- Tính từ đầu năm đến nay (25/3), cả nước mới cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả này quá nhỏ bé so với mục tiêu trung bình cần cổ phần hóa trong năm nay là trên 200 doanh nghiệp.
Con số trên vừa được Bộ Tài chính đưa ra tại họp báo về tình hình quý I của ngành chiều 4/4.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong số 15 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, có tới 10 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Trong đó, đã có 9 tổng công ty thực hiện bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng - IPO như Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cineco 6)... Tuy nhiên, tỷ lệ IPO còn thấp, ví dụ như Vinamotor là 2,5%, Cienco 6 đạt 5-7%.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định, hành lang pháp lý cho kế hoạch cổ phần hóa đã có nhiều thuận lợi hơn trước. Để tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình này, Chính phủ đã ban hành nghị định 189/2013 ngày 20/11/2013, sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2013 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Những doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện ngay IPO. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất và triển khai chính sách cho phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, phân loại lĩnh vực đang đầu tư có lãi hay lỗ để có giải pháp thích hợp...
Thủ tướng đã yêu cầu, đến năm 2015, cả nước sẽ phải cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp, trung bình mỗi năm sẽ phải cổ phần hóa xong 216 doanh nghiệp. Như vậy, với con số chỉ mới đạt 15 doanh nghiệp cổ phần hóa trong quý I thì khả năng đạt mục tiêu trên là rất khó.
Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại Hội nghị tái cơ cấu DNNN của Đảng bộ Khối doanh nghiệp trung ương vừa qua cũng bày tỏ sự lo ngại: “Từ nay tới thời hạn phải cổ phần hóa xong DNNN chỉ còn khoảng hơn 9 tháng. Nếu trừ cả ngày nghỉ, ngày lễ, tính ra trung bình mỗi ngày phải cổ phần hóa xong hơn 1 doanh nghiệp”.
Theo báo cáo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, trong năm 2014, sẽ có 2 công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty phải cổ phần hóa xong là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Phạm Huyền