Việc Bộ NN-PTNT chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là rất đáng hoan nghênh. Chúng ta phải ủng hộ quan điểm: DN sai bị xử phạt – Cán bộ sai đương nhiên phải kỷ luật.
Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón (PB) đang diễn ra khá bát nháo tại Việt Nam, nhiều năm qua lãnh đạo Bộ NN-PTNT rất quyết liệt trong việc xử lý các đơn vị, doanh nghiệp kể cả tổ chức, cán bộ sai phạm.
Những động thái quyết liệt này được dư luận đồng thuận, ủng hộ và đánh giá cao, vì nó góp phần làm thanh lọc môi trường SXKD phân bón nói riêng và ngành vật tư nông nghiệp nói chung.
Kết luận sai phạm của HĐKL (Cục Trồng trọt) về ông Phạm Trung Hòa |
Làm sai nhưng vẫn “la làng”?
Vụ việc bắt đầu từ việc ngày 9/8/2013 Bộ NN-PTNT ban hành thông tư 38 (về ban hành danh mục bổ sung PB được phép SX KD và sử dụng tại Việt Nam - có 785 loại PB được bổ sung và 193 loại PB được thay thế…) có hiệu lực từ ngày 19/9/2013. Sau đó, ngày 24/9/2013 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ra QĐ 2171 về việc thanh tra trình tự, thủ tục ban hành TT 38.
Kết luận Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phát hiện hàng loạt sai phạm “động trời” của nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” trong lĩnh vực phân bón
Sẽ không có gì để nói nếu Đoàn thanh tra không phát hiện ra nhiều sai phạm, trong đó có nhiều sai phạm “động trời” của nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” trong việc khảo kiểm nghiệm PB.
Cụ thể, sau một thời gian dài tiến hành thanh tra, ngày 19/12/2013 đoàn thanh tra (gồm 14 cán bộ là lãnh đạo các cục, vụ, phòng ban… thuộc Bộ NN-PTNT) đã có kết luận số 4513 chỉ ra hàng loạt những sai phạm của cá nhân, tập thể có liên quan và kiến nghị các biện pháp xử lý.
Theo đó, tại Trung tâm KKN phân bón Quốc gia, thanh tra phát hiện đơn vị này bỏ qua việc khảo nghiệm tới 18 loại PB (có biên bản làm việc của thanh tra với TT khuyến nông Hà Nam ngày 6/11/2013; biên bản làm việc của Thanh tra với Trạm khảo kiểm trồng trọt ngày 5/11/2013; biên bản của Cục Trồng trọt với TT Khảo kiểm nghiệm PB Quốc gia và các Trạm, trung tâm nơi có địa điểm khảo nghiệm ngày 11/11/2013…).
Đặc biệt, thanh tra về trình tự thủ tục xây dựng TT 38; đoàn thanh tra kiểm tra 948/978 loại PB phát hiện thiếu 30 hồ sơ gốc - hồ sơ loại PB do Cục Trồng trọt chưa cung cấp (hiểu nôm na là cấp khống). Về trình tự, thủ tục kiểm tra 948 loại PB, đoàn thanh tra thấy 888 loại PB thiếu thủ tục. |
Đáng lưu ý, đối với 660/675 loại công nhận PB mới, thanh tra phát hiện thiếu hồ sơ tới 15 loại (hiểu nôm na là cấp khống); thiếu hồ sơ 02 loại PB tái đăng ký; thiếu 13 loại PB sang tên, chuyển đổi sở hữu đổi tên PB…
PV NNVN thắc mắc về sự kì lạ trong kết luận thanh tra, một cán bộ thanh tra chia sẻ: Việc thiếu hồ sơ gốc hiểu nôm na như việc “có bằng lái xe nhưng lại không có hồ sơ gốc” - tức bằng giả. Rõ ràng không có lý do gì khi trải qua hàng loạt quy trình mà để “lọt lưới” một cách dễ dàng như vậy. Tôi không nói có tiêu cực vì không có bằng chứng, tuy nhiên dư luận cho rằng đây là điều không bình thường.
Thế nên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể và cá nhân liên quan… Giao Vụ Tổ chức cán bộ kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân liên quan của Cục Trồng trọt.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và kiến nghị của đoàn thanh tra, ngày 10/3/2014 phụ trách Cục Trồng trọt có công văn 339 báo cáo Vụ Tổ chức cán bộ việc: “làm rõ tồn tại, vi phạm của một số cá nhân liên quan đến trình tự, thủ tục xây dựng TT 38” của 5 cá nhân gồm: Ông Phạm Trung Hòa, PGĐ phụ trách Trung tâm (TT) KKN PB Quốc gia; ông Vũ Tuấn Linh, Phó phòng Khảo nghiệm TTKKN PB Quốc gia; bà Phan Quỳnh Hương, Phó phòng Khảo nghiệm TTKKN PB Quốc gia; ông Cao Việt Hưng, Phó phòng sử dụng đất PB, Cục Trồng trọt và ông Dương Văn Dũng, chuyên viên Phòng sử dụng đất PB, Cục Trồng trọt.
Với ông Phạm Trung Hòa, Hội đồng kỷ luật (HĐKL) kết luận: “Là PGĐ phụ trách TT, trực tiếp phụ trách phòng khảo, kiểm nghiệm PB đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý được phân công… để xảy ra vi phạm nghiêm trọng là không khảo nghiệm nhưng vẫn có báo cáo trình Hội đồng công nhận 18 loại phân bón. Ông Hòa kí đơn đề nghị kí xác nhận vào 5 báo cáo khảo nghiệm nhưng không có hợp đồng khảo nghiệm, thiếu báo cáo của cơ sở khảo nghiệm, cấp dưới sử dụng các số liệu gốc không có thực tế để viết báo cáo. HĐKL kiến nghị cách chức PGĐ phụ trách TT của ông Hòa theo quy định Khoản 1, Điều 2 ND927/2012”.
Với ông Vũ Tuấn Linh, HĐKL kết luận: “Là phó trưởng phòng khảo nghiệm PB phụ trách chung đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý được phân công… để xảy ra vi phạm nghiêm trọng là không khảo nghiệm nhưng vẫn có báo cáo trình Hội đồng công nhận 18 loại PB… Ông Linh còn sử dụng các số liệu gốc không có thực để viết báo cáo; là người tổng hợp viết báo cáo tại 5 báo cáo kết quả khảo nghiệm 18 loại PB, lập hồ sơ 18 loại PB trình ông Hòa kí để đưa ra Hội đồng công nhận. Do đó HĐKL kiến nghị: “Cách chức ông Linh”.
HĐKL cũng kết luận: “Bà Phan Quỳnh Hương với trách nhiệm phó trưởng phòng khảo nghiệm PB đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý được phân công… để xảy ra vi phạm nghiêm trọng là không khảo nghiệm nhưng vẫn có báo cáo trình hội đồng công nhận 18 loại PB; bàn giao các số liệu gốc không có thực để ông Linh viết báo cáo. Tại buổi làm việc, bà Hương còn có thái độ thiếu nghiêm túc như đập bàn ghế trước HĐKL”. Theo đó, HĐKL đã đề nghị cách chức bà Hương.
Ông Cao Việt Hưng cũng được HĐKL kết luận: “Là người chịu trách nhiệm chính các trình tự, thủ tục xây dựng TT 38, có trách nhiệm trực tiếp đến 24 tồn tại, sai phạm theo kết luận thanh tra và có trách nhiệm liên quan 20 tồn tại, sai phạm khác. Trong đó có những sai phạm nghiêm trọng như không cung cấp được hồ sơ 30 loại PB, có lỗi rất nghiêm trọng như DN bảo vệ 1 nhưng đưa vào danh mục 3 loại PB; đưa vào danh mục 4 PB không qua hội đồng…tự thay đổi thành phần, hàm lượng chính không qua khảo nghiệm; tái đăng ký 21 PB đã quá hạn đưa vào danh mục khi DN đã xin rút đơn”. Kết luận còn nêu: “quá trình kiểm điểm ông Hưng thiếu thành khẩn…
Sai phạm của ông Hưng là nghiêm trọng dẫn đến mất lòng tin của người sản xuất vào công tác quản lý nhà nước lĩnh vực phân bón”…do đó HĐKL đề nghị cách chức.
Còn với ông Dương Văn Dũng, HĐKL kết luận: “Ông Dũng có trách nhiệm trực tiếp đến 8 tồn tại, sai phạm; trong đó có những sai phạm nghiêm trọng như không cung cấp được hồ sơ 13 loại PB chuyển nhượng; thẩm định đưa vào TT 38 tổng số 21 PB quá hạn 5 năm; 162/180 hồ sơ chuyển nhượng thiếu thủ tục hoặc có sai sót về thủ tục”. Theo đó HĐKL kiến nghị hình thức kỉ luật cảnh cáo.
Đáng nói, dù những sai phạm đã được thanh tra vạch rõ và HĐKL đã kết luận, thế nhưng không ít cán bộ có sai phạm lại gửi “đơn kêu cứu và tố cáo khẩn cấp” tới nhiều nơi. Từ đơn khiếu nại này, một số ít cơ quan truyền thông đã cho đăng tải theo kiểu phản ánh đơn kêu cứu, và đặt vấn đề “cán bộ Cục Trồng trọt bị trù dập” khiến công luận không đồng tình. Nhiều cán bộ hiểu tường tận vụ việc lắc đầu cười ví von: Sai rành rành như thế còn…la làng” thật bó tay.
|
Không xử lý nghiêm cán bộ sẽ khó ăn nói
Trao đổi với PV, một cán bộ thanh tra nhận định: Hàng năm đều kiểm tra các DN PB và xử phạt rất nặng nếu phát hiện sai phạm nhằm răn đe những DN có ý đồ làm ăn bát nháo, gian dối để móc túi nông dân. Do đó, khi thanh tra phát hiện ra những tập thể, cán bộ có sai phạm thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm thì cũng phải xử lý nghiêm để DN thấy rằng “luật bất vị thân”.
Chính vì thế, cơ quan nhà nước sai phạm mà không nghiêm túc xử lý nghiêm thì khó mà ăn nói với dân và DN. Thực tế, chẳng ai dại gì mà đi “trù dập cán bộ” bởi luật cho phép tự do khiếu nại, tố cáo cơ mà.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp PB cũng cùng quan điểm: Thông thường khi thanh tra “người ta luôn bảo vệ người nhà” nhất là việc xử lý, kỷ luật. Việc Bộ NN-PTNT chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là rất đáng hoan nghênh. Chúng ta phải ủng hộ quan điểm: DN sai bị xử phạt – Cán bộ sai đương nhiên phải kỷ luật.