- Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin có nhiều quân bài để đối phó với phương Tây. Bên cạnh đó, có những sức mạnh nằm ngoài tính toán của vị tổng thống nước Nga.
Phương Tây trừng phạt
Cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea đã kết thúc hôm 16/3 với trên 95% cử tri lựa chọn sáp nhập vào Liên bang Nga, đúng như dự đoán của dư luận và lo ngại của Mỹ và châu Âu.
Mỹ, châu Âu và một số nước trên thế giới ngay lập tức không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Crimea, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Các biện pháp trừng phạt cụ thể chưa được áp dụng, nhưng trước đó Nhà Trắng đã tính tới nhiều biện pháp với mục đích gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế, như cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân thân cận Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thậm chí, các biện pháp còn đề cập tới khả năng đóng băng tất cả các quỹ và các nguồn lực kinh tế thuộc sở hữu, nắm giữ hoặc kiểm soát bởi những người chịu trách nhiệm cho những hành động làm suy yếu sự toàn vẹn của Ukraine.
Các tính toán cho thấy, Nga sẽ thiệt hại nặng nề nếu phương Tây áp dụng các biện pháp này. Kinh tế của Nga sẽ không có tăng trưởng trong năm 2014, TTCK lao dốc, dự trữ ngoại hối tụt giảm, đồng rúp mất giá...
Những dự báo này phần nào đã được phản ánh gần đây. Đồng rúp của Nga trong tuần qua đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại, chứng khoán Nga cũng xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Sức tiêu dùng và đầu tư được dự báo sẽ sụt giảm khi Kremlin kiểm soát Crimea.
Trong các báo cáo gần nhất, nhiều tổ chức đã hạ tăng trưởng GDP của Nga năm 2014 từ mức 1,9-2,6% xuống chỉ còn khoảng 0,8-1% với những lo ngại về cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine trong đó có lo ngại lạm phát sẽ tăng vọt, thị trường tiền tệ bị thắt chặt và thu từ xuất khẩu tụt giảm.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo luồng vốn tháo chạy khỏi Nga sẽ lên tới 130 tỷ USD vào cuối năm nay sau khi ghi nhận khoản 45 tỷ USD bị rút ra trong khoảng 2,5 tháng đầu năm.
Nhìn chung, các dự báo đều cho thấy, Nga là đối tượng thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng lần này và thiệt hại sẽ còn gia tăng nếu vẫn sáp nhập Crimea hoặc can thiệp sâu hơn vào Ukraine bởi các lệnh cấm vận tài chính và thương mại rộng lớn hơn sẽ được thực thi.
Chứng khoán Nga tăng điểm phớt lờ đe dọa trừng phạt từ phương Tây |
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Nga không dễ bị ăn hiếp và không lùi bước. Nếu phương Tây sử dụng các biện pháp trừng phạt, không biết ai sẽ tổn thương nhiều hơn trong cuộc đối đầu này.
Trạng chết chúa cũng băng hà
Trong một nhận định gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, các lệnh cấm vận có thể diễn ra nhưng tác động có thể kiểm soát được.
Nhận định nói trên rất đáng chú ý bởi có lẽ không nói thì các nước phương Tây cũng đều hiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế thế giới trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và đan xen chằng chịt như hiện nay là rất lớn.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt Nga cuối cùng sẽ phản tác dụng đối với EU và Hoa Kỳ.
Cảnh báo này có thể không khiến Hoa Kỳ ngại nhưng với EU đây là một điều phải cân nhắc. Trong những năm gần đây, giao dịch thương mại giữa Nga và EU lên tới hàng trăm tỷ Euro. FDI của EU tại Nga cũng chiếm gần 75%, trị giá cũng hàng trăm tỷ.
Những khoản đầu tư lớn, những tài sản của DN Âu đang nằm ở Nga rất có thể là mục tiêu nếu Nga áp dụng các biện pháp trả đũa. Đây có lẽ chính là lý do mà khi nói đến các biện pháp trừng phạt Nga, nhiều thành viên EU đã không mạnh miệng như Hoa Kỳ.
Người dân vui mừng trước kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea |
Không những thế, EU đang phải nhập khẩu năng lượng lớn từ Nga, với khoảng hơn 30% cho nhu cầu của khu vực. Nếu Nga khóa van các dòng dầu xuất khẩu sang khu vực này thì nền kinh tế nhiều nước châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong tuần qua, có một diễn biến cũng khiến nhiều người giật mình. Các thị trường chính toàn cầu đã trở nên căng thẳng trong sự đồn đoán Kremlin đã rút khỏi Hoa Kỳ hơn 100 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Đây là một bước đi được cho là của Nga nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến với lệnh trừng phạt của phương Tây. Không chỉ Kremlin mà các DN, các doanh nhân Nga đã phải lên phương án cho những kịch bản xấu nhất.
Trên thực tế, nhìn vào bản đồ có thể thấy, tầm quan trọng của Ukraine nói chung và Crimea nói riêng đối với Nga là rất lớn. Nga là một cường quốc nhưng lại "không thực sự có biển". Cả về mặt quân sự lẫn thương mại, để có thể xuống Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương hay ra Thái Bình Dương, Nga đều phải xuống Biển Đen (mà Crimea được xem như cái cổng), chứ không thuận khi vượt qua vùng Siberia và rừng Baikal rộng lớn được.
Những diễn biến gần đây cho thấy, phương Tây rất khó thay đổi ý chí của ông Putin. Sự trừng phạt lẫn nhau sẽ xảy ra. Chiến tranh lạnh sẽ ảnh hưởng tới Nga. Tuy nhiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của châu Âu, thậm chí cả Mỹ. Nga có dự trữ ngoại hối lớn và nước này sẽ chống chọi được với các lệnh cấm vận trong một khoảng thời gian.
Nếu Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ với mũi dùi chĩa vào các nền kinh tế khát năng lượng của khu vực này và các DN châu Âu đang đầu tư và hoạt động tại Nga thì điều gì sẽ xảy ra?
Trong cuộc đối đầu này, có lẽ tất cả sẽ trở thành những kẻ thua cuộc. Ukraine và Nga sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Với châu Âu, Đức có lẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi có hàng nghìn DN đang hoạt động tại Nga. Mỹ trong khi đó có thể chịu ảnh hưởng ít nhất, thậm chí còn có lợi trong các chính sách năng lượng giá rẻ cho châu Âu.
Trên một bàn cờ, khi mà một bên bị dồn vào thế yếu, ắt hẳn họ sẽ phải tìm cách thoát ra, nhất là khi sức mạnh hai bên đang ở mức ngang ngửa, phụ thuộc lẫn nhau.
Chứng khoán Nga tăng điểm Ngay sau khi Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga, cổ phiếu Nga đã tăng điểm vào phiên mở cửa ngày thứ hai, các nhà đầu tư đại phương đang phớt lờ những đe dọa trừng phạt từ phương Tây. Vào lúc 7:45 GMT, chỉ số IRTS tăng 1,4% đạt 1,078 điểm. Đồng Rúp suy yếu so với đồng USD nhưng lại mạnh lên so với đồng euro, giao dịch ở mức 36,64 rúp/usd và 43,09 rúp/euro. Dmitry Ryzhkov, một nhà đầu tư tại Renaissance Capital, cho biết, những kì vọng tiêu cực liên quan đến cuộc bỏ phiếu phần lớn đã ảnh hưởng đến thì trường bằng việc giảm giá trong hai tuần qua. (Nhị Anh) |
Huấn Tú