Hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp liên kết đã tương đối phổ biến cả đối với các doanh nghiệp liên kết có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên kết nội địa.

Tổng cục Thuế cho biết, đến nay đa số các hình thức chuyển giá điển hình diễn ra trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam. Hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp liên kết đã tương đối phổ biến cả đối với các doanh nghiệp liên kết có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên kết nội địa.

{keywords}
Tòa nhà Keangnam của Công ty Keangnam Vina - Cty bị phanh phui hành vi chuyển giá. Ảnh: Ngọc Châu

Hàng loạt chiêu thức trốn thuế, chuyển giá đã bị ngành thuế phanh phui trong các đợt thanh tra gần đây. Nhiều thiết bị cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã được các doanh nghiệp thổi giá để đưa vào chi phí nhằm trốn thuế.

Đủ chiêu thổi, đẩy giá

Các cuộc thanh tra chuyển giá mới đây cho thấy, tiếp theo những tên tuổi lớn như Adidas, Metro, Coca-Cola, PepsiCo, Big C,… hàng loạt đại gia quốc tế khác đã bị cơ quan thuế điểm tên có các hoạt động chuyển giá tại Việt Nam. Hành vi chuyển giá thông qua đơn giá xây dựng đang được khá nhiều DN ngành xây dựng áp dụng. Mới đây nhất là trường hợp Công ty Keangnam Vina bị phanh phui hành vi chuyển giá.

Theo Tổng cục Thuế, để thực hiện chuyển giá, Keangnam Vina đăng ký lập doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Cty ký hợp đồng chìa khóa trao tay với bên liên kết là nhà thầu nước ngoài để xây dựng các hạng mục công trình với giá rất cao rồi báo cáo lỗ lớn và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Hành vi chuyển giá ở đây là thông qua đơn giá xây dựng. Công ty thuộc diện phải kê khai thông tin giao dịch liên kết với cơ quan thuế nhưng không chấp hành nghĩa vụ kê khai.

Dù đã thuê Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam làm tư vấn, qua thanh tra, chúng tôi vẫn đưa ra được những bằng chứng chỉ rõ việc chuyển giá. Đơn vị tư vấn cũng bị chúng tôi nhắc nhở.

Sau đó, Keangnam Vina đã bị truy thu thuế thu nhập DN 95,2 tỷ đồng và buộc phải điều chỉnh giá qua thanh tra 1.220 tỷ đồng”, một lãnh đạo Tổng cục Thuế kể lại.

Hình thức chuyển giá mới thông qua giá mua tài sản cố định từ bên liên kết nước ngoài cũng được một số DN FDI áp dụng trong lĩnh vực sản xuất sợi và dệt may. Thanh tra thuế đã phát hiện trường hợp điển hình tại Cty Hualon Corporation, 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island.

Cty này, đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai), bị phát hiện đã thổi giá mua tài sản cố định từ 400 nghìn USD lên 16 triệu USD. Điểm đặc biệt, theo cơ quan thuế, cùng với việc mua bán lòng vòng để hợp lý hóa chứng từ sổ sách nhằm nâng khống giá nhập, sau đó lấy cớ không dùng đến, đem thanh lý với giá rẻ mạt, Cty này đã mang đống dây chuyền “phế thải” có thể kéo theo những hệ lụy về môi trường.

Một cán bộ ngành Thuế cho biết, để che giấu hành vi chuyển giá, Hualon Corporation đã kê khai với cơ quan thuế bị lỗ do đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí…

Qua nhiều ngày kiểm tra hồ sơ sổ sách, lật lại từng giao dịch của DN có liên quan, cơ quan thuế phát hiện số lỗ lên tới 1.000 tỷ đồng trong suốt 20 năm mà đơn vị khai báo có nhiều điểm nghi vấn. Trước những bằng chứng khó chối cãi, những bất minh trong con số lỗ khủng của Cty đã được đưa ra ánh sáng.

Cơ quan Thuế đã điều chỉnh giảm lỗ phát sinh trong giai đoạn 2006-2009 của Hualon Corporation tới 621,2 tỷ đồng đồng thời truy thu thuế TNDN 78,1 tỷ đồng.

“Chúng tôi phải lấy dữ liệu giá của hàng nghìn doanh nghiệp dệt may trong nước để có các số liệu so sánh độc lập. Từ đó những sai phạm, bất hợp lý về giá cũng như hoạt động chuyển giá được phát hiện”, vị cán bộ này cho biết.

Tại một DN sản xuất hàng may mặc 100% vốn đầu tư nước ngoài khác ở miền Nam, hoạt động chuyển giá được thực hiện với sự tiếp tay của một số DN trong nước.

Phần lớn nguyên liệu (vải đã cắt thành hình) được Cty này mua từ các bên liên kết và phần lớn sản phẩm sản xuất ra lại được bán lại cho chính các bên liên kết. Sau đó, Cty kê khai không phát sinh thuế TNDN phải nộp do lỗ và do được miễn, giảm thuế.

Đại diện ngành Thuế cho biết, Cty đã thuê Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam làm tư vấn về giá chuyển nhượng. Hiện vụ việc đã được giao cho Cục Thuế địa phương thanh tra và chắc chắn sẽ có điều chỉnh giá.

Một chuyên án khác về chống chuyển giá được ngành Thuế thực hiện thành công phải kể đến trường hợp thông qua chuyển nhượng các loại tài sản máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm cần câu cá thể thao tại Công ty TNHH DaiWa Đài Loan (Đà Nẵng). Chỉ trong 3 năm (từ 2007- 2009, DN này đã có số lỗ lũy kế lên tới 319 tỷ đồng.

“Nhiều DN FDI báo lỗ hàng trăm tỷ đồng, trong vòng 3 năm qua, có đơn vị báo lỗ trong 20 năm liên tiếp với số lỗ cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh” - Đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Hoạt động chuyển giá được thực hiện qua việc mua sắm các loại tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất từ chính các công ty “anh em” cùng tập đoàn. Sản phẩm làm ra là cần câu cá thể thao cũng được các công ty “anh em” phân phối và bán lại.

Để lật tẩy hoạt động chuyển giá, các thanh tra thuế phải lục đống hồ sơ giấy tờ giao dịch trong cả chục ngày mới phát hiện đầu mối từ việc mua bán lòng vòng qua một Cty Đài Loan. Số hàng sau đó lại được bán cho một doanh nghiệp khác tại TPHCM với giá cao hơn rất nhiều lần. Với những chứng cứ thu được, cơ quan thuế đã buộc DN phải chấp nhận giảm lỗ hơn 15,7 tỷ đồng và chịu phạt 233 triệu đồng.

Đến điệp khúc kêu lỗ

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong những năm gần đây, hiện tượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giá rồi kê khai thua lỗ khá phổ biến (chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước).

Trong đó, nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Số liệu thống kê từ ngành Thuế cho thấy, hầu hết các địa bàn thu thuế trọng điểm trên cả nước đều có doanh nghiệp FDI kêu khai lỗ nhiều năm và có dấu hiệu chuyển giá.

Kết quả thanh tra mới đây của Tổng cục Thuế cho thấy, tại Bắc Ninh, trong số 182 doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động và có phát sinh doanh thu, có 85 doanh nghiệp báo cáo lỗ (trong đó có 9 DN lỗ luỹ kế vượt quá số vốn chủ sở hữu).

Còn tại Lâm Đồng, trong số 18 DN FDI nhiều DN đã lỗ gần hết số vốn đầu tư hoặc vượt quá số vốn đầu tư. Nhiều DN FDI giá xuất khẩu chỉ bằng 40% đến 60% giá thành sản xuất. Đặc biệt, có tới 17 DN trong năm năm liên tiếp (từ năm 2004 đến 2009) không kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh. Cùng đó, các doanh nghiệp này đã làm hồ sơ đề nghị hoàn tổng cộng 21,6 tỷ đồng thuế VAT.

Tại trung tâm kinh tế TPHCM, trong số 3.281 doanh nghiệp FDI được kiểm tra, có trên 50% kê khai lỗ liên tục qua nhiều năm. Một số kê khai số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Số liệu của ngành thuế Hải Phòng cho thấy, đến hết 31/12/2012, trong số 247 DN FDI , có 109 DN thường xuyên kê khai lỗ với số lỗ được báo cáo trong riêng năm tài chính trước đó tới trên 1.200 tỷ đồng.

Kết quả điều tra của cơ quan thuế tại Long An cũng cho thấy nghịch lý đáng báo động về hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Có cả trăm DN liên tiếp bị lỗ với số tiền hàng trăm tỷ đồng/năm. Các DN này càng hoạt động, sản xuất kinh doanh nhiều, số lỗ càng lớn. Cá biệt như năm 2011, số lỗ của 163 DN chuyên gia công hàng xuất khẩu cho các DN liên kết ở nước ngoài lên tới 1.439,8 tỷ đồn

Theo Tiền Phong