Tìm hiểu của PV về cái gọi là “mô hình” nuôi gián đất du nhập từ Trung Quốc vừa bị các cơ quan chức năng Việt Nam 'thổi còi'.

Bộ NNPTNT đã có công văn yêu cầu Sở NNPTNT Bắc Ninh xử lý nghiêm việc tự ý nhập khẩu, nuôi gián đất trên địa bàn tỉnh này vì có nhiều nguy cơ gây hại. Vậy con gián đất như thế nào, tại sao người dân lại nuôi loại côn trùng này? Phóng viên đã về Bắc Ninh để tìm hiểu cái gọi là “mô hình” nuôi gián đất.

Nhiều người Trung Quốc ở cơ sở nuôi gián

Địa điểm nuôi gián đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là Công ty HH có địa chỉ tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài. Tiếp chúng tôi là ông N- Giám đốc công ty.

Thấy có khách đến “tham quan”, ông N dẫn ngay chúng tôi ra khu nuôi gián để giới thiệu. Theo lời ông N, từ giữa năm 2013, ông có quen chị Nguyễn Thị L ở xã Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) là người mới đi làm việc ở bên Trung Quốc về, giới thiệu là bên đó có mô hình nuôi gián đất phát triển cho thu nhập cao lắm. “Thấy giới thiệu như vậy, nên tôi quyết định bỏ tiền đầu tư mua giống xây dựng khu nuôi và nhờ chị Lương bắt mối với người bên đó mua giống về để nuôi” - ông N cho biết.

{keywords}

Cơ sở nuôi gián đất rộng hơn 200m2 của Công ty HH ở xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh).

Có được “mối hàng”, ông Nguyên đã về đầu tư xây dựng khu nhà xưởng nuôi gián rộng 200m2 và chia làm 3 chuồng, chuồng được xây dựng bằng khung ống thép chắc chắn, khoảng cách mỗi chuồng gần 20m, mỗi chuồng lại được xây thành 3 tầng khác nhau.

Ngay sau khi hoàn thành cơ sở khu nuôi, ông N đã mua hơn 1 tạ trứng gián với giá là 130.000 nhân dân tệ (khoảng 450.000 đồng/kg) về để ủ giống. Chỉ riêng tiền trứng gián, ông N đã chi phí mất gần 50 triệu đồng. Gián thường có 2 loại giống là giống gián đất tròn (rẻ tiền) và loại dài (còn gọi là Kim biên), giống đắt có thể lên đến 9 triệu đồng/kg.

Đến khi mang được giống về, ngay lập tức ông N được 4 người Trung Quốc sang tận cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Ông N kể: “Từ tháng 8.2013, người Trung Quốc họ ăn ngủ ở cơ sở của tôi 24/24, đến giờ tôi đã hiểu rõ về kỹ thuật nuôi, nên hiện họ chỉ để lại một người để giám sát, hướng dẫn”.

Nói xong, ông N dẫn chúng tôi đến giới thiệu với ông Giang Triệu V (55 tuổi). Ông V là người Việt gốc Hoa khá am hiểu về con gián đất. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về loài vật mới này, ông V giới thiệu luôn: “Gián đất là một loài được nuôi rất phổ biến ở Trung Quốc chuyên dùng để cung cấp cho ngành dược phẩm và đang là con vật mang lại thu nhập cao cho người dân Trung Quốc. Chúng tôi muốn đưa nó sang đây giúp người Việt Nam làm giàu”. Như để khẳng định thêm về “lợi thế” mà loài côn trùng nguy hiểm này mang lại, ông này nói tiếp: Gián đất là một loài vật nuôi còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng là con vật tiềm năng sẽ mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Các bạn cứ thử nuôi gián đi, nuôi ra bao nhiêu chúng tôi cũng sẽ mua hết mà không lo ế”.

Mỗi kg trứng gián nở ra 16.000 con

Nói về “kỹ thuật” nuôi gián, ông N cho biết: “Gián đất chủ yếu sống ở trong đất. Nếu nuôi bằng thủ công thì cần phải chuẩn bị, xử lý tốt thì gián đất mới có thể giữ ấm được trong mùa đông. Đối với mùa hè chúng đi tránh nóng, thì cần chú ý đất tốt để gián đất hấp thụ được nước và thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể”. Khi nghe ông N giới thiệu về quá trình sinh trưởng của gián đất chúng tôi không khỏi rùng mình. Bởi theo lời ông, cứ mỗi 1kg trứng gián có tương đương 2.000 kén trứng. Mỗi kén sẽ nở ra được 8 con, như vậy mỗi kg trứng gián có khả năng sinh sôi ra tới 16.000 con gián đất. Và từ mỗi kg trứng gián đó có thể thu được tới 40-50kg gián khô.

Theo ông N, gián đất có 3 giai đoạn sinh trưởng như loại hình hạt vừng; loại có hình hạt đậu tương và loại hạt đậu côve là gián trưởng thành. Thấy chúng tôi chưa hiểu, ông N giới thiệu thêm: Gián khi ở giai đoạn hạt vừng là loại con non được sinh ra từ trứng có màu trắng, có độ to nhỏ giống như hạt vừng. Sau đó chuyển gián xuống nuôi trong bồn trước, đợi khi gián lột xác lần đầu xong thì mới bỏ vào bể (hộp) để nuôi. Thức ăn của gián chủ yếu là cám nhỏ, lá chè non, quả dưa, ngô, bột xương, hạt đậu, lạc…

Rùng mình hơn, ông N còn cho biết, gián đất rất… khó chết. “Gián đất là một loài chân khớp nên chúng kháng bệnh rất mạnh, chúng chỉ mắc một số bệnh như bệnh đường ruột” - ông N nói. Về đầu ra của gián đất, ông N nói: “Gián đất thường được sơ chế theo dạng lấy phôi khô rồi tiếp tục sấy khô. Gián đất sau khi thu hoạch, phơi khô sẽ báo cho các đầu mối ở bên tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) về thu mua ngay (để làm... thuốc Đông y), vì để lâu sẽ bị mọt và ẩm mốc. Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, gián khô loại 1 có giá 1.500 đồng/con, còn nếu bán theo khối lượng thì được 1,7 triệu đồng/kg. Gián loại 2, 3 sẽ được phân loại và bán thấp hơn giá trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trọng Minh - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, đúng là trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình nuôi gián đất của người dân trên địa bàn tỉnh tại 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Do đây là mô hình mới, nên Sở NNPTNT Bắc Ninh mới có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT về vấn đề này.

Sẽ giám sát, quản lý thật chặt

Chiều qua (13.3), trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết, hiện Sở vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc xử lý các mô hình nuôi gián đất trên địa bàn. Trước đó, theo ông Hồng, Sở đã phát hiện được thông tin về tình trạng 2 hộ nuôi gián đất tự phát ở xã Xuân Lai (Gia Bình) và Quảng Phú (Lương Tài) từ cuối tháng 12.2013. Sau đó, Sở đã về kiểm tra 2 cơ sở nuôi gián trên để tìm hiểu thực tế tình hình và đã có lấy mẫu trứng gián mang về xét nghiệm. “Trước mắt, Sở NNPTNT Bắc Ninh đã yêu cầu chính quyền địa phương giám sát, quản lý thật chặt không cho 2 cơ sở nuôi gián đất trên phát tán, nhân rộng đến các hộ khác cũng như thả ra môi trường”- ông Hồng khẳng định.

(Theo Dân Việt)