Khi giá cả thị trường tăng đến mức chóng mặt thì người dân cũng nghĩ ra trăm nghìn cách cắt giảm chi tiêu cho hợp lý.Với hàng loạt các ưu điểm “rẻ - đẹp – độc”, hàng thùng đang hút được một lượng khách đáng kể trong thời “bão giá”.
|
Chúng tôi đến chợ Đông Tác vào dịp cuối tuần, các dãy hàng san sát nhau với đủ
các mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt: quần áo, túi xách, thú nhồi bông, thắt lưng...
Giá cả các mặt hàng này khá mềm nên đặc biệt thu hút giới sinh viên: váy liền có
giá từ 40 – 50 nghìn đồng/cái, áo sơ mi 30 – 40 nghìn đồng/cái, áo hai dây các
màu 15 – 20 nghìn đồng/cái... Ngọc – SV Đại học Quốc gia cho biết: “Chỉ với 100
nghìn đồng trong tay nếu “khéo” mặc cả là đã có thể sở hữu từ 3 đến 4 cái áo
phông khá ổn”.
Tại chợ Kim Liên, không khí mua bán cũng rôm rả không kém. Ngoài các mẫu mã đa
dạng của quần áo thì gian hàng giầy dép cũng là điểm thu hút phái nữ. Vừa sở hữu
một đôi giày màu nâu nhìn còn khá mới với giá 120 nghìn đồng, chị Mai – một tín
đồ của hàng thùng tếu táo so sánh: “Trong khi mua một đôi giày mới theo tiêu
chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao giá không dưới 400 nghìn mà mẫu mã lại đơn
điệu, mua hàng này rẻ mà lại độc. Số tiền dư ra đó để dành... mua sữa cho con”.
Không chỉ hút dân sinh viên, giới văn phòng... dân nhà giàu cũng tìm đến đây mua
hàng vừa như một sự “đổi gió” với gu thời trang lại vừa tiết kiệm được một khoản
để làm việc lớn. Linh – nhân viên ngân hàng với mức thu nhập xấp xỉ 30 triệu
đồng/tháng chia sẻ: “Trước đây mình không tiếc khi tiêu tiền cho những bộ cánh
hàng hiệu nhưng giờ cũng “chùn tay”.
Không chỉ mua sắm cho bản thân mình, nhiều chị em còn coi việc mua đồ hàng thùng
về cho cả gia đình dùng là một trong những kế sách tiết kiệm. Chị Hoa - làm nội
trợ hớn hở ra khỏi chợ Đông Tác, chiến lợi phẩm là bịch lớn, bịch bé quần áo mà
giá chưa đến 1 triệu đồng cho biết: “Với số quần áo này mà mua đồ mới phải hơn 3
triệu đồng, mua thế này rẻ bằng 1/3 mà nhiều cái vẫn còn nguyên nhãn mác, về ủi
thẳng là lại như mới thôi”.
(Theo Văn hóa)