Cuối 2013 và đầu 2014, SHN đã có cú bứt phá ngoạn mục với giá cổ phiếu từ dưới 1.000 đồng tăng vọt có lúc lên gần 8.000 đồng trước khi trở về mức xấp xỉ 5.000 đồng/cp như hiện nay. Nhiều NĐT từng kỳ vọng vào sự hồi sinh của DN sau những sóng gió tưởng chừng không thể vượt qua.
Sau vụ "siêu lừa" Nguyễn Anh Quân và sự bất động của thị trường BĐS đẩy tới bờ vực phá sản, SHN đã tái cơ cấu mạnh mẽ với hàng loạt động thái tích cực như chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án BĐS; dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược; cơ cấu nợ... SHN bất ngờ báo lãi hơn 64 tỷ đồng quý IV/2013 nhờ chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Tây Mỗ.
Tuy nhiên, thực tế thua lỗ trong quý I/2014 cùng với con số tổng doanh thu nhỏ bé, chỉ 1 tỷ đồng so với quy mô vốn niêm yết hơn 330 tỷ đồng cũng phần nào cho thấy thực tại kinh doanh đáng buồn của DN.
Những điểm sáng như chi phí lãi vay trong kỳ giảm cũng chưa thể khỏa lấp được tình trạng thiếu vắng tiền mặt cho hoạt động cùng với khoản lỗ lũy kế chưa phân phối lên tới gần 250 tỷ đồng.
Kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn |
Cũng chung cảnh khó khăn giống SHN, rất nhiều DN khác ngậm ngùi báo lỗ trong quý đầu tiên của năm mới.
Nhiều DN vận tải biển thua lỗ nặng như Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ sau thuế 38,2 tỷ đồng trong quý I/2014; Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) lỗ gần 15 tỷ; Vận tải biển Vinaship (VNA) lỗ gần 10 tỷ; Vận tải Vinaconex (VCV) lỗ 95 tỷ đồng, cao gấp 10 lần cùng kỳ...
Khó khăn trở lại?
Vận tải Vinaconex (VCV) là một trường hợp như vậy. Trong quý I/2014, DN này không có nổi một đồng doanh thu. VCV đã bán tàu Vinaconex Lines và công ty đang tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi vẫn phát sinh chi phí và gánh thêm lỗ khác.
Vận tải biển gặp khó khăn |
Giải trình nguyên nhân thua lỗ, VCV cho biết là do công ty đã bán tàu để trả nợ gốc vay đầu tư mua tàu và không còn hoạt động. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DN lên tới âm 196 tỷ đồng. Gần đây, VCV đã nhận quyết định hủy niêm yết cổ phiếu ngay trong tháng 5/2014 do 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Không chỉ VCV, rất nhiều DN vận tải biển khác đang ở trong tình trạng nợ lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và nhiều đơn vị đối mặt với tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp do kinh tế suy giảm, giá vận tải thấp, hàng hóa ít trong khi chi phí hoạt động và chi phí tài chính lớn.
Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), Vận tải biển Vinaship (VNA), VOSCO (VOS)... cũng thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm trước đó; Hàng hải Đông Đô (DDM) đã hủy niêm yết từ 10/4 do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp...
Với nhiều DN BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng, tình hình không đến nỗi bi đát như vận tải biển nhưng thua lỗ, nợ nần và tồn kho vẫn là điều đáng lo ngại.
Thép Hữu Liên Á Châu (HLA) cũng có nguy cơ hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn thực góp cho dù DN này đã và đang thúc đẩy tái cơ cấu mạnh mẽ. Đợt lỗ nặng nhất trong 35 năm kinh doanh được đại diện HLA giải thích là do nhu cầu tiêu thụ thép giảm, cạnh tranh gay gắt và giá nguyên liệu biến động bất thường.
Nhìn trên diện rộng, có thể thấy, trong năm 2013 và quý I/2014, nhiều DN đã hoạt động khởi sắc trở lại do chi phí tài chính giảm mạnh. Nhiều DN vẫn ăn nên làm ra như trong lĩnh vực cảng, taxi, một số DN BĐS, mía đường, cao su... Tuy nhiên, sự phục hồi cũng không thực sự ấn tượng. Bên cạnh đó, rất nhiều DN vẫn cảm thấy khó khăn bởi sức cầu thấp.
Với các NĐT, nhiều người vẫn chọn chứng khoán như một kênh tốt nhất trong năm nay, song bản thân họ cũng khá thận trọng bởi thực tế đầu năm cổ phiếu đã tăng khá nhiều, và các DN cũng chưa bước tiến bộ như mong đợi.
Mạnh Hà