Với cái nắng nóng trên dưới 39 độ C, kéo dài hơn tuần qua đã khiến quán nước mía giải khát cô Thanh trên đường Phan Văn Trị, quân Bình Thạnh, TP.HCM vào mùa bội thu.
Nước mía ở Sài Gòn hút khách trong những ngày nắng nóng bởi vị ngọt thanh, chua dịu khi được ép cùng lát chanh hay tắc (quất). Người dùng cũng có thể bỏ thêm chút chanh muối vị thanh thanh vào nước mía với tác dụng giúp giải nhiệt nhanh, thơm, mát.
Ghé vào quán nước mía cô Thanh, số 108 trên đường Phan Văn Trị thì cái nóng bức của đường phố Sài Gòn dường như đã dịu đi phần nào, nhường lại cho cảnh người tấp nập, chờ đợi tới lượt mua nước mía của khách hàng.
Ly nước mía nguyên chất, đá bỏ vào chỉ vừa đủ mát chứ không nhiều. |
“Vào Sài Gòn từ năm 1999, chưa biết làm gì để lập nghiệp kiếm sống, tình cờ giữa trưa hè đi ngang qua quán nước mía, thế là 2 vợ chồng nảy sinh ý tưởng mở quán bán. Những ngày đầu mới mở quán cũng ế lắm, dần dần mọi người tới mua ngày một đông, đến nay phải đầu tư 2 máy xay bán mới kịp, để khách không phải đợi lâu”, cô Thanh chia sẻ.
Bán nước mía từ khi giá 1.000 đồng/ly, đến nay đã 15 năm, một ly nước mía vẫn chỉ 4.000 đồng nhưng người dùng khá hài lòng vì như nhận xét của một số khách hành “nước mía nguyên chất, đá bỏ vào chỉ vừa đủ mát chứ không nhiều và trông đảm bảo vệ sinh”.
Cô Thanh chia sẻ: “Để có được ly nước mía ngon, tôi phải lấy mía tận Tây Ninh. Xe ép nước phải ngon, mía phải bào vỏ chứ không được cạo, đoạn sâu thì chặt bỏ sau đó mang đi rửa sạch phơi khô rồi mới xay, như vậy uống vào ly nước sẽ đậm chất mà không ngọt hắc”.
Chú Hoa, một người chạy xe ôm gần khu vực, uống nước mía ở quán từ gần 10 năm nay nói: “Từ lần uống đầu tiên tại quán là tôi ghiền ngay. Nước mía uống vào có vị ngọt thanh, mát, vị mặn của chanh muối xua đi cơn khát mỗi khi chở khách đi xa về”.
Mùa nắng nóng như hiện nay, quán mở cửa từ 8h sáng tới 20h tối mỗi ngày, bán được khoảng 2.000 ly. Thời điểm đông khách nhất vào khoảng từ 12h trưa đến 15h, đó là thời điểm nắng nóng nên nhiều người tới mua.
Mía phải được bào vỏ chứ không cạo |
“Khách uống tại quán không nhiều, thường là người ta tới mua mang về, cũng có khi là mình phải mang đi giao nếu số lượng nhiều”, cô Thanh nói thêm.
Khách đến mua nước mía rất đa dạng, từ những người bốc vác hàng, bán hàng rong cho đến những em học sinh, sinh viên hay cả những người làm công nhân viên chức... Dù là khách quen hay người qua đường thì ai đã từng uống nước mía tại quán một lần thì “sẽ tìm đến lần hai”.
Người chờ đợi mua nước mía |
Được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong 15 năm bán nước mía, Cô Thanh kể: “Hôm đó quán đóng cửa sớm, có nhóm sinh viên tới gọi cửa mua nước mía uống sinh nhật đứa bạn. Bảo chúng đi quán khác uống một hôm, nhưng tụi nhỏ không chịu bảo quen uống nước mía cô Thanh nên giờ “ghiền luôn”. Thấy tụi nhỏ dễ thương quá nên tôi cũng đành phải dọn đồ xay bán”.
Không chỉ là điểm bán nước mía giải khát, quán của cô Thanh còn là nơi tập trung bạn bè đến trò chuyện, hàn huyên. Chỉ một ly nước mía cùng những câu chuyện không hồi kết mà bầu không khí Sài Gòn như bớt ngột ngạt, oi bức hơn.
“Tôi uống nước ở quán với tụi bạn từ khi đang còn theo học sinh viên. Đến nay ra trường đi làm nhưng vẫn thường xuyên ghé quán tám chuyện, tâm sự ôn lại kỷ niệm và thưởng thức một ly nước mía nguyên chất, giá rẻ, đảm bảo vệ sinh cho người dùng”, chị Lê Thị Mai nhân viên văn phòng quận 1 chia sẻ.
(Theo Một thế giới)