Mỗi ngày sẽ phải có hơn 1 DN được chào bán trên sàn chứng khoán. Nếu không, mục tiêu CPH đến 2015 sẽ không hoàn thành.
Nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày càng trở nên nặng nề hơn khi chỉ trong 2 năm 2014-2015, phải cổ phần hàng trăm DN. Ông Phạm Viết Muôn – Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới DNNN của Chính phủ cho rằng: “Trong 2 năm phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước là việc không hề dễ dàng”.
Sàn giao dịch sẽ bị tắc vì quá nhiều DN IPO?
Theo ông Phạm Viết Muôn, 3 tháng đầu năm, trong tổng số 432 DNNN cần cổ phần hóa, chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa ở 146 doanh nghiệp, phê duyệt giá trị doanh nghiệp ở 26 doanh nghiệp, bán được 14 doanh nghiệp, sắp xếp được 14 doanh nghiệp.
Cùng thời gian này, cũng đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được 13 tổng công ty (9 doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải và 4 doanh nghiệp của Bộ Xây dựng).
Theo tính toán của ông Muôn, trong 2 năm phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp thì 1 ngày phải cổ phần hóa hơn 1 doanh nghiệp. Bởi vì từ nay đến hết năm 2015 chỉ còn 21 tháng, với số ngày làm việc là hơn 300 ngày. Nhưng số ngày mà Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM làm việc lại không đến chừng đó. Cho nên bình quân 1 ngày hai sở giao dịch này phải đưa ra bán đấu giá hơn 1 doanh nghiệp.
“Do đó nếu không có lịch biểu đấu giá cổ phần của từng doanh nghiệp thì sẽ bị tắc. Hệ quả là đến ngày cuối cùng chúng ta vẫn không cổ phần hóa kịp. Câu chuyện này đã bắt đầu xuất hiện ở các DN của Bộ GTVT…” – ông Muôn nói.
Cùng nói về việc CPH DNNN, trong một trao đổi gần đây, chuyên gia kinh tế của ADB, ông Dominic Meller cho rằng: Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014-2015 có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011-2013 chỉ có 99 DNNN được cổ phần hóa. Thị trường chứng khoán trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2013-tháng 3/2014. Nhưng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn còn khá nhỏ so với lượng vốn cần thiết để đảm bảo sự thành công của chương trình cổ phần hóa. Chính phủ cũng đã chấp thuận việc bán cổ phần dưới mệnh giá, điều này có thể tạo điều kiện cho việc thiết lập giá bán ở mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Về quản trị DN, theo ông Muôn, đây là vấn đề thường xuyên, liên tục, là cuộc đấu tranh giữa cái cũ – cái mới, tiến bộ và bảo thủ. Cuộc đấu tranh này là có khởi đầu không có kết thúc, nếu còn tồn tại DN.
Còn theo ông Meller, khi một DNNN được cổ phần hóa mà lãnh đạo không thay đổi thì các chính sách vận động của DN đó cũng sẽ không thay đổi. Như vậy, cổ phần hóa không có nghĩa là đã làm cho DN đó tốt lên. ADB đã có báo cáo so sánh về quản trị của DN Việt Nam trước và sau khi cổ phần hóa. Theo đó, một số lĩnh vực quản trị đã bị tụt hậu so với trước, các cơ quan chức năng tham gia chưa theo kịp khu vực…
Cần đẩy nhanh cổ phần hóa
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương đến năm 2015” , theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex, trong 1 năm đơn vị này đã cổ phần hóa xong hàng loạt DN, nhưng đến nay chưa quyết toán xong DN. Đây là việc khó nhất. “Vừa rồi, sau khi quyết toán đã giảm hơn 800 tỷ vốn nhà nước, giảm như vậy không ai dám ký” – ông Bảo nêu vướng mắc.
Ngoài ra, theo phản ánh của Đảng ủy khối DN trung ương, do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt (năm 2013 có 18 đề án, năm 2012 có 5 đề án, năm 2011 có 1 đề án). Các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ. Đồng thời trong 3 năm qua thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hóa, thoái vốn. Nguyên nhân chủ quan là các đơn vị chưa thực hiện quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.
Công tác quản trị doanh nghiệp đổi mới còn chậm, tại một số tập đoàn, tổng công ty, năng lực quản trị chưa tương xứng với qui mô, vị trí của đơn vị. Công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn lỏng lẻo. Việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin, áp dụng công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại trong quản trị DN còn yếu. Hiệu quả hoạt động của các DN trong khối chưa cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) giảm 0,58% trong trong 3 năm. Một số đơn vị chậm được phê duyệt điều lệ, vốn điều lệ chưa được cấp đủ hoặc qui mô còn nhỏ, không tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được giao.
Công tác sắp xếp lại lao động còn nhiều vướng mắc, một số DN như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn CN than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, NH Nông nghiệp và PTNT có số lao động dôi dư cần sắp xếp hàng nghìn người nhưng chưa giải quyết được nên đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, bên cạnh đóng góp lớn của DNNN, cần nhìn nhận nghiêm túc, khách quan rằng vẫn còn không ít DNNN nắm giữ nguồn lực về vốn, có nhiều lợi thế, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Sự thiếu hiệu quả của một số DNNN ở một số lĩnh vực ảnh hưởng không tốt đến việc phát huy vai trò chủ lực của DNNN.
Trong bối cảnh hội nhập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nếu các DNNN không tái cơ cấu, kịp thời tái cơ cấu có thể sẽ bị “thua”. Các tập đoàn, tổng công ty cần coi tái cơ cấu nguồn nhân lực, lao động, đặc biệt là kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo, bộ máy quản lý. Đặc biệt, lựa chọn đội ngũ cán bộ đúng và trúng có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, đóng vai trò quyết định tới thành công của DNNN.
Theo VOV