Các "viên giải rượu", "nước giải rượu" bán trên thị trường hiện nay chỉ là tên gọi chứ không có tác dụng như nghĩa của nó. Các chuyên gia y tế đã khẳng định không có loại thuốc nào giải rượu được. Tuy nhiên thực tế các "viên giải rượu" đang quảng cáo "ngút trời", gây hiểu lầm.

Giải rượu giải luôn độc?

Vốn là người phải đi tiếp khách nhiều, anh Hưng ( Mỹ Đình, Từ Liêm, HN) luôn “thủ” sẵn trong túi một loại “thần dược giải rượu” để có thể nâng chén thoải mái mà không sợ say. Theo người đàn ông này, tửu lượng có hạn nếu không có sự hỗ trợ của “thần dược” này thì có lẽ hơn 10 năm làm chuyên gia tiếp khách với lượng bia rượu nạp vào mỗi ngày có lẽ giờ anh không còn “phong độ” nữa. Tuy nhiên, theo anh Hưng mỗi khi uống rượu về, cho dù đã có thần dược giải rượu hỗ trợ nhưng anh vẫn gặp phải những triệu chứng của người quá chén: đau đầu, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi thậm chí là vẫn nôn… dù đã uống rượu cách đó 3 tiếng đồng hồ.

Theo TS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, tình trạng anh Hưng gặp phải đó chính là “say rượu”.

Ở một trường hợp khác, do sử dụng rượu thường xuyên anh Khải (Hai Bà Trưng, HN) cũng tìm đến viên giải rượu để ngăn chặn một số tác hại do rượu gây ra. Tuy nhiên, dù sử dụng viên giải rượu thường xuyên nhưng anh Khải vẫn không tránh khỏi những cảm giác khó chịu của rượu bia. "Nói là giải rượu chứ cũng chẳng giải được gì đâu, uống theo hướng dẫn nhưng vẫn say như thường. Đó là chưa kể hiệu quả có thật sự giải độc được hay không thì chưa biết...", anh Khải thành thật.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay thị trường “Viên giải rượu” đang “trăm hoa đua sắc”, chỉ tính trên đầu ngón tay cũng đã tới hàng chục nhãn hàng quảng cáo giải được rượu với những thành phần tương tự nhau, chủ yếu là chủ yếu gồm đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic.

Những sản phẩm giải rượu được bán phổ biến trên thị trường như: Escape XO, Pinoman, Ruvina-21...

Theo ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 Trung ương, Thanh Hoá: “Viên giải rượu, bia không phải thần dược mà chỉ là sản phẩm hỗ trợ”. Ông Thịnh lý giải, hiểu một cách đơn giản, rượu vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện mất tỉnh táo. Các thành phần trong thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó khỏi cơ thể. Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về hiệu quả của những loại viên giải rượu. Trong quá trình sử dụng người ta chỉ thấy thuốc có tác dụng kháng cồn. Những sản phẩm mà đệ tử lưu linh coi là thần dược thực chất chỉ giúp người uống rượu giảm nhức đầu ở mức độ hạn chế. Nếu ngày nào cũng dùng thì sẽ không có tác dụng!

Có một số viên giải rượu chứa vitamin như B1, B6 và một số axit khác để chuyển hoá rượu. Tuy nhiên, nhìn chung đây là thuốc hỗ trợ dinh dưỡng. Có người say rượu uống thuốc vào có cảm giác buồn nôn, bần thần, buồn ngủ và sợ rượu. Chính ảo giác tưởng cai được rượu khi uống thuốc khiến nhiều người lạm dụng nó.

Cũng theo ông Thịnh, không có sản phẩm nào giúp phòng và triệt tiêu tác hại của rượu đối với gan và hệ thần kinh trung ương. Nhiều người cho rằng có thể làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể bằng uống paracetamol, vitamin B1, B6, axit folic… là không đúng.

Quảng cáo "ngút trời"

Theo tìm hiểu của PV, việc quảng cáo "vống" chức năng và công dụng của sản phẩm giải rượu đã gây bối rối cho người tiêu dùng. Hầu hết những ý kiến được hỏi khi sử dụng viên giải rượu đều cho rằng không chắc chắn về công dụng của sản phẩm mà chủ yếu tin vào người bán giới thiệu và những quảng cáo của nhà sản xuất.

Anh Trần Việt Trung ( Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN), người sử dụng thường xuyên viên giải rượu bằng nước giải rượu Picoman trong những cuộc gặp gỡ bạn bè cho biết: "Thấy người bán nói sản phẩm giải rượu có thể giải quyết được một số hệ lụy do rượu gây ra, đặc biệt là bảo vệ gan, giải độc, tái tạo tế bào gan thì mua về dùng. Nhưng quả thật, rượu uống nhiều thì vẫn say, còn công dụng thải độc, bảo vệ gan đến đâu thì... chịu".

Không chỉ quảng cáo có nhiều công dụng đến bất ngờ, các sản phẩm giải rượu còn được giới thiệu như một thần dược bảo vệ trước những tác hại của rượu bia. Người bán thống kê ra những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến bệnh xơ gan do uống rượu quá nhiều, đồng thời liệt kê ra hàng loạt những biến chứng khác như xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt nặng, ung thư gan… và cuối cùng là chào sản phẩm giải rượu như một "bí kíp" chống lại những bệnh hiểm nghèo liên quan đến sử dụng bia rượu.

Việc quảng cáo cùng sự cả tin của người tiêu dùng đã khiến không ít người "khóc dở mếu dở" vì những hệ lụy của bia rượu gây ra. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Đức – Giảng viên chính ĐH Y dược TP. HCM: “Không có loại nào có thể giải rượu như lời đồn đại. Tất cả các loại giải rượu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể giải được rượu. Vì vậy, việc lạm dụng có thể gây hậu quả đáng tiếc”.

Trong khi người tiêu dùng còn đang bị tung hỏa mù về những công năng kỳ diệu của viên giải rượu, không ít người đã lạm dụng nó chỉ vì tin vào những lời quảng cáo thì tại các bệnh viện con số những người nhập viện vì các bệnh về gan, thần kinh... do sử dụng bia rượu vẫn ngày càng tăng cao, trong số ấy nhiều người đã không ít lần "cậy nhờ" đến viên giải rượu.

Theo Viet Q