- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm giá sữa từ 50.000-70.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở.
Sau kết luận thanh tra về 5 công ty sữa, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đã trao đổi với PV. VietNamNet xung quanh tính khả thi của các biện pháp bình ổn giá sữa hiện nay.
Không hẳn sẽ áp giá trần mãi mãi
- Thưa ông, Chính phủ đã đồng ý chủ trương áp giá trần cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, song, nhiều ý kiến lo ngại, biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới các cam kết của Việt Nam trong WTO. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Việc Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá sữa đối với mặt hàng này tại thời điểm hiện nay phải nói là đã chín muồi.
Trước hết, đây là biện pháp đã có quy định pháp luật. Tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá đã quy định sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Trong các biện pháp bình ổn giá tại luật này, ở thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận thấy đã có đủ cơ sở để thực hiện biện pháp đăng ký giá và biện pháp giá tối đa, hay còn gọi là giá trần.
Chính phủ cũng đã thảo luận và thống nhất cao với các biện pháp bình ổn giá nêu trên.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (ảnh P.H) |
Đối với các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, qua rà soát cũng không thấy việc cấm việc áp dụng biện pháp kiểm soát giá nội địa với điều kiện không phân biệt đối xử và hạn chế bất lợi đối với lợi ích quốc gia thành viên WTO.
Thứ hai, đây cũng là biện pháp phù hợp với diễn biến tình hình thị trường trong thời gian vừa qua, thông qua kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế tại 5 công ty sữa.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp còn có nhiều khả năng để vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì lợi nhuận hợp lý để góp phần bình ổn giá sản phẩm này mà không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Thứ ba, đây cũng là biện pháp bình ổn giá đã có ít nhiều kinh nghiệm quản lý, vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, vừa phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới.
Thêm nữa, sau 6 tháng đăng ký giá và sau 12 tháng áp dụng giá tối đa, nếu như thị trường sữa đã vận hành tốt, có trật tự thì những biện pháp bình ổn này có thể sẽ không cần phải áp dụng nữa. Đây là một biện pháp có mở ra và sẽ có kết thúc.
Chúng tôi tin rằng chủ trương này sẽ được cả doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, bởi đây chính là một sự chia sẻ, hiệp đồng mang đậm tính nhân văn giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Sẽ có sữa chuẩn để tính giá trần
- Sữa là mặt hàng đa dạng phong phú chủng loại. Bộ Tài chính đã có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở dữ liệu để định giá tối đa cho mặt hàng này?
Từ ngay sau khi có Luật Giá, Bộ Tài chính đã theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình thị trường sữa để có phương án quản lý phù hợp.
Mặc dù có lo ngại cho rằng định giá tối đa cho tất cả các doanh nghiệp có các sản phẩm sữa khác nhau trên thị trường là hết sức khó khăn nhưng trong thực tế kinh nghiệm điều hành quản lý giá, cũng đã từng có giải pháp thực hiện.
Liệu giá sữa có giảm trong thời gian tới? |
Theo đó, chúng tôi sẽ xác định giá bán tối đa đối với một số sản phẩm chuẩn để từ đó, xây dựng phương pháp xác định giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn lại. Phương pháp này sẽ dựa trên Thông tư số 25 ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ. Như thế cũng là phù hợp với khuyến cáo chung về việc này là nên áp dụng phương pháp chi phí.
Thực hiện như vậy cũng sẽ vừa đạt được mục tiêu quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường vừa tạo được sự đồng thuận từ xã hội, từ người dân, từ doanh nghiệp.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên có nói rằng, nếu áp giá trần thì giá sữa sẽ giảm từ 50.000-70.000 đồng. Ông cảm thấy thế nào khi người dân đang kỳ vọng giá trần tới đây sẽ rẻ đi?
Mức giá tối đa giảm bao nhiêu, giảm như thế nào còn phụ thuộc vào thực tế thị trường, nhưng các mức nói trên cũng là có cơ sở. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp thông tin số liệu mới nhất làm cơ sở để xác định giá bán tối đa.
Như đã nói ở trên, khi xác định giá bán tối đa, chúng tôi sẽ chọn một số sản phẩm sữa có doanh thu lớn làm chuẩn để các mặt hàng sữa còn lại sẽ dựa theo thực hiện.
Vì vậy, sẽ không có cách tính trung bình nào cả cho việc áp dụng giá tối đa. Nhưng việc quản lý sẽ thống nhất, tạo được mặt bằng bình ổn, khắc phục được diễn biến tăng giá bất thường của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian qua.
Với cách tính giá tối đa đó, cả người tiêu dùng cũng có lợi mà doanh nghiệp thì vẫn bù đắp, tiết kiệm được chi phí, duy trì được lợi nhuận hợp lý, đảm bảo được hoạt động kinh doanh bình thường. Tiếp sau đó sẽ có những biện pháp quản lý thích hợp đảm bảo các doanh nghiệp sữa tuân thủ nghiêm quy định về giá tối đa, vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đây mới là lợi ích lớn nhất của việc áp dụng chủ trương này của Chính phủ.
Phạm Huyền (thực hiện)