- Hết thời ăn tiêu thoải mái, mua sắm toàn đồ ngoại, đồ xịn đắt tiền... nay, nhiều bà nội trợ đã chuyển dần thói quen mua sắm, ưu tiên chọn đồ giá rẻ, bình dân để có thể cân bằng chi tiêu trong thời suy thoái.

“Giã từ”... đồ ngoại đắt tiền

Khi công ty ông xã làm ăn khấm khá, thu nhập ổn định không dưới 15 triệu đồng/tháng, cộng với gần chục triệu đồng tiền lương của mình nên chị Lê Thị Yến Nhi (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) chi tiêu lúc nào cũng xông xênh.

“Lúc ấy, đi chợ hay mua sắm gì tôi chỉ chăm chăm chọn đồ ngon, hàng ngoại. Đến cả chai nước mắm tôi cũng chọn loại có thương hiệu, ngon nhất. Con thích ăn nho, tôi mua 2-3kg nho Mỹ vứt tủ lạnh cháu ăn dần. Đồ ăn chính, ăn vặt lúc nào cũng ngập tủ, mà toàn đồ ngoại nhập. Mỗi lần như vậy, tôi chi cả vài triệu đồng mà chẳng phải tính toán gì”, chị kể.

Song, từ giữa năm 2013 đến nay, khi thu nhập cả hai vợ chồng giảm còn 2/3 so với trước thì chuyện chi tiêu, mua sắm gì bắt đầu được đặt lên bàn cân. “Giờ đi chợ tôi phải cân nhắc tìm mua hàng giá rẻ, hàng bình dân. Thay vì ăn cua, ghẹ tôi chuyển sang ăn cua đồng; cá quả sang cá chép, cá trôi; bánh kẹo ngoại sang bánh kẹo nội. Ngay cả sữa Meji của Nhật cho cậu con trai 1,5 tuổi cũng bị đổi sang sữa nội, giá chỉ bằng gần một nửa”, chị nói.

{keywords}

Để cân bằng chi tiêu, nhiều người chuyển sang chọn lựa hàng nội, hàng bình dân (ảnh: B.H)

Tại siêu thị BigC đường Trần Duy Hưng, chị Hà Minh Anh ở Láng Hạ (Đống Đa) tần ngần mãi trước kệ hàng toàn mỳ tôm các loại nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan... , cuối cùng quyết định mua mấy gói mì trong nước. Chị chia sẻ: “Trước giỏ hàng của tôi có đến 2/3 là đồ ngoại nhập, như sữa, bánh ăn dặm, váng sữa hay bánh kẹo... của Nga, Mỹ; hoa quả tráng miếng thì luôn chọn nho, táo Úc, Mỹ; còn thịt, cá, rau ăn hàng ngày cũng phải loại ngon nhất. Giờ thì mọi thứ từ A-Z, kể cả đồ ăn thức uống cho con cũng chuyển hết sang đồ bình dân rồi”.

Chị Minh Anh lý giải: “Mới đầu, gia đình chưa quen cũng cảm thấy hơi khó chịu, nhất là hai đứa con. Chúng chẳng thèm ngó ngàng tới cái tủ lạnh. Nhiều khi không thấy mấy ‘món tủ’ là kem, socola... mà chỉ dưa hấu với ổi, chuối... chúng nì nèo mẹ đòi mua. Nhưng rồi chúng cũng quen, giờ thì có gì ăn nấy chứ không đòi hỏi”.

Không chỉ vậy, để chi tiêu không vượt quá túi tiền, chị Mai Phương (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) còn từ bỏ thói quen mua hoa tươi về cắm hàng ngày. Quần áo các con chị cũng tránh mua đồ nhập, chỉ mua hàng Việt và có chừng mực vì tụi trẻ nhanh lớn. Cuối tuần, cả nhà cũng ít đi ra ngoài ăn uống vì đắt đỏ.

Học cách đi chợ thông minh

Sau một thời gian thực hiện “chính sách” đổi đồ, đổi chất sao cho hợp với túi tiền, không ít bà nội trợ đã giải được bài toán chi tiêu trong gia đình, đồng thời học được cách đi chợ thông minh, tiết kiệm.

{keywords}

Những loại hoa quả ngoại đắt tiền không còn được ưu tiên chọn mua như trước nữa. Thậm chí, nhiều người còn mua hoa quả cúng rằm trước 1-2 ngày để tránh tăng giá, tiết kiệm tiền (ảnh: B.H)

“Đổi cũng không sao. Trước kia, cứ nghĩ phải mua đồ ngoại, đồ xịn mới tốt nhưng giờ đổi sang đồ nội, hàng bình dân thấy chất lượng cũng không hơn kém nhau là mấy. Ví như con uống sữa nội vẫn phát triển bình thường mà giá thành rẻ hơn rất nhiều”, chị Mai Phương nói.

Gia đình chỉ đổi đồ ngoại sang đồ bình dân chứ không cắt bớt khẩu phần. Song, nhờ đó mà mỗi tháng cũng tiết kiệm được 4-5 triệu đồng - chị Mai Phương khoe.

Tương tự, chị Minh Anh cũng cho hay, từ khi chuyển sang dùng đồ bình dân thay cho hàng ngoại chị không còn phải đau đầu cho bài toán chi tiêu khi thu nhập của gia đình hơn một năm nay giảm đi đáng kể. “Hơn nữa, tôi còn học được cách lựa đồ ngon, giá rẻ khi đi chợ thay vì cứ vào siêu thị nhặt bừa rồi ra thanh toán”.

Chị Minh Anh dẫn chứng, đơn giản như việc mua đồ thắp hương. Trước kia vào ngày rằm, mùng một chị mới ra chợ mua đồ về cúng, nhưng giờ chị thường mua trước 1-2 ngày cho rẻ, nhất là hoa quả. “Mua trước 1-2 ngày về giá rẻ hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg, tính ra cũng tiết kiệm được vài chục nghìn chứ không ít”, chị Minh Anh nhẩm tính.

Không chỉ vậy, chị Kim Oanh (Phan Đình Phùng, Ba Đình) còn học được cách đi chợ mặc cả giá. Trước siêu thị bán gì có giá sẵn, chị chỉ việc chọn hàng rồi thanh toán, không quan tâm đắt rẻ. Giờ chị biết chọn mớ rau con cá ngon, biết chỗ bán rẻ chỗ bán đắt, mặc cả từng tí để mua được rẻ hơn. “Cuối tuần tôi còn đi tận chợ đầu mối để lựa thực phẩm tươi ngon giá rẻ. Đồ nội giờ cũng tốt, cũng ngon. Đặc biệt, có mặt hàng giá còn rẻ hơn một nửa, thậm chí bằng 1/3 đồ ngoại”, chị Kim Oanh khoe.

Bảo Hân