Với thực tế cầu luôn vượt cung, nhiều gia đình buộc phải chấp nhận tuyển người giúp việc nhà thông qua các công ty môi giới hay giới thiệu việc làm đầy rủi ro, phiền toái và tốn kém

Dù sự việc xảy ra cách đây đã hơn 1 tháng nhưng khi kể lại, anh Huỳnh Thanh Phong (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP HCM) vẫn chưa hết bức xúc. “Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi điện thoại đến công ty A.B - chuyên giới thiệu người giúp việc nhà ở Quốc lộ 13, quận Thủ Đức - để tìm ôsin. Vốn là người kỹ tính nên tôi quyết định đến tận công ty này chọn người chứ không tuyển qua điện thoại” - anh cho biết.

Giở chiêu “người thân đau nặng”

Sáng 27-2, anh Phong đến công ty A.B tìm người giúp việc. “Nắm bắt nhu cầu của tôi, Khánh - giám đốc công ty - gọi một phụ nữ tầm 50 tuổi tên Thơm, quê Cần Thơ, ra giới thiệu: “Cô này độc thân, chưa từng giúp việc nhà nhưng cần tiền nuôi em bệnh nặng nên không ngại việc gì”. Ngoài bà Thơm, ở đây còn có 4-5 người sẵn sàng “chào hàng” nếu khách yêu cầu. Tôi thấy lạ là Khánh giành nói hết, không để bà Thơm hỏi han gì về công việc phải làm” - anh nhớ lại.

{keywords}
Giáp việc gia đình kiếm tiền triệu

Thấy bà Thơm có vẻ hiền lành, chân chất nên anh Phong đồng ý và ký hợp đồng tuyển người giúp việc do Khánh đưa ra. Mức lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng là 3,5 triệu đồng/tháng, anh đóng cho Khánh 500.000 đồng phí môi giới rồi chở ôsin về nhà. “Khánh cho biết mức phí môi giới quy định của công ty là 600.000 đồng/người nhưng chỉ lấy 500.000 đồng vì “ôsin đang cần việc” - anh kể.

Trên đường về nhà Phong, khi xe chạy chừng 5 phút thì bà Thơm khều vai anh, ngập ngừng: “Tôi thấy chú hiền lành nên nói cho biết… Tụi này chỉ gạt chú thôi…”. Anh Phong giật mình rồi gặng hỏi về những chiêu trò của công ty môi giới người giúp việc. Bà Thơm thành thật: “Chủ công ty dặn tôi hễ đến nhà ai làm thì sau 2-3 ngày cứ viện cớ người thân đau nặng để nghỉ việc, chủ nhà khó thể từ chối. Trong thời gian chờ việc 1 tuần ở công ty A.B, tôi thấy khi người giúp việc đến nhà ai làm thì chỉ 2-3 ngày sau, họ lại quay về công ty. Sau đó, chủ công ty tiếp tục giới thiệu họ đến làm cho người khác. Tôi thấy kỳ lạ vì chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhưng không dám hỏi ai vì mình mới lên thành phố”.

“Bà Thơm nói rằng rất mừng vì nhờ tôi mà bà mới được “giải thoát” nên kể hết sự thật. Trước đó, biết bà có ý định về quê, Khánh theo sát từng bước, không để bà có cơ hội nói chuyện với khách” - anh Phong giải thích.

Sau khi biết mình bị lừa, anh Phong bảo bà Thơm ngồi chờ tại Bến xe Miền Đông rồi lập tức quay lại công ty A.B để hỏi thực hư. Sau khi nghe Phong kể lại lời bà Thơm, Khánh đồng ý trả 500.000 đồng nhưng yêu cầu anh dẫn đi gặp người phụ nữ này để xác minh. “Đến Bến xe Miền Đông, tôi bảo Khánh vào gặp bà Thơm ở một quán cà phê. Lúc này, anh ta mới chịu móc tiền trả tôi 500.000 đồng. Tuy nhiên, do quá tức giận nên tôi quay ngoắt trở về nhà mà quên theo dõi xem Khánh có làm khó dễ gì bà Thơm hay không” - anh Phong băn khoăn.

Chủ nhà luôn chịu thiệt

Không chỉ phập phồng vì người giúp việc “vui làm, buồn nghỉ”, nhiều người từng đi tìm ôsin cho biết hiện nay, mức phí môi giới do các công ty đưa ra khá cao: trung bình 600.000-700.000 đồng/người, có nơi còn thu đến 800.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng.

Giao dịch với nhiều công ty chuyên giới thiệu người giúp việc, chúng tôi được biết giữa họ và chủ nhà “ràng buộc” nhau bởi một hợp đồng. Thông thường, hợp đồng quy định thời gian để bên tuyển dụng đổi người giúp việc là trong vòng 7 ngày. Sau 7 ngày, nếu khách hàng không hài lòng và muốn đổi người khác thì phải đóng thêm 50%-100% mức phí. Ngoài ra, chủ nhà còn phải trả tiền công cho người giúp việc tuyển ban đầu tương ứng với thời gian họ đã làm. “Các công ty môi giới luôn nắm đằng cán, chủ nhà kiểu gì cũng bị thiệt, vừa rủi ro vừa tốn tiền” - anh Phong khẳng định.

{keywords}
Đủ chiêu trò lừa chủ nhà

Là người thường xuyên tìm kiếm ôsin qua các công ty môi giới, bà Lê Thị Vân (ngụ cư xá Tự Do, quận Tân Bình, TP HCM) ngao ngán: “Ban đầu, ôsin nào cũng tự khen mình có kinh nghiệm rồi hứa hẹn sẽ làm việc tốt. Công ty môi giới thì ngọt ngào chào mời và hứa sẵn sàng đổi ngay ôsin nếu khách không ưng ý. Song, ôsin có kinh nghiệm, có thiện chí làm lâu dài để gắn bó với chủ nhà hay không thì thực tế lại khác”.

Chị Trần Anh Đào - nhân viên một văn phòng nhà tại quận Phú Nhuận, TP HCM - cũng bức xúc: “Nhiều ôsin mà tôi chọn từ các công ty môi giới trong vài ngày đầu đến làm việc thường rất chăm chỉ, lắng nghe chủ nhà và sẵn sàng tiếp thu nếu bị góp ý. Thế nhưng, chỉ dăm bữa sau là họ quay quắt, không hợp tác, đưa ra nhiều điều kiện, thậm chí đòi tăng lương, khiến chủ nhà mệt mỏi phải nói lời chia tay”.

Anh Huỳnh Thanh Phong cho biết gia đình anh đã không dưới chục lần tuyển người giúp việc. Tuy nhiên, người làm lâu nhất là 1 tuần, ít nhất chỉ 2 ngày. “Hễ ai giới thiệu công ty môi giới nào “ngon” là tôi gõ cửa nhưng chưa ôsin nào làm gia đình tôi vừa ý” - anh bày tỏ.

May nhờ, rủi chịu!

Thay 3 người giúp việc chỉ trong vòng 1 tuần, chị Đào Thủy Tiên - nhà ở chung cư Orient, quận 4, TP HCM - ngán ngẩm: “Trước khi có đứa con thứ hai, tôi chỉ tuyển ôsin làm việc theo giờ, chủ yếu để dọp dẹp nhà cửa nên thấy ổn. Từ khi có con nhỏ, tôi phải tìm người trông bé và phụ làm việc nhà nên thấy quá nhiêu khê”.

Tiên cho biết đầu năm 2014, chị đến một công ty môi giới người giúp việc ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh tìm người trông em bé. Công ty này cũng là chỗ quen biết vì hay giới thiệu người giúp việc làm việc theo giờ cho chị. Với phí môi giới 800.000 đồng/tháng, công ty cam kết trong hợp đồng là đổi cho chị Tiên 3 người giúp việc nếu có yêu cầu mà không thu thêm tiền. Tuy nhiên, khi đổi đến người thứ 3 mà vẫn không hài lòng, quá mệt mỏi, chị chấm dứt “công cuộc” tìm kiếm ôsin và bỏ luôn phí môi giới gần 1 triệu đồng.

Lý giải về những cuộc “hôn nhân” quá ngắn ngủi giữa mình và 3 người giúp việc, chị Tiên tâm sự: “Điều quan trọng là họ không chịu hợp tác, không lắng nghe và chia sẻ khó khăn với chủ nhà. Dù ban đầu tôi đã giao ước là họ phải chăm em bé, giặt quần áo cho trẻ nhưng thực tế, khi bắt tay vào làm thì họ than trời, so đo công việc giữa nhà này với nhà khác…”.

“Hiện nay, các công ty giới thiệu việc làm chỉ môi giới để kiếm tiền là chính, còn chuyện đào tạo các công việc của ôsin - như cách chăm trẻ, lo cho người già, quản lý công việc… - thì lại bỏ ngỏ. Nói chung, các công ty môi giới chỉ làm cầu nối để ôsin và chủ nhà gặp gỡ, họ đứng giữa kiếm tiền bỏ túi. Mọi việc còn lại thì chủ nhà may nhờ, rủi chịu” - chị Tiên nhận định. 

“Tôi không muốn làm nữa!”

Mới đây, ông Nguyễn Quận (ở phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã phản ánh với chúng tôi về chuyện “ôsin chia tay chủ nhà chỉ sau 12 giờ”.

Vợ chồng ông Quận chuẩn bị mở nhà hàng nên cần tuyển người phụ việc. Từ thông tin trên mạng, đầu tháng 3-2014, ông gọi điện đến công ty A.B và yêu cầu tuyển một người chuyên rửa chén, dọn dẹp với mức lương thỏa thuận 3,4 triệu đồng/tháng, bao ăn ở tại chỗ. Ông Quận đồng ý trả phí tuyển dụng là 600.000 đồng với yêu cầu công ty chở người giúp việc đến tận nhà mình.

“Sáng 8-3, một người đàn ông xưng là nhân viên công ty A.B chở một phụ nữ tên Đăng, khoảng 45 tuổi, quê Cần Thơ đến nhà tôi. Sau khi trả phí, tôi ký hợp đồng tuyển người giúp việc do anh ta đưa. Anh ta lưu ý thời gian đổi người giúp việc là trong vòng 7 ngày, sau đó nếu đổi phải đóng thêm phí” - ông Quận thuật lại.

Sau khi thỏa thuận những công việc phải làm tại nhà hàng, bà Đăng vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, đến khoảng 20 giờ, bà ta chủ động tìm gặp ông Quận và không ngần ngại nói lời từ chối công việc với lý do: “Tôi đã suy nghĩ và không muốn giúp việc ở đây nữa vì không thích ngủ lại nhà hàng”.

“Tôi giận run người, liền gọi điện thoại cho nhân viên của công ty A.B để hỏi xem thực hư ra sao nhưng không ai nghe máy. Không muốn đôi co, tôi gật đầu cho bà Đặng nghỉ việc mà trong lòng rất bức bối. Lúc mới đến, bà ta vui vẻ đồng ý công việc như thỏa thuận nhưng chỉ nửa ngày sau, chính bà ta lại đột ngột từ chối trong khi chưa làm được việc gì. Tôi định nhờ công an làm rõ chuyện lừa gạt này nhưng phần vì lo mở nhà hàng quá bận rộn, phần dính líu vào đó cũng không tới đâu nên thôi” - ông Quận ngao ngán.

Không chỉ mất 600.000 đồng phí môi giới một cách vô lý, ông Quận còn tốn thêm 100.000 đồng đưa cho “ôsin 12 giờ” để bà ta đón xe ôm ra về. “Tôi quá sợ tuyển ôsin kiểu này rồi. Nếu có nhu cầu, tôi sẽ về quê nhờ người quen giới thiệu cho chắc. Trường hợp tuyển người qua các công ty môi giới thì cần phải thỏa thuận để họ làm thử xem sao rồi mới trả phí” - ông Quận đúc kết.

(Theo NLĐ)