- Do thiếu tiền, cả loạt dự án nhà đất dang dở đã bị bỏ hoang trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những tháng gần đây, việc nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đang bung tiền để đầu tư tiếp, hồi sinh dự án nhằm dứt điểm để thu tiền về.
Cuộc đua của nhà giàu
Sự khó khăn về nguồn vốn và đầu ra, cộng với khủng hoảng kinh tế chung đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS không còn đủ sức cầm cự. Nhiều dự án mới xây chưa xong phần móng, hay mới chỉ hoàn thiện nửa chừng đã không thể tiếp tục vì doanh cạn kiệt tài chính. Song những chuyển biến tích cực từ chính sách đã làm cho nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính đến chuyện tìm các dự án có thể phục hồi nhanh để đầu tư.
Vì thế, nhiều DN đã khởi động cuộc “đi săn” thông qua các hình thức mua lại hoặc hợp tác để tăng nguồn vốn cho dự án. Cuộc đua của thị trường hiện tại sẽ dành cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực mạnh.
Mới đây Tập đoàn Đất Xanh đã mua lại dự án căn hộ quy mô 3,6 ha tại quận Thủ Đức của một chủ đầu tư đang đổi tên thành Sunview Town với 2.000 căn hộ, tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 1.200 tỉ đồng.
Nhiều dự án đang hồi sinh (Ảnh minh họa) |
Công ty Hưng Thịnh cũng bắt đầu tham gia vào cuộc đi “săn” dự án dở dang. Mới đây nhất dự án Kim Tâm Hải (quận 12, TP.HCM) đã “nảy mầm” trở lại khi được chăm bẵm bằng dòng tiền của Hưng Thịnh. Sau khi bơm vốn hoàn thiện và độc quyền phân phối dự án. Đến nay, dự án đã bàn giao hết sản phẩm cho khách hàng.
Mới đây, Tập đoàn Novaland cũng công bố hợp tác đầu tư 2 dự án Icon 56 và Galaxy 9 đều tại quận 4. Theo đó, chủ đầu tư góp quỹ đất còn Novaland rót thêm một phần vốn để xây dựng và phân phối dự án. Trước đó, doanh nghiệp này đã hoàn tất việc mua lại dự án Lexington Residence (quận 2) và tung ra thị trường từ đầu năm.
Ngoài những trường hợp kể trên, thị trường BĐS TP.HCM còn chứng kiến hàng loạt thương vụ hợp tác khác, như Tập đoàn C.T Group mua lại một dự án BĐS của Công ty TNHH Đầu tư Thiên Lộc tại 359 - Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp), sau đó hợp tác với Đất Xanh phát triển thành dự án căn hộ với tên gọi mới là Sun View 3; Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) liên kết với các Công ty Phước Long, Tổng công ty cổ phần Phong Phú và Công ty cổ phần BĐS Dệt may Việt Nam phát triển Dự án Khu nhà ở Trung tâm thương mại Phước Long (quận 9)…
Vơi gánh lo thủ tục
Việc chăm bẵm các dự án dở dang hồi sinh được nhiều DN tham gia khi các thủ tục pháp lý đã cơ bản hoàn thiện. Đây là giai đoạn khiến hầu hết DN ngán ngẩm vì sự phiền hà của nó. Nếu được rút ngắn được giai đoạn hành chính này sẽ làm cho doanh nghiệp dễ tính toán cho kế hoạch tài chính hơn.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh cho hay tại thời điểm này, DN mua lại dự án với giá mềm, tránh được nhiều khó khăn của quá trình đầu tư dự án BĐS đó là thủ tục pháp lý. Dòng vốn được quay nhanh hơn vì không phải chờ đợi bị động như việc đầu tư dự án trắng từ đầu.Tuy nhiên, không phải dễ hồi sinh và thu lợi nhuận từ những dự án mua lại này. Để có được thành công, DN phải có năng lực tài chính, và khả năng bán hàng tốt.
Ông Phan Thành Huy, TGĐ Tập đoàn Novaland nêu ví dụ về 3 dự án Novaland vừa triển khai: “Dự án đã hoàn thành về mặt pháp lý, đã triển khai xây dựng nên rút ngắn rất nhiều thời gian và giảm chi phí vốn, góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành giúp khách hàng có cơ hội mua được những căn hộ tốt với giá phù hợp”.
Hầu hết các chuyên gia BĐS đều cho rằng, thay vì đình trệ và chờ chết, liên kết, hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập đang là liều thuốc trợ lực rất tốt cho các dự án dở dang. Tuy nhiên xu thế này có thể mạnh dần trong năm 2014, nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Vì vậy nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sàng lọc xem xét nhiều yếu tố để đảm bảo dự án sẽ “sống lại”.
Không thể cứu 100% các dự án, vì có rất nhiều trường hợp chủ đầu tư hoạch định sai lầm từ đầu, cũng có không ít dự án pháp lý chưa đi đến đâu. Những dự án bị ngâm quá lâu dẫn đến không thể có lãi cũng rất khó có cơ hội hợp tác hay mua bán thành công.
"Trở ngại lớn nhất trong M&A bất động sản vài năm qua là suất đầu tư ban đầu quá cao, dẫn đến giá cả không phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường. Mặc dù đổ tiền vào các dự án dở dang đang dần trở thành xu thế trong năm nay nhưng thành công chỉ đến với doanh nghiệp nào biết sàng lọc kỹ dự án. Việc hồi sinh không phải chỉ đổ tiền vào dự án, mà đó chỉ là điều kiện để dự án có nội lực có thể gượng dậy’, một chuyên gia nhấn mạnh.
Nam Phong