Đại gia và giang hồ đều có những bí ẩn về tiền, tình và cả những khuất tất rất riêng. Về chuyện sử dụng tiền và sở hữu ân tình, họ có những khía cạnh giống nhau nhưng khác về chất.

 

Đại gia đầu tư tiền vào mối quan hệ là để sinh lợi, để có tiền sinh ra tiền. Giang hồ đầu tư vào mối quan hệ chỉ là tăng đẳng cấp, “lên số”. Đại gia cảnh giác với ân tình hơn giang hồ. Bởi chỉ vì ân tình, đại gia có thể mất đến nửa gia sản, thậm chí không thể vực dậy được ngành nghề kinh doanh đó nữa. Ân tình của giang hồ là trả nhau bằng nước mắt, tiền bạc, máu, thậm chí là mạng sống.

{keywords}
Thế giới ngầm: Bí ẩn mối quan hệ tiền và ân tình

 

Với VIP càng ân tình càng nhiều tiền

Chị Hai Trâm, một cái tên rất nổi của giới đại gia Kinh Bắc làm tôi bất ngờ khi cho rằng, “càng ân tình, càng phải chi nhiều tiền”. Chị Hai Trâm không nói cụ thể vào công việc gì, với quan chức nào nhưng tưng tửng kể một câu chuyện mà theo chị, nó là chuyện cơm bữa trong giới đại gia.

“Người chống lưng” cho doanh nghiệp vài trăm tỉ, trước đó là bố nuôi của chị. Thời chị mới lập nghiệp, khốn khó, ông ấy giúp đỡ rất vô tư. ân tình đó, chị luôn khắc ghi và lúc nào cũng tìm cách trả ơn một cách xứng đáng. Chẳng ngày rằm, lễ tết nào chị không đến nhà ông với túi quà to đủ loại và một cái phong bì dày cộp. Con, cháu ông cưới, hỏi, gia đình có việc hiếu, giỗ, chị đều mừng và phúng, lễ nhiều chục triệu đồng để tỏ lòng kính trọng, biết ơn. Thế nhưng, hình như, ông bố nuôi vẫn chưa hài lòng với cách trả ơn của chị.

Chị Hai Trâm bảo: “Trước khi về hưu khoảng 2-3 năm, ông ấy “vòi” kinh lắm. Nào thì phải theo tháp tùng ông ấy đi nước ngoài, đi công tác, mua những món đồ hiệu mà ông và vợ, con, cháu thích. Hè đến, ông yêu cầu chị chi tiền cho cả gia đình đi sang châu âu du lịch hai tuần. Rồi thì, đứa con gái muốn đổi xe máy tay gas trăm triệu đồng, con trai đổi ô tô từ Camry sang ít nhất là “Mẹc” đời chót hoặc không thì Lexus, BMW...

Tôi cứ hoa cả mắt, thời điểm này làm ăn khó khăn, giữ được ổn định đã khổ, lấy đâu ra lãi ròng lắm thế để mà cung phụng chứ. Ông ấy thừa biết, thế mà vẫn “vặt” tôi như vậy. Thế mới biết, càng ân tình, càng phải chi tiền, chẳng sai chút nào, y như câu các cụ xưa truyền lại “càng quen, càng nèn cho chặt, càng thắt cho đau”.

Tôi tò mò, hai năm trước khi về hưu, ông ấy “kiếm” của chị có đến vài tỉ đồng không? Chị Hai Trâm bần thần khá lâu rồi nói: “Tôi không nhớ rõ nhưng số tiền chi cho các khoản ngoài sản xuất, kinh doanh hai năm qua, lên tới gần sáu tỉ đồng. Nặng đô nhất là mua “Lếc” (tức xe ô tô Lexus – PV) mới cóng, đời 2012 cho con trai của bố nuôi, tức cũng là em nuôi của tôi. Thế nhưng, ông bố nuôi không dừng lại ở đó. Cực chẳng đã, tôi phải dùng chiêu bài, nhờ “anh em xã hội” giả đến đòi tiền. Tin đó “bắn” đến tai bố nuôi. Thế là ông ấy ngại, không đòi hỏi quá đáng nữa.

Tôi vẫn giữ mối quan hệ với gia đình bố nuôi như bình thường. Song, mỗi lần xuất hiện, tôi phải đi cùng với một người “anh hoặc em xã hội” để bố nuôi biết là khó khăn, không vòi vĩnh những món đồ tiền trăm triệu nữa”. “Sao chị không “cắt phéng” ông ấy đi?”, tôi hỏi. Chị Hai Trâm cười, nói: “Không đơn giản như thế đâu. Hơn nữa, tôi làm thế, anh em nhìn vào, khinh cho. Cứ thấy “anh em xã hội tháp tùng” là ông ấy hiểu ngay mà”.

Chị Hai Trâm bảo rằng, muốn thoát ân tình với VIP “cò quay”, đòi hỏi quá trớn, chỉ có “anh em xã hội” mới giúp được mình. Thực tế, VIP đương chức, họ kín đáo và biết cư xử hơn. VIP sắp về hưu, hình như họ chỉ tính đến hưởng thụ và “thu vén” bằng mọi giá nên tận dụng triệt để đến thái quá mối quan hệ để “làm tiền” thì phải. Và như thế, chính VIP làm mất tư cách và mối quan hệ ân tình của mình.

Đại gia phải giả nghèo, giả khổ để thoát khỏi những đòi hỏi quá vô lý của VIP. Khi đó, “anh em xã hội” là người sát cánh. Họ có thể thường xuyên đi cùng giải quyết công việc, giúp nhiều việc đúng nghĩa nhưng với người ngoài thì đó là bảo vệ đại gia khỏi các khoản nợ.

Thật ra, làm như thế cũng chẳng hay ho gì, doanh nghiệp đối tác không hiểu, họ tưởng mình khó khăn, nợ nần thật, không hợp tác làm ăn cũng dở. Thế nhưng, không làm như thế, VIP “quấy” thì cũng chết, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, làm ăn đang khó, kiếm tiền đâu dễ.

Có VIP còn tận dụng ân tình đến mức: “Bố không cần quà to, quà nhỏ, thu xếp đi với bố ra nước ngoài đợt cuối. Bố nghỉ rồi, muốn đi cũng chẳng được”. ông ta nói thế, chẳng nhẽ lại không? Đi cùng ông ta thì mất vài chục ngàn đô như chơi. Đại gia tìm cách lảng tránh, không đi bằng việc sai đệ tử đến biếu bố nuôi ngàn đô để bố làm tiền ăn sáng khi ra nước ngoài... Thế mới biết, khi đã tận dụng nhau đến tận cùng của mối quan hệ, thì ân tình hay tiền cũng là thứ mà họ cùng nhau tính toán đến... chi tiết.

Tiền và ân tình đều sòng phẳng

Đại gia Ngọc thừa nhận: “Với “anh em xã hội”, tiền và ân tình rất sòng phẳng, rõ ràng. Mình có ơn với họ, họ nhớ và lúc nào cũng tìm cách trả. Trong công việc, mình nhờ “anh em”, “anh em” giúp đến đâu, nói rất rõ, chỗ nào không giúp được, phải bao nhiêu để xử lý cũng rất mạch lạc khoản chi chứ không “ỡm ờ”, úp mở theo kiểu “thằng kia nó còn phải bằng mấy mày” như VIP.

Có những việc, họ sẵn sàng hy sinh tất cả vì mình. Những lúc như thế, mình phải là người có uy tín rất lớn với họ. Tất nhiên, “anh em” đã hy sinh hết cho mình thì mình phải có trách nhiệm với gia đình họ. Thậm chí, cưu mang vợ, con; chăm sóc, nuôi nấng trưởng thành. Sau này, chính con của “anh em” lại làm việc cho mình nhưng ở vị trí hoàn toàn khác với cha. Cháu nào giỏi thì thành người quản lý; chăm chỉ thì là thợ tay nghề bậc cao; có cháu giỏi ngoại ngữ thì là trợ lý, kiêm phiên dịch...

Tôi rất thuộc câu các cụ truyền lại là con hơn cha, nhà có phúc. Mà chúng hơn thật đấy, chúng rũ bỏ và gột rửa được cái danh giang hồ đeo bám cho cha. Tóm lại là ân tình nối tiếp ân tình và trách nhiệm với ân tình đó giữa đại gia với “anh em xã hội” cụ thể bằng quyền lợi và bình đẳng chứ không mang tính bợ đỡ, khó hiểu, nước đôi như cái kiểu ân tình giữa đại gia và “người chống lưng.”

Vậy chi tiền cho ân tình với “anh em xã hội” là bao nhiêu/năm? Câu hỏi này, tôi hỏi ít nhất vài đại gia mà tôi quen biết. Họ đều trả lời rất ngắn gọn rằng, ít hơn rất nhiều so với “người chống lưng” mà lại được tiếng là người cưu mang... Chi cho “người chống lưng” nhiều gấp vài lần/năm so với chi cho “anh em xã hội”, thế nhưng vẫn mang tiếng là nhờ vả, cầu cạnh, “phí bôi trơn”, bợ đỡ. Song, thực chất, đó là mối quan hệ mua bán chứ không phải ân tình đúng nghĩa.

Đại gia Đ., người phản đối quyết liệt chuyện “nuôi” giang hồ cũng phải thốt lên rằng, nếu có ân tình với giang hồ đúng nghĩa, chắc chắn có nhiều cái hay hơn là ân tình với VIP. ân tình với VIP chỉ tồn tại khi công việc “thuận buồm, xuôi gió”. Đại gia có khó khăn, đến “xin ý kiến”, ngoài chi đống tiền ra, còn phải chờ để VIP “cân đo, đong đếm” sự nặng nhẹ, thiệt hơn. Chính vì thế, có những lúc, khó khăn tự nhiên qua hoặc phải nhờ đến người khác giúp nhưng “công” thì VIP hưởng và lại phải cảm ơn ân tình rất lớn. Sự việc khó khăn hơn, VIP đổ lỗi rằng: “Chú mày lắm cửa thế, loãng, làm sao anh giúp được”.

Đại gia P. đồng suy nghĩ với đại gia Đ. và cho rằng, sự sòng phẳng chỉ tồn tại ở “dân xã hội” với cái gọi là ân oán, tiền, tình, tù, tội rõ ràng. “Anh em xã hội” đã nhận lời giúp là họ giúp, số tiền bao nhiêu họ nói chứ không “cò quay” như “người chống lưng”. Xong việc, đại gia thưởng hoặc không cũng không sao nhưng với VIP thì phải cảm ơn, ơn huệ.

 

Nước nổi thuyền nổi

Cũng theo chị Hai Trâm, đại gia nào cũng phải có “người chống lưng” để làm ăn được “thuận buồm, xuôi gió”. “Người chống lưng” chuẩn bị về hưu thì đại gia lại tốn thêm khoản kha khá để tìm người “giúp” mình thay thế. Thường thì, đại gia không thích “dùng lại” đệ tử của “người chống lưng” cũ, dù người này có ở chức vụ nhất định nào đó. Đại gia thường tìm kiếm người mới theo kiểu “nước nổi, thuyền nổi” chứ không mang tính chất “phù thịnh, bỏ mặc suy”. Bởi, theo chị Hai Trâm, với đại gia, chi tiền xong là xong chứ không lăn tăn, không hồi tố, ông này thế kia, ông kia thế khác... Có những mối quan hệ mới, vì chưa thể “biết” về nhau, đại gia cũng “dùng anh em xã hội” dương đông, kích tây để tạo mối quan hệ. Những lúc như thế, thực chất là đại gia gây sức ép để VIP phải thoả thuận một dự án nào đó hay nhận làm “người chống lưng” cho mình.

(Theo NĐT)