Lòng tham luôn tồn tại, hiện hữu ở mọi nơi, song không ở đâu lòng tham bị kích thích mạnh mẽ, bị cám dỗ như ở ngân hàng.
Trong hầu hết các vụ án kinh tế đã và sắp được đưa ra xét xử gần đây như Huyền Như, bầu Kiên, Ngân hàng Phát triển chi nhánh Dak Nông, Agribank... ngân hàng luôn là đối tượng có liên quan. Không chỉ số lượng các tổ chức tín dụng bị “điểm danh” trong các vụ án ngày càng nhiều, mà số tiền ngân hàng bị mất hoặc có khả năng không thu hồi được ở cấp độ ngày một cao.
Vụ án nhỏ, ngân hàng mất cỡ vài trăm tỉ đồng. Vụ án lớn, một hay một số ngân hàng “cùng” mất hàng ngàn tỉ đồng. Ngân hàng quốc doanh dính líu tiêu cực có, ngân hàng cổ phần cũng không đứng ngoài.
Có vô số cách thức ngân hàng mất tiền, nhưng tựu trung lại tiền ngân hàng không tự dưng “mọc cánh” mà bay ra khỏi kho quỹ. Không có kẻ trộm nào cao thủ tới mức cướp ngân hàng trắng trợn ban ngày hay ban đêm như trong các bộ phim ăn khách kinh điển của thế giới. Các xe chở tiền của ngân hàng là loại chuyên dụng và an ninh tiền tệ gần như được đảm bảo tuyệt đối.
Đến nay việc phân loại ngân hàng vẫn chưa được thực hiện một cách chính thức và minh bạch. |
Đa số trường hợp ngân hàng mất tiền do cán bộ, nhân viên nội bộ mất phẩm chất, cấu kết với doanh nghiệp “móc ruột” ngân hàng. Một số dự án “ma” được vẽ vời trên giấy, một số cán bộ tín dụng bị lòng tham che mờ bởi những khoản tiền “lại quả”, thậm chí một số bộ phận nghiệp vụ của ngân hàng “liên minh” với nhau để hóa phép, hợp thức hóa những khoản vay mà cả người vay lẫn cho vay đều biết khó lòng lấy lại được. Ở đây không phải rủi ro tín dụng, bên vay làm ăn thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến nợ xấu không trả được. Ở đây là rủi ro phẩm chất, đạo đức một số cán bộ ngân hàng!
Lòng tham luôn tồn tại, hiện hữu ở mọi nơi, song không ở đâu lòng tham bị kích thích mạnh mẽ, bị cám dỗ như ở ngân hàng.
Nguy cơ của rủi ro đạo đức là không thể lượng định được. Những vi phạm cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo, dùng thủ thuật nghiệp vụ biến trắng thành đen, không thành có, gây thiệt hại về tài sản nhà nước (đối với tiền của ngân hàng quốc doanh hay ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối). Có quan điểm cho rằng mất tiền của ngân hàng cổ phần, tức là của tư nhân, cổ đông - nhà đầu tư gánh chịu. Đâu chỉ giới hạn đơn giản thế. Ngân hàng là nơi huy động vốn của dân cư. Liệu tiền mất đó ngân hàng có lấy vốn tự có ra bù đắp bằng cách hạch toán giảm vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ? Chưa có ngân hàng nào làm thế cả.
Trong sự xuống cấp về đạo đức của một số cán bộ ngân hàng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính những ngân hàng chủ quản. Ở vị thế cấp cao, nhất là đối với lãnh đạo một số ngân hàng vướng vào vòng lao lý, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ngành, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong vụ án Huyền Như, đại diện Viện Kiểm sát đã kiến nghị NHNN chấn chỉnh lại hoạt động của VietinBank vì ngân hàng này chưa làm tốt công tác quản lý cán bộ. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm ở Agribank, công tác cán bộ và trách nhiệm của NHNN cũng được đề nghị phải xem xét lại. Sự chấn chỉnh đó là cần thiết. Tiếc rằng đến giờ NHNN cũng chưa một lần lên tiếng về vấn đề này.
Rộng hơn, việc quản lý cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo của những ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Phát triển Việt Nam thuộc thẩm quyền của cả Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Có lẽ đã đến lúc phải có những quy định công khai, luật hóa cụ thể về công chức ngành ngân hàng. Lòng tham luôn tồn tại, hiện hữu ở mọi nơi, song không ở đâu lòng tham bị kích thích mạnh mẽ, bị cám dỗ như ở ngân hàng, nơi hàng ngày người ta tiếp xúc với tiền bạc, vật chất. Trong môi trường đặc thù ấy phải có những rào cản chế ngự lòng tham, ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra.
So với 5-10 năm trước lòng tin vào ngân hàng nói chung của dư luận đang bị tổn thương. Ngay cả những người làm ngân hàng cũng phải thốt lên môi trường kinh doanh tiền tệ giờ đây biến đổi nhiều quá. Cựu tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói: “Làm ngân hàng hiện nay luôn phải đối phó với đủ chuyện đau đầu khi môi trường không còn trong sạch và vô tư như trước nữa”.
Nói thế không phải vơ đũa cả nắm. Còn đó những ngân hàng về tổng thể vẫn là địa chỉ kinh doanh hiệu quả, môi trường làm việc đáng mơ ước của nhiều người, nơi không xảy ra những vụ mất tiền, những dính líu đến án này, án nọ. Đề cập đến các vụ án, giới ngân hàng và không ít người ngoài đã từng chép miệng “con sâu làm rầu nồi canh”. Chỉ có điều khi các vụ án kinh tế ngày một phổ biến, khi mà tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chuyện ngân hàng mất tiền ngày càng dày, người ta không khỏi hoài nghi về mật độ sâu trong nồi canh giờ ở mức nào. Và liệu có giải pháp tận gốc rễ nào ngăn ngừa sự dày thêm của mật độ đó?
(Theo Hải Lý, TBKTSG)