Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) chuẩn bị đưa các chủ tịch xã vào ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng tại các địa phương trên cả nước.
Đây là việc mà nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng cho là chưa thấy tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam cũng như nhiều nước đã làm, kể cả với các mô hình tổ chức tín dụng vi mô, hay ngân hàng người nghèo thành công trên thế giới.
NHCSXH tại Việt Nam được phát triển theo mô hình tương tự như ngân hàng dành cho người nghèo.
Việc đưa chủ tịch xã vào ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) đã được thí điểm một năm, tại ba tỉnh đại diện cho ba miền là Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An. Phó tổng giám đốc NHCSXH, ông Nguyễn Văn Lý cho biết ngân hàng sẽ có báo cáo tổng kết toàn diện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét triển khai rộng rãi trong cả nước.
Hộ cận nghèo ở Tuyên Quang nhận vốn vay của NHCSXH tại điểm giao dịch xã. |
Giám đốc NHCSXH chi nhánh Bắc Giang, ông Ngô Gia Quát cho biết, tính đến 31-3-2013, Bắc Giang đã bổ sung 230 chủ tịch xã vào ban đại diện HĐQT của NHCSXH cấp huyện.
Qua một năm thực hiện thí điểm đưa chủ tịch xã vào điều hành ngân hàng, ông nói chất lượng các mặt hoạt động của NHCSXH tại cơ sở đã được nâng lên rõ rệt, có chuyển biến đồng đều, tích cực hơn; nhận thức của chính quyền cấp xã, các tổ chức nhận ủy thác tổ tiết kiệm và vay vốn của người dân được nâng cao.
Sau một năm thí điểm việc này tại Bắc Giang, ông Quát cho hay tăng trưởng tín dụng của NHCSXH trên địa bàn tỉnh đạt khá, hoạt động tín dụng, tài chính được đảm bảo và đạt cao hơn năm trước; nợ quá hạn được kiểm soát ở mức thấp và giảm dần qua các năm.
Ông còn cho biết từ khi có sự tham gia của chủ tịch xã vào ban đại diện HĐQT - NHCSXH cấp huyện, chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ quá hạn được kiểm soát ở mức thấp, các khoản nợ quá hạn, nợ tồn đọng được xử lý kịp thời, nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng hơn, tình trạng chiếm dụng vốn, lạm dụng chức quyền, làm trái quy định được hạn chế.
(Theo TBKTSG)