Nguyên tắc đóng- hưởng lương hưu hiện nay đang chưa công bằng và bất bình đẳng giữa các thành phần xã hội. Quỹ bảo hiểm không thể có nguồn bù chi lương hưu từ 3-11 năm.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chia sẻ xung quanh lo ngại của người dân về việc tăng tuổi làm, giảm lương hưu.
Người dân đủ sức khỏe để kéo dài tuổi nghỉ hưu
Thưa bà, trước thông tin sắp vỡ Quỹ bảo hiểm, phải tăng tuổi nghỉ hưu, dư luận cho rằng, các nhà quản lý đang đổ “tội” cho việc người già sống lâu. Xin bà cho biết, đề xuất thay đổi này được căn cứ vào cơ sở nào khoa học nào?
Bà Đỗ Thị Xuân Phương: Chúng ta không nên hiểu vấn đề trên một cách cảm tính.
Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu theo dự thảo Luật đều có căn cứ vào nhiều yếu tố như tâm, sinh lý, sức khỏe của người lao động, yếu tố chính sách lao động và bình đẳng giới, yếu tố năng lực tài chính của ngân sách Nhà nước và của Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Ở nước ta, tuổi thọ của người dân đã tăng lên khá nhanh. Nếu như 50 năm trước, năm 1963, người dân Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 40 tuổi thì tới năm 2013 là 73 tuổi. Điều đó cho thấy, sức khỏe của người Việt Nam đã tăng lên rõ rệt.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương |
Trong khi đó, quy định tuổi nghỉ hưu ở nước ta vẫn giữ nguyên trong 50 năm qua, nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Cùng đó, cơ chế đóng- hưởng hiện nay của Quỹ BHXH chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng. Thời gian đóng bảo hiểm ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu lại dài.
Chẳng hạn, một nam chuyên viên nếu đóng BHXH 31 năm, nghỉ hưu đúng 60 tuổi thì số tiền đóng, kể cả lãi chỉ đủ chi trong 10 năm hưởng lương hưu, thiếu trên 3 năm so với tuổi thọ bình quân. Tương tự, với nữ chuyên viên nếu đóng BHXH 25 năm, nghỉ hưu đúng 55 tuổi thì số tiền đóng kể cả lãi chỉ đủ chi trong 7 năm hưởng lương hưu, thiếu gần 11năm so với tuổi thọ bình quân.
Rõ ràng, không một Quỹ nào có thể lấy đâu ra nguồn để bù chi cho phần chênh lệch từ 3-11 năm như vậy.
Mỗi năm, quỹ chi khoảng 60.000 tỷ đồng cho trên 1,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng và trên 600 nghìn người hưởng một lần. Nếu việc mất cân đối quỹ xảy ra sẽ sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của hàng triệu người nghỉ hưu và và đến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia.
Chúng tôi cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp căn cơ nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng về chế độ an sinh xã hội trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều người lao động lo ngại sẽ không thể đủ sức khỏe để làm việc tới năm 60-62 tuổi. Bà có ý kiến gì về điều này?
Nội dung này thuộc lĩnh vực chuyên môn của các ngành có liên quan. Tuy nhiên tôi tin rằng, với đời sống về vật chất, tinh thần, môi trường làm việc hiện nay... thì sức khỏe của đa số nhân dân ta đã được tốt hơn.
Bên cạnh đó, những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở nơi khí hậu khắc nhiệt thì tuổi nghỉ hưu sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay, thấp hơn 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung.
Hơn nữa, việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng ngay. Phải 2 năm nữa mới bắt đầu thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức và trong 6 năm nữa, mới áp dụng cho các đối tượng còn lại. Về thời gian, sớm nhất, các lao động nam đến năm 2022 và nữ tới năm 2031 mới nghỉ hưu ở độ tuổi trên. Nghĩa là, thời gian còn tới 8- 17 năm nữa mới áp dụng độ tuổi trên. Lộ trình như vậy là đảm bảo tránh “sốc” cho người lao động.
Lương hưu chỉ giảm ở khu vực Nhà nước
Dư luận cũng lo ngại việc giảm lương hưu theo quy định của dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Thực tế vấn đề này như thế nào?
Đúng là, nếu theo quy định mới ở dự thảo Luật thì sẽ có chuyện giảm lương hưu ở một số nhóm đối tượng, trong một số trường hợp.
Việc xác định lương hưu ở nước ta được tính theo tỷ lệ % so với tiền lương và căn cứ trên thời gian, mức đóng BHXH khi đi làm trước đó. Tuy nhiên, quy định về tính tiền lương hưu của ta chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng trong đóng- hưởng, còn bất bình đẳng giữa các thành phần trong xã hội.
Cụ thể, hiện nay, ở khu vực hưởng lương Nhà nước, như công chức, viên chức, lao động trong DNNN thì tiền lương làm căn cứ tính lương hưu được tính bình quân 5 -10 năm cuối, trong khi, các đối tượng khác, như người lao động khu vực dân doanh, thì tính bình quân tiền lương trong toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Luật sửa đổi đặt vấn đề phải áp dụng cho toàn bộ đối tượng theo một cách tính là bình quân tiền lương trong toàn bộ thời kỳ đi làm, đóng bảo hiểm. Do đó, lương hưu của khu vực công chức, viên chức, hưởng tiền lương Nhà nước thì sẽ giảm, vì tiền lương 5-10 năm cuối thường sẽ cao hơn so với việc tính toàn bộ giai đoạn đi làm.
Tuy nhiên, về thời gian thực hiện, người nghỉ hưu sớm nhất là năm 2036 mới tính theo quy định sửa đổi này. Còn người đã tham gia BHXH trước Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành thì vẫn tính theo mức như quy định hiện nay. Như vậy, về cơ bản bản mức lương hưu đối với người lao động này sẽ không có thay đổi.
Ngoài ra, đối với người nghỉ hưu trước tuổi hoặc có ít thời gian tham gia BHXH thì mức lương hưu cũng sẽ giảm so với quy định hiện hành. Vì dự luật đề nghị tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% hiện nay lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Dự luật đề nghị phải lấy đóng bảo hiểm xã hội theo mức thu nhập thực tế, gồm cả tiền lương, phụ cấp, chứ không phải theo tiền lương tối thiểu hiện nay nên về mức tuyệt đối, lương ương hưu của những người áp dụng Luật mới này sẽ cao hơn người nghỉ hưu trước.
Phạm Huyền