Ông “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn (1926-2013) là người nổi tiếng kể từ một bài phóng sự về ông được đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988. Những thăng trầm của đời ông từng gây chấn động dư luận cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, bây giờ nếu ai muốn biết rõ hơn thì cứ nhờ Google tìm giùm.

Đại khái, năm 1955 ông rời vùng quê Thanh Hóa ra Hà Nội xin phụ việc cho một tiệm làm dép cao su - thứ dép được sáng tạo trong thời kháng chiến chống Pháp, cắt ra từ nguyên liệu là những chiếc lốp ô tô (vỏ xe hơi) hỏng bỏ đi. Lần hồi, ông thành thục bí quyết, bèn lập cơ sở sản xuất riêng. Mặt hàng dép cao su bán chạy, ông bị quy là “tư sản mới nổi”, bị tịch thu tài sản, bắt đi cải tạo. Mãn hạn, ông mày mò sản xuất bút máy từ nhựa phế thải tái sinh, khởi đầu từ một lý do tình cờ khi đứa con ông đi học về kêu bị hỏng bút. Bằng phương thức tư doanh và phương pháp thủ công, bút máy ông làm ra có chất lượng không thua gì bút máy hiệu Trường Sơn do xí nghiệp quốc doanh sản xuất. Chưa kịp vui với thành quả mới, ông lại bị tịch thu toàn bộ đồ nghề và nguyên liệu sản xuất, rồi bị bắt vì tội tàng trữ và đầu cơ, sản xuất trái phép, bị xử 30 tháng tù giam. Ra tù, ông “chừa” làm bút máy, chuyển sang làm nhựa vá săm (ruột xe), thêm nghề đắp lại lốp xe thồ, xe đạp. Khách hàng lại tín nhiệm kéo đến ùn ùn, nhà ông lại bị tịch thu...

Đến năm 1980, Nguyễn Văn Chẩn được người tiêu dùng tặng cho biệt danh “vua lốp” khi ông sản xuất ra loại lốp xe đạp rất bền, xe thồ còn dùng được ba năm. Sản phẩm được ban Khoa học - Kỹ thuật thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận chất lượng, được trao huy chương tại triển lãm Thành tựu kinh tế - kỹ thuật Việt Nam năm 1983. Một hãng sản xuất tầm cỡ quốc tế đặt trụ sở bên Pháp cử người tìm ông Chẩn tính chuyện hợp tác làm ăn... Thế nhưng họ chưa kịp gặp thì “vua lốp” đã lại bị khởi tố, tịch biên toàn bộ tài sản cùng công cụ, nguyên liệu sản xuất. Vợ con phải ra vỉa hè, còn ông tìm đường lẩn trốn và bắt đầu cuộc hành trình khiếu nại đòi lại tài sản cùng danh dự.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Chẩn (Ảnh: HNM)

Chuyện đời long đong vì hoạt động tư doanh của ông Nguyễn Văn Chẩn chợt gợi nhớ về các mặt hàng công nghiệp, công nghệ phẩm trên miền Bắc trước năm 1975. Đó là thời cực thịnh (chính xác hơn, độc tôn) của nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp. Các cơ sở sản xuất quốc doanh dù lớn hay nhỏ đều không phải lo chi phí đầu vào, lại càng không phải lo cạnh tranh về giá cả hay chất lượng, mẫu mã hàng hóa đầu ra, cũng không cần quan tâm thu hút sức mua cho sản phẩm của mình; bởi toàn bộ khâu lưu thông đã có Nhà nước đảm nhận, thông qua chế độ độc quyền phân phối của ngành thương nghiệp. Hiểu cách khác, với thị trường quốc doanh thì hàng hóa làm ra chỉ cần mang nhãn mác chứ không cần đến khái niệm thương hiệu. Điều có thật này hiển nhiên đến nỗi, mục từ “thương hiệu”- dù chỉ với nghĩa đen: tên của hiệu buôn - mãi vào khoảng giữa thập niên 2000 vẫn chưa xuất hiện trong mấy bộ Từ điển tiếng Việt được

Viện Ngôn ngữ học ở Hà Nội cho chỉnh lý hàng năm để tái bản đều đều.

{keywords} 

Hình như cái sự lo của nhà sản xuất hồi trước chỉ là tìm đặt một cái tên sản phẩm cho có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần và tình cảm mọi người trong sự nghiệp chung của nước nhà! Còn gì tuyệt vời hơn là bút máy hiệu Trường Sơn hay Ba Vì bơm mực Cửu Long, viết những dòng chữ trên trang giấy Hồng Hà; hoặc rong ruổi trên đường công tác bằng chiếc xe đạp mang nhãn Thống Nhất hay Hữu Nghị, mà bánh xe dùng lốp cao su Sao Vàng; lúc giải lao giải khát có thể mơ đến cốc bia Trúc Bạch, tách trà Ba Đình, quẹt que diêm Thống Nhất để phì phà hơi thuốc lá Điện Biên, Hoàn Kiếm... Những người từ miền Bắc vào (hay trở về) miền Nam trước hoặc sau ngày 30-4-1975, chắc hẳn nếu không có trong tay thì cũng trong trí nhớ một vài sản phẩm đã trở thành kỷ vật như thế - kỷ vật của một thời “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ” như câu thơ mang tính tự kiểm của nhà thơ Việt Phương. Và không ít người sẽ ngạc nhiên lắm, khi thấy các mặt hàng sản xuất trong Nam bấy giờ tuy có chất lượng ngang ngửa hay lấn lướt hàng ngoại nhập, nhưng lại mang những cái tên thật giản dị, gần gũi đời thường: nào xà bông Cô Ba, nào trà Củ Măng, mì Ba Con Tôm (về sau “chết tên” thành mì tôm, chỉ mặt hàng mì ăn liền), hoặc nghe ngồ ngộ lạ tai như tập vở Cogido, thực phẩm Vissan, kem đánh răng Hynos...

Mặc dù đất nước hòa bình thống nhất lúc ấy đã được năm năm rồi, ông Nguyễn Văn Chẩn ở thủ đô vẫn chọn tên cho sản phẩm mới của mình là “lốp Quyết Thắng” - một cái tên giàu ý chí quyết tâm chẳng kém gì các mặt hàng quốc doanh thời chiến đã nhắc ở trên. Có phải do lần này ông tự tin về chất lượng sản phẩm làm ra và tin vào nhu cầu có thật trong xã hội đang khan hiếm hàng hóa tiêu dùng? Một bài đăng trên báo Hà Nội Mới ra ngày 24-5-2013 (tức bốn ngày sau khi ông Chẩn qua đời) có nhắc lại: Thời ấy người nào mua được đôi lốp Quyết Thắng là mừng lắm... Vậy mà tai họa ập xuống, rồi đằng đẵng đến mười năm sau, ông Chẩn mới được trả lại một phần tài sản đã bị tịch thu. Nghĩa là xét chung cuộc, phần thua vẫn thuộc về ông “vua” đã làm nên sản phẩm vẻ vang mang tên Quyết Thắng!

“Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn đã như một mẫu hình quyết chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó đem tài năng và tâm huyết đóng góp cho lợi ích của xã hội, của cộng đồng... Nếu ra đời và khởi nghiệp chậm đi vài ba thập niên, chắc chắn ông sẽ hơn một lần được nhận lãnh các phần thưởng cao quý, cùng các danh hiệu cỡ như Sao Vàng Đất Việt hôm nay chẳng hạn.

Thế nhưng, như người ta thường nói, lịch sử không có chữ nếu. Hoạt động của các doanh nhân và doanh nghiệp cũng là như vậy chăng?

(Theo TBKTSG)