- Với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, ưu đãi cho khu vực DNNN sẽ chấm hết. Đây là cơ hội để những DN - vốn bị coi là trì trệ, yếu kém hơn khu vực tư nhân - đổi mới, cải cách. Liệu tới đây, các DNNN có trụ nổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sau nhiều năm được nâng đỡ bởi “ông chủ” Nhà nước?

Chạy đua với cam kết hội nhập

Tập đoàn Dệt may Việt Nam là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi nói về tác động của việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Á - Thái Bình Dương (TPP). Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất tham gia đầy đủ các cuộc đàm phán TPP.

Bởi lẽ, với các cam kết trong TPP hiện nay, ngành dệt may sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, có cả tốt và xấu. Sẽ có khoảng 1.000 dòng thuế dệt may nhâp khẩu của Mỹ được giảm thuế từ 17,3% xuống 0%. Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vào Mỹ dự báo có thể tăng từ 7% lên mức 10-15% mỗi năm, khi TPP có hiệu lực.

Tuy nhiên, trong TPP, Chính phủ Mỹ lại đưa ra quy tắc về xuất xứ hàng hóa từ sợi trở đi. Để được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, sản phẩm dệt may sẽ phải làm từ sợi do Việt Nam sản xuất hay các nước thành viên TPP cung ứng. Trong khi đó, có tới 80% sợi ở Việt Nam đều phải nhập từ Trung Quốc -nước không tham gia đàm phán TPP.

{keywords}
Ngành dệt may của Việt Nam đang phải nhập hầu hết nguyên liệu nên rất ít lợi thế cạnh tranh khi gia nhập TPP

Trước thách thức này, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ, vào TPP, mục đích lớn nhất không phải là được giảm thuế, phát triển thương mại mà lớn hơn nữa, đó là động lực để cải cách, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên thực tế, không phải chỉ vì TPP, với các hiệp định mậu dịch tự do khác như FTA với EU, ngành dệt may đang đứng trước con đường không thể “tụt hậu” hơn được nữa.

Cho đến nay, các doanh nghiệp dệt may vẫn chỉ tham gia chuỗi cung ứng ở khúc thấp. Tới 50% doanh nghiệp may mặc Việt Nam chủ yếu là sản xuất xuất khẩu theo hình thức gia công. Hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại là cắt và may gia công. Chỉ có khoảng 25% theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chỉ định và 25% còn lại đang sản xuất, nhưng có thiết kế tập trung.

Không chỉ là gia công, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn thường phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc chỉ định theo đơn đặt hàng của nước ngoài, bán sản phẩm dưới thương hiệu của người mua. Do đó, cạnh tranh của các doanh nghiệp này chủ yếu là nhờ vào giá rẻ, chứ không phải chất lượng, hay thiết kế.

Tập đoàn Dệt may cũng e ngại, nếu như không có phát triển sản phẩm và thiết kế riêng, ngành công nghiệp dệt may sẽ bị phong tỏa trong phân khúc nhỏ hẹp là sản xuất may gia công, trong khi đó, chuỗi cung ứng thì không thay đổi. Phân khúc này lại thiếu sự ổn định và bền vững. Khi không có dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng, như thiết kế, marketing, hay phát triển thương hiệu, ngành dệt may sẽ chỉ dừng lại ở công đoạn là chấp nhận giá bán mà người mua chi phối, với các sản phẩm giá trị thấp, không tạo ra sự khác biệt.

Lo ngại trước nguy cơ tụt hậu đó, Vinatex đang rốt ráo cho một cuộc cải cách đổi mới toàn diện, từ chiến lược thương hiệu cho đến sản phẩm. Đại diện tập đoàn này khẳng định, từ nay đến năm 2017, Vinatex sẽ nâng cấp mình lên, từ việc cắt, may gia công lên mô hình mới là sản xuất và thiết kế tập trung.

Với TPP, ông Tiến cũng cho biết, các doanh nghiệp dệt may sẽ bắt buộc phải tập trung tăng cường vào chuỗi cung ứng, từ sợi, vải, may mặc... và tạo mối liên hệ tốt giữa các khâu trong sản xuất. Điều này sẽ tạo ra động lực để nâng cấp từ phương thức sản xuất cấp thấp hiện nay lên sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Câu chuyện của ngành dệt may chỉ là một ví dụ điển hình cho áp lực, các DN Việt Nam nói chung, đặc biệt là DNNN, sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh như một nhu cầu tự thân bức thiết nhất.

Chấm dứt lệ thuộc bầu sữa mẹ

Các hiệp định mậu dịch tự do mà Việt Nam đang đàm phán có mức độ tự do hóa cao hơn nhiều so với các hiệp định đã ký kết, mà nội dung sẽ tác động tới 90% thương mại và thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong đó, TPP và FTA Việt Nam - EU là những hiệp định chất lượng cao, hay còn gọi là Hiệp định thế hệ mới. Cam kết sâu rộng hơn, lộ trình áp dụng nhanh hơn so với WTO, đặc biệt là yêu cầu minh bạch rất cao, cơ chế giải quyết tranh chấp rất chặt chẽ, việc thực thi, xử phạt rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, TPP hay các hiệp định thế hệ mới này đòi hỏi Việt Nam phải cam kết những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại, nhưng có liên quan, ví dụ như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nguồn nhân lực...

{keywords}

Với mức độ tự do hóa sâu rộng sắp tới, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải chịu một áp lực cải cách cực kỳ lớn.

Nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ, khi đàm phán Hiệp định TPP, các cam kết đặt ra là phải tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa các DN. Các nước đều không chấp nhận mô hình DNNN ở Việt Nam.

Ông cho biết, trong các cam kết TPP, FTA với EU, các hiệp định đều yêu cầu Chính phủ phải loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa DNNN và DN ngoài Nhà nước cả trên pháp lý và thực tiễn.

Cụ thể, TPP còn yêu cầu Chính phủ phải loại bỏ mọi phân biệt đối xử trong luật pháp và thực hiện về cơ hội tiếp cận nguồn lực đối với các thành phần DN. Chính phủ không được cấp vốn, thậm chí, không được chỉ đạo việc cấp tín dụng hay bảo lãnh, xóa nợ cho DNNN.

Cùng đó, những DNNN độc quyền, hoặc độc quyền chỉ định khi kinh doanh các ngành nghệ không độc quyền sẽ phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Hiệp định.

TPP cũng cấm việc bù chéo trong hoạt động của DNNN và chế độ thông tin về DN này phải hết sức minh bạch.

Trong khung đàm phán hiệp định FTA với EU, độ phức tạp trong đàm phán không kém gì TPP. Dù là song phương, nhưng Ủy ban châu Âu sẽ phải tập hợp ý kiến của 28 nước thành viên mới xác định được yêu cầu đàm phán.

Diện điều chỉnh về DNNN rộng hơn TPP. Cạnh tranh sẽ rất gay gắt trên cả 3 cấp độ. Trong đó, nghĩa vụ thực thi của DNNN và của cơ quan quản lý sẽ rất nặng nề, nhất là trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển cũng nhận định rằng, có nhiều cơ hội lớn có lợi cho Việt Nam không thể bỏ qua. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm tới hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, lại thu hút đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Riêng các nước trong TPP và EU chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Mỗi năm ở 2 thị trường này, Việt Nam xuất khẩu 50 tỷ USD. Các nước TPP là thị trường đầu tư lớn của Việt Nam. Cả 5 hiệp định đang đàm phán thì các nước đều chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu, cũng như thu hút trên 90% vốn đầu tư nước ngoài.

Với việc tham gia hiệp định này sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu rộng lớn với mức thuế chủ yếu là 0% và thu hút đầu tư. Tác động tích hợp của các hiệp định lớn hơn nhiều. Hơn tất cả, chính cả hiệp định này sẽ thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, các hiệp định này sẽ tạo động lực mạnh hơn để cải cách cơ chế thị trường, tạo áp lực nâng cao sức cạnh tranh của các DN nói chung. Trong đó, các DNNN sẽ phải khẩn trương tái cơ cấu, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Lê Doãn Hoàn