nhưng số DN này hiện nay không nhiều. Không những thế, các gói cho vay lãi suất thấp ở mỗi NH cũng chỉ từ 2.000 - 5.000 tỷ đồng, chiếm một tỷ trọng vô cùng nhỏ so với tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng và cũng chưa chắc đã giải ngân hết.

Vì vậy số lượng khách hàng được hưởng lợi trên thực tế không nhiều.

Ngoài ra, một số DN phản ánh, các ngân hàng vẫn “chắc tay” với tài sản đảm bảo, khiến họ phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, định giá quá rẻ mạt. Thậm chí nhiều ngân hàng luôn có những suy đoán rất kỳ lạ cho rằng với tình hình hiện tại, những DN nào chấp nhận vay lãi suất cao là có vấn đề, không muốn cho vay, càng khiến DN nản lòng khi vay vốn.

Trong khi đó, thừa tiền, NH lại đổ dồn vào trái phiếu. Theo số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2014, tổng cộng có hơn 35.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã được huy động thành công, trong đó các NH vẫn là khách hàng chính, mặc cho lãi suất ngày càng giảm.

Tình hình này rất đáng lo ngại, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, nó sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN có biểu hiện giảm sâu hơn, dẫn đến hệ quả là nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Trần Thủy