Bên cạnh những lỗi lầm trong quá khứ của Thuyết "buôn vua", phải thừa nhận rằng con người này có một bộ óc rất nhạy bén với việc kiếm tiền, phong cách giao tiếp rất thuyết phục.

Trong một chuyến công tác tại trại giam Phước Hòa, phóng viên đã có dịp trò chuyện với Thuyết để từ đó hiểu thêm được về sự thăng trầm của một con người đã từng được mệnh danh là mưu sĩ số một cho “ông vua không ngai” của giới giang hồ - Năm Cam”.

Không biết mình có biệt danh “buôn vua”

Trong những nhân vật đình đám bậc nhất từng một thời khuynh đảo giới giang hồ có cái tên Trần Văn Thuyết (SN 1960, tức Thuyết “buôn vua” hay Thuyết “chăn voi”). Người đời biết đến Thuyết “buôn vua” sau khi vụ án Năm Cam bị đưa ra ánh sáng. Vì những lần móc nối giúp Năm Cam “chạy” án, Thuyết “buôn vua” bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 20 năm tù về các tội “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Thuyết mặc dù không đồng tình với tội danh và mức án mà tòa án đã tuyên nhưng cũng không hề kháng án.

Điều đầu tiên Thuyết “buôn vua” bộc bạch, đó lại chính là về cái biệt danh “buôn vua” và “chăn voi” của mình. Thuyết tâm sự: “Tôi cũng không hiểu cái biệt danh này do ai nghĩ ra và gán cho tôi, bởi trước khi có vụ án Năm Cam thì chưa có ai gọi tôi bằng cái tên đó cả. Đến khi bị tống đạt quyết định bắt tạm giam, lần đầu tiên tôi nghe thấy những biệt danh đó được gắn vào tên mình trong quyết định. Sau này tôi mới biết được lý do tại sao tôi lại được người ta “đặt tên” như thế. Có thể bởi người đời nhìn vào việc tôi móc nối với các quan chức, lãnh đạo để giúp Năm Cam “chạy” án giống như là đi “buôn vua” vậy. Còn việc dùng ảnh hưởng, quan hệ của mình để tác động đến các quan chức thì họ lại cho rằng là “chăn voi”. Voi là Tượng, Tượng thời xưa được ví như các quan nên chắc từ đó cái biệt danh của tôi ra đời”.

{keywords}

"Thuyết “buôn vua” không rõ ai nghĩ ra biệt danh "buôn vua" hay "chăn voi" gán cho mình.

Trước đây, Thuyết cũng từng là một cảnh sát trại giam của Bộ Công an nhưng vì dính vào một vụ bê bối nên bị cho ra khỏi ngành. Thời gian còn công tác trong ngành công an, Thuyết đã gây dựng được mối quan hệ với rất nhiều những cán bộ, quan chức nắm giữ những vị trí quan trọng. Sau khi bị loại khỏi hàng ngũ công an, Thuyết chuyển sang buôn bán kinh doanh. Với đầu óc cực kỳ sắc bén và đặc biệt “nhạy cảm” với đồng tiền nên Thuyết phất lên như diều.

Trước khi vào tù, Thuyết là một lái buôn có hạng, buôn bán đủ mọi mặt hàng từ quần áo cũ cho đến đồ điện tử. Những năm 1990, khi quần áo “sida” (đồ cũ - PV) còn chưa được biết tới ở miền Bắc thì Thuyết đã “ngửi” thấy mùi tiền từ thị trường này. Thuyết bàn với vợ, bảo vợ cho mình 10 triệu đồng làm vốn nhưng chỉ được cho 5 triệu đồng.

Tin rằng quyết định của mình là đúng đắn, Thuyết bắt đầu lên kế hoạch làm ăn bằng việc móc nối với các đầu mối chở hàng “sida” từ miền Nam ra ngoài Bắc và mua lại tất cả. Y cẩn thận lựa chọn những chiếc quần áo còn mới, lành lặn đem đi giặt là, ủi hấp cho phẳng phiu. Xong đâu đấy, Thuyết cho người đóng vào các túi nilon bán ra thị trường gấp cả chục lần giá mà Thuyết mua vậy mà người mua cứ ào ào không có để bán. Sau này, người ta kể lại rằng, Thuyết làm ăn có lãi đến mức y toàn đem theo cả bao tải tiền vào thu gom hàng “sida” rồi chuyển bằng máy bay ra ngoài Bắc bán lại. Nói điều này để thấy đầu óc của Thuyết và tài kinh doanh mà số vốn ban đầu chỉ là một con số ít ỏi... 5 triệu đồng.

Có vốn làm ăn, ngay khi thấy thị trường có dấu hiệu bão hòa, nhiều người cũng nhảy vào cạnh tranh, Thuyết chuyển luôn sang buôn bán đồ Hi-End, tức là trang thiết bị âm thanh cực xịn chỉ dành cho những người mê âm thanh và dám chịu chơi. Giá cho mỗi món hàng Hi-End đó thì cũng chỉ có trên trời, một đoạn dây cáp nối (dây track) chỉ vẻn vẹn vài mét mà cũng lên tới vài ngàn USD, chưa kể đến những đĩa hát, phần mềm... thứ nào cũng được bán với giá tính bằng ngàn USD.

“Ông vua Hi-End”

Kể lại thời kỳ hoàng kim của mình, Thuyết “buôn vua” rất hoan hỉ và tự hào khi nhắc đến niềm đam mê của mình với mặt hàng Hi-End. Thuyết tâm sự: “Hồi thập kỷ 90 trước đây, tôi gần như là người đi tiên phong trong việc chơi đồ âm thanh Hi-End ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng là một người mê âm thanh nên tôi hiểu rằng bất kỳ ai một khi đã “nghiện” âm thanh trung thực rồi thì không thể dứt ra được. Nó như một thứ “ma túy của tâm hồn”. Hãy tưởng tượng rằng có những lúc người ta buồn chán, những lúc mà không phải người yêu, vợ con, bạn bè hay những lời an ủi động viên có thể giúp ta vơi buồn thì thứ duy nhất có thể xoa dịu tâm hồn con người là âm nhạc. Chỉ có những âm thanh thuần khiết đó mới xuyên sâu vào từng tế bào thần kinh để giúp con người quên đi sầu muộn”.

{keywords}

Sau gần mười năm ở tù, Thuyết "Buôn vua" vẫn dũng cảm thừa nhận Linh Nga là tri ân, tri kỷ.

Thuyết chia sẻ: “Chơi đồ Hi-End đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều, nhưng không phải ai cứ có tiền cũng chơi được món này. Nếu như không có kiến thức mà chơi đồ này thì cũng như ném tiền qua cửa sổ mà thôi. Có người bỏ ra rất nhiều tiền mua về những món đồ rất xịn nhưng họ không có kiến thức nên những món đồ họ mua về không thể phát huy được hết tinh túy của âm nhạc. Không ít kẻ bỏ ra cả núi tiền để mua về những món đồ xịn nhất, nhưng lại không hiểu rằng muốn thưởng thức hết vẻ đẹp của âm thanh thì cũng phải có không gian phù hợp, đó chính là phòng để nghe nhạc. Trước đây, có một người bỏ ra vài tỷ đồng để mua về một bộ trang thiết bị âm thanh cực xịn. Họ cũng cất công xây hẳn một căn phòng cực đẹp để làm phòng nghe nhạc nhưng âm thanh không tài nào hay được, thế là lại phải “nhờ” đến tôi từ Hà Nội vào TP.HCM để cố vấn. Khi đã mục sở thị, tôi phát hiện ra lý do thật đơn giản. Đó là mọi thiết bị đều không có vấn đề gì, nhưng tại căn phòng xây quá cầu kỳ, lát toàn gỗ phẳng lỳ làm âm thanh vang ngược. Tôi chỉ cần ốp vài tấm đệm xốp lên tường và sàn nhà là âm thanh lại mượt ngay”.

Cái tài của Thuyết còn là ở chỗ gã biết tạo ra những thiết bị “Hi-End mà chẳng Hi-End” mang bản sắc của mình. Vốn có đầu óc nhạy bén với tiền nên khi những cục loa sắt trong hệ thống loa phát thanh phường xã lên đời, Thuyết chỉ đạo quân đi lùng mua với giá chỉ vài trăm nghìn. Có được “nguyên liệu”, Thuyết thuê thợ mộc đóng những thùng gỗ xịn để biến những cục loa sắt đó thành những thùng âm thanh cực chuẩn và hay. Mỗi cặp loa qua tay Thuyết “chế biến” bán với giá 100 triệu đồng, gấp cả nghìn lần số vốn bỏ ra ban đầu mà ngày nào Thuyết cũng bán vài cặp.

Ứơc mơ ngày về

Trong những lần vào Nam ra Bắc để làm ăn buôn bán, Thuyết có quen biết với Năm Cam. Đến năm 1995, việc làm ăn của Năm Cam bị lực lượng công an đưa vào tầm ngắm. Biết mình đang bị “soi”, khó tránh khỏi việc bị bắt và kết án, Năm Cam liền ra Hà Nội gặp Thuyết để nhờ Thuyết giúp mình thoát nạn. Lần đó, Năm Cam thoát án tù thành công, chỉ phải đi cải tạo để rồi sau khi được thả sớm trước thời hạn, Năm Cam lại càng hoạt động mạnh hơn, ngày càng mở rộng thế lực, lên ngôi ông trùm trong thế giới ngầm Sài thành thời bấy giờ.

Sau này, khi mọi chuyện vỡ lở, đế chế ngầm của “ông vua không ngai” Năm Cam sụp đổ. Năm Cam cùng người khác bị kết án tử hình, bản thân Thuyết thì lĩnh mức án 20 năm tù. Thuyết tâm sự: “Vợ con tôi vẫn ở Hà Nội, mỗi lần vào thăm thì phải đi cả ngàn cây số để vào đây rất vất vả. Nhưng tôi nghĩ, bản thân mình ngã ở đâu thì đứng lên tại đó, đằng nào cũng phải xa cách với vợ con rồi nên chấp hành án ở đâu cũng thế. Chỉ cần mình tu dưỡng, cải tạo tốt là sẽ sớm được về đoàn tụ với gia đình thật sự chứ không phải là qua những lần thăm gặp. Đến nay, tôi đã chấp hành án được hơn một nửa thời gian rồi, và cũng chính nhờ sự động viên, dìu dắt của các cán bộ giám thị, tôi đã cố gắng cải tạo tốt. Sau nhiều lần được giảm án, cứ đà này, có lẽ tôi sẽ sớm được về đoàn tụ với gia đình mình”.

Nhắc đến hai chữ “gia đình”, Thuyết luôn dành một tình cảm hết sức trân trọng qua từng lời nói. Có lẽ những lần hiếm hoi Thuyết phải rơi nước mắt trong đời đều là vì gia đình, vợ con của mình. Thuyết kể, ngày Thuyết bị vướng vào vòng lao lý, con gái lớn của Thuyết là Trần Thu Hiền (SN 1992) mới hơn 10 tuổi. Lỗi lầm của Thuyết đã làm cuộc sống của vợ con bị xáo trộn hoàn toàn. Song cũng từ cú vấp ngã của cha mình mà cô con gái của Thuyết có cái nhìn khác về y. Cô bé vẫn vào trại giam thăm Thuyết, vẫn động viên cha bằng những cái ôm và lời nói hết sức thơ ngây của mình.

Có lẽ để động viên người cha của mình, con gái Thuyết luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Đến năm 12 tuổi, cô bé một mình xách va ly đi du học ở nước ngoài, thành tích học tập của con gái Thuyết luôn thuộc diện xuất sắc. Từ đó đến nay, lần nào về nước, con gái cũng vào trại giam thăm Thuyết. Mỗi lần gặp lại thấy con khôn lớn, trưởng thành và khác trước, Thuyết bảo: “Tôi thấy thế thì mừng lắm! Mừng vì thấy con mình học giỏi, có chí tự lập và quyết đoán”. Nhưng bên cạnh niềm vui đó cũng lại là một nỗi buồn rất lớn của Thuyết, đó là không được ở bên con thường xuyên, không được chứng kiến từng bước trưởng thành của con mình.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai sau khi được trả tự do, Thuyết cho biết: “Bản thân tôi thì vẫn luôn cố gắng cải tạo tốt để sớm được về với gia đình. Điều đầu tiên tôi muốn làm đó là bù đắp cho gia đình, quãng thời gian đã mất thì không thể lấy lại được cho nên tôi sẽ cố gắng dành nốt quãng đời còn lại để chăm lo cho gia đình mình”.

(Theo Đời sống PL)