Buổi sáng cuối đông M’drak, Đắc Lắc nơi những dãy núi hùng vĩ dắt díu bồng bềnh sương mù bao bọc quanh thung lũng và hồ nước dập dờn bờ lau trắng còn vảng vất tiếng hát của Y Moan chàng ca sĩ Ê đê “Ơi, M’drak”.

Đặng Lê Nguyên Vũ im lặng một lúc, đột ngột đứng lên rồi đột ngột cầm quả địa cầu và quay ngược quả địa cầu xuống. Ông nói:

Lật ngược quả địa cầu

“Đất Bắc trời Nam” là “tượng trời” đã định của nước Việt, tộc Việt. Nếu lật ngược quả địa cầu, Việt Nam hướng trọn tầm nhìn về phía trời Nam ấy theo quy luật mà Tạo hóa đã ấn định.

Nói rồi ông chủ Trung Nguyên đến bên tượng Thành Cát Tư Hãn, người từng với vó ngựa chinh phục cả đế chế Trung Hoa hùng mạnh, cả châu Âu vĩ đại. Nhìn thẳng vào đôi mắt kẻ chỉ lim dim đầy thách thức khinh mạn của Thành Cát Tư Hãn, ông cười lớn: “Có đúng vậy không, thưa Ngài?”.

Cái tư duy đảo ngược tầm nhìn này khác với cái tư duy của một triết gia phương Tây: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả trái đất. Chưa dừng lại ở những huyệt cốt tử bí ẩn của Tạo hóa đã gieo, đã cấy, đã gài cho tộc Việt gọi là “ấn dấu tượng trời”, Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn tôi đến bên bức vách có treo tấm bản đồ Việt Nam có một vòng tròn quây bọc xung quanh hiện rõ chữ S của nước Việt như biểu tượng Thái cực, âm dương trong cái vòng tròn ấy. 

{keywords}

Đặng Lê Nguyên Vũ trong thời gian 49 ngày tại Mdrak, Đắk Lắk

Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, hình ảnh này là duy nhất trên bản đồ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Hình chữ S – biểu tượng Thái cực, âm dương này không phải tự dưng mà có. Đặng Lê Nguyên Vũ nhấp ly cà phê, khẽ buông lời nói mà tôi cảm nhận hình như không phải chỉ là lời nói của ông mà còn của ai khác. Ai khác ấy, lúc ấy tôi chưa cảm nhận được. Nhưng lời nói đã buông là thế này: Thiên mệnh.

Bây giờ thì tôi đã hiểu rằng vì sao trong nhiều năm trời khi mà công việc kinh doanh của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang trải qua nhiều thử thách bởi muốn ra biển lớn, anh vẫn dành hầu hết thời gian, thể xác, thể hồn của mình để hoàn thành bộ sách có tên là “Thiên mệnh Việt”.

Cách đây 5 năm cũng tại M’drak này, Đặng Lê Nguyên Vũ đã mời hơn 30 chuyên gia ở nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, chính trị, trong 3 ngày liên tục bàn thảo kịch bản phát triển cho nước Việt. Anh từng nói: Dù thể chế nào cũng cần một kịch bản phát triển đúng đắn. Và, một kịch bản như thế đã được gửi lên lãnh đạo quốc gia. Nhưng “Thiên mệnh Việt” lại ở một tầm nhìn khác. Bắt đầu từ “thuyết hội tụ” Đặng Lê Nguyên Vũ muốn qua “Thiên mệnh Việt” tìm ra công thức sức mạnh của quốc gia Việt. Theo anh, quốc gia Việt chỉ có thể hội tụ, đoàn kết thành một sức mạnh vô biên nếu cùng có cội nguồn chung, nguy cơ chung và tương lai chung.

 Trong cuốn “Thiên mệnh Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ đã phân tích và đúc kết các bài học thành công và thất bại của Việt Nam cũng như của thế giới, đồng thời vạch ra cương lĩnh phát triển quốc gia trên các trụ cột cốt lõi hài hòa giữa tâm linh, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục. Ông đã đẩy sâu hơn phong trào “Tuổi trẻ khát vọng Việt” do ông khởi xướng cùng các cuộc diễn thuyết của ông tại các diễn đàn cho tuổi trẻ thành lý luận “Công thức thành công” cho một quốc gia. Theo ông, công thức đó là mọi công dân Việt phải có được:

- Tinh thần chiến binh

- Tinh thần doanh nhân

- Tinh thần sáng tạo

Trong “Thiên mệnh Việt” ông còn đẩy xa hơn khi đặt tâm thế nước Việt và vai trò Việt trong bình diện không chỉ khu vực mà toàn cầu.

Tôi hỏi ông Vũ: Cuốn “Thiên mệnh Việt” ông đã hoàn thành, tức là kịch bản cho một nước Việt hùng cường, vĩ đại ông đã viết xong, vậy vì sao ông còn lên rừng núi hoang dã M’drak này, nhịn ăn 49 ngày để tìm cái gì?

Sách... nghĩ !

 Trước khi trả lời câu hỏi, Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn tôi vào thư viện. Anh bảo: M’drak là nơi tôi thường xuyên lui về để… nghĩ. Tại đây có những cuốn sách về… “nghĩ”. Tôi bắt gặp ở đây những cuốn sách về Hery David Thoreau cùng các gạch đít đậm của ông Vũ dưới câu nói của Thoreau: Hãy đặt lẽ phải lên trên luật pháp. Lẽ phải là lẽ thuận của Trời, luật pháp chỉ là lẽ của thế lực người dùng để cai trị. Tôi nghĩ rằng đứng về phía Thượng đế - lẽ Trời là đủ rồi, và một người theo lẽ phải, tự mình đã là một đa số rồi.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói: Sau này Gandhi lãnh  tụ tinh thần của Ấn Độ cũng nói câu này: “Một người theo lẽ phải tự mình đã là đa số”. Ông Vũ nói: Theo Thoreau, chính phủ tốt là chính phủ không cai trị gì cả. Tôi thấy Thomas Jefferson của Mỹ không dám nói “không cai trị gì cả” mà thận trọng hơn khi xê dịch thành “một chính phủ tốt là chính phủ ít cai trị””.

Trên cuốn sách về cuộc đời Hitler, dưới câu của Hitler về phương pháp tuyên truyền: Cứ nói dối thật nhiều những điều to tát nhất, mọi người sẽ tin vì cái lẽ người ta chỉ quen nói dối vụ nhỏ không thể tin cái điều nói dối to lớn kia là lời nói dối được. Anh Vũ ghi: Phải chăng lời “chỉ dạy” này của Hitler đã được không ít kẻ hậu thế làm theo. Thật đau đớn và tủi hổ cho dân tộc nào phải sống trong sự lừa mị, dối trá….

Tôi ngạc nhiên khi trong tủ sách “nghĩ” của ông Vua cà phê, một nhà kinh doanh ở tuổi 40 này có nhiều sách về các nhà khoa học, cùng luận thuyết thiên văn, vật lý. Trong cuốn sách của Copenich, Đặng Lê Nguyên Vũ tâm đắc với câu nói của nhà thiên văn đại tài này: Không có thuốc gì của người đời chữa được vết cắn của kẻ nói xấu. Trong cuốn nghiên cứu về nhà bác học Einstein, anh thích thú câu: Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí.

 Tôi được nghe kể từ nhỏ Đặng Lê Nguyên Vũ đã rất mê đọc sách, khi sống với bà ngoại tại Khánh Hòa, bà ngoại sợ cháu mình thức khuya quá, bắt cháu ngủ sớm, cậu bé Vũ đã chui vào chăn đốt đèn dầu đọc sách, sớm ra hai lỗ mũi đen kịt vì khói. Anh bảo: Hồi nhỏ vớ được cuốn nào là đọc, thượng vàng hạ cám. Bây giờ đọc những cuốn sách của các triết gia, các nhà khoa học, các Kinh Thánh, Kinh Phật, Tin lành, sách các danh nhân, sách về các quốc gia phát triển, các lý thuyết, học thuyết… là để tìm ra con đường cho mình.

Anh Vũ đọc sách để khảo sách và đối thoại với các nhân vật lịch sử. Anh nhờ nhà điêu khắc Lê Liên tạc gần 50 bức tượng các danh nhân đặt trong thư phòng. Ông thường xuyên “đối thoại” với các danh nhân ấy. Với Machiavelli ông không đồng tình với lý thuyết gia người Ý này khi ông ta cho rằng “bí quyết thành công là biết coi thường mọi động lực khác, chỉ chú trọng đến lòng tham và sự ích kỷ” vì ông nghĩ ngược lại, bí quyết của thành công chính là khát vọng. Chính vì vậy ông đem nguồn lực kinh tế của Trung Nguyên đóng góp cho phong trào “Khát vọng Việt” trong tuổi trẻ với việc in và quảng bá những cuốn sách nói về “khát vọng”.

 Khi Adam Smith đẩy thêm luận điểm của Machiavelli: Chính lòng vị kỷ của cá nhân sẽ đưa tới sự trù phú của xã hội. Quốc gia trở nên phồn thịnh hơn nếu mọi người không ngừng nỗ lực để cải thiện sinh hoạt của riêng mình. Chúng ta phải kêu gọi không phải lòng nhân từ mà kêu gọi lòng ích kỷ của con người.

Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Các lý thuyết trên đều mang tính thực dụng. Con người có lòng tham, lòng ích kỷ đó là sản phẩm lỗi của Tạo hóa. Tạo hóa không muốn có sản phẩm lỗi ấy. Chính từ cái gốc sản phẩm lỗi này đã dẫn đến tác phẩm “Giấc mơ Trung Quốc” của học giả Lưu Minh Phúc đã làm anh suốt nhiều đêm trăn trở, lo nghĩ. Bởi cái “Giấc mơ Trung Quốc” ấy nếu được thực hiện dựa trên nền tảng của những sản phẩm lỗi thì đất nước Việt, dân tộc Việt sẽ phải gánh chịu biết bao trở lực trên con đường vượt lên, phát triển theo “Thiên mệnh Việt” của mình. Tôi ngạc nhiên khi ông Vua cà phê dành nhiều tâm sức hơn cả để nghiên cứu tư tưởng của Einstein. Không phải tự dưng ông nhắc đi nhắc lại câu nói của Einstein : Cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí.

(còn tiếp)

(Theo Motthegioi)