Có những con người không lớn lên trên mặt đất, mà họ lớn lên trên sự chông chênh của từng đợt sóng. Rồi từ đời này sang đời khác, họ mãi mãi chịu một lời nguyền của sông nước. Từ khi chào đời đến khi lập gia thất thậm chí là đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ đều không thể xa rời cơn thủy triều lên xuống.
Lời nguyền của kiếp thương hồ
Có lẽ vùng đất Cửu Long đã ưu ái cho con người miền Tây sông nước những nơi cư trú khá đặc biệt. Sống trên mặt nước cũng là một điều hay. Dọc theo con kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang), không khó để tìm ra xóm ghe, thậm chí một chiếc ghe nằm lẻ loi dọc bờ sông.
Theo lời bà con địa phương, rằng có một dòng họ 4 đời sống kiếp lênh đênh, họ bị lời nguyền truyền kiếp theo chặt. Theo lời dẫn của bà con, chúng tôi tìm đến ghe của bà Nguyễn Thị Nhàn (60 tuổi). Phải chui dưới hàng loạt gầm nhà của người khác, băng qua con đường đất nhỏ hẹp lầy lội thì mới ra tới bờ sông, nơi chiếc ghe của bà Nhàn đang đậu. Chiếc ghe vỏn vẹn chưa đến 10m2, nhưng đã bao bọc, nuôi nấng gần hết 4 thế hệ trong gia đình bà Nhàn.
Những "ngôi nhà trên mặt nước" ở dọc bờ kênh Vĩnh Tế. |
Từ ba má bà đến bản thân bà, rồi con gái bà, chị Tăng Kiều Loan. Hiện chị Loan cũng đã lấy chồng. Chồng chị là anh Lê Văn Lân, vì yêu vợ, đã "gia nhập" kiếp ghe xuồng. Và thế hệ thứ tư là con gái của anh chị - cháu Kiều An sẽ tiếp nối cuộc sống này. Có lẽ chiếc ghe tội nghiệp không thể đi cùng năm tháng bởi nó đã bị hư hỏng nặng. Gia đình bà Nhàn phải thay nhau tát nước vì ghe thủng. Phía dưới nước dâng, phía trên mưa dột. Mái ghe lợp bằng lá cũng đã mục nát. Gia đình bà Nhàn đành kéo nhau lên bờ cất chòi. Nhưng kiếp ăn nhờ ở đậu đâu sung sướng gì.
Nhìn chiếc ghe nằm phơi nắng mà không có tiền sửa chữa, bà Nhàn kéo ống quần quệt nước mắt, nói: "Đã 60 tuổi rồi vẫn đi giặt đồ mướn, giặt cả ngày nên nước tẩy ăn tay chân lở loét hết, già rồi ngồi đau nhức lắm". Bà Nhàn ngày ngày trông chờ vào những thau đồ to đùng để giặt thuê, chị Loan ngày trước đi bán cá ở chợ nhưng bây giờ phải ở nhà lo cơm nước, lo con. Anh Lân ai thuê gì làm nấy. Đám lục bình trôi dạt vướng vào thân ghe, đóng rêu xanh rì...
Nhưng dường như cái lời nguyền sông nước đã gắn chặt cuộc đời của những con người này. Đêm đêm trong những giấc ngủ, bà Nhàn cùng con cháu lên bờ, thoát khỏi kiếp lục bình trôi. Nhưng đó chỉ là mơ, bởi mùi sông nước níu chân 4 thế hệ gia đình bà. Vả lại như lời bà nói: "Nghèo muốn chết, không có tiền sửa ghe lấy tiền đâu mà lên bờ ở". Nhìn sang chiếc ghe bên cạnh, thấy người đàn ông đang ngồi đan lại tấm lưới rách, bà Nhàn nói: "Ở đây có quy tắc, chỉ có đàn ông mới xuống sông, đàn bà thì tuyệt đối không, chỉ ở trên ghe".
Cực nhất vẫn là việc tang ma cho người đã khuất, ngày còn sống thì bập bềnh theo sóng nước, đến khi chết cũng không được nằm yên. Gia đình đóng một giàn tre, rồi buộc dây treo quan tài trước mũi thuyền. Người đến thắp hương cắm nhang dọc hai bên bờ sông. Quan tài đưa từ ghe lên mặt đất cũng lắm khó khăn. Sống kiếp sông nước lênh đênh mãi đến chết, họ mới được nghỉ lưng trên đất.
Bà Nhàn chỉ tay về phía bên kia bờ sông, nơi có một dòng họ nhà ghe mà bao ngọt bùi cay đắng họ đều nếm trải.
Tay chèo thép
Gia đình ấy có 3 đời sống kiếp ghe xuồng, tiếng vang lẫy lừng vì có người đàn ông từng là trùm giang hồ một thuở, một người phụ nữ chuyên đi chửi thuê, và một đứa con gái từng là bóng hồng lưu lạc từ Campuchia về miệt thứ. Gã giang hồ tên Hồ Phi Văn ấy dù đã giải nghệ ở tuổi 45 nhưng vẫn còn máu mặt trong những chuyến vận chuyển ghe đá từ Châu Đốc (An Giang) đi Hà Tiên (Kiên Giang).
Quá khứ đâm thuê chém mướn đã làm sứt sẹo cuộc đời Phi Văn, với những lần đổ máu trên dòng sông đỏ nặng phù sa. Năm 20 tuổi, Hồ Phi Văn một mình đi đóng ghe chở khách. Tiền bạc kiếm được gã trai nướng vào những canh bạc đỏ đen. Năm 30 tuổi, Phi Văn gá nghĩa với chị Nguyễn Ngọc Tuyến (sinh năm 1975, quê An Giang). Tuyến cũng là một lái chèo đò có số má vì chị ta có tài chửi như tát nước ghe.
Hai vợ chồng chèo chống để mưu sinh. Năm 1996, cô con gái đầu lòng Hồ Tuyến Nga ra đời. Tuy nhiên, một đêm cuối năm, bà con trên ghe không còn nghe thấy tiếng khóc của Tuyến Nga, bé đã bị rớt xuống dòng nước. Người ta đi mò xác đứa bé. Trên bờ, chị Tuyến đứng vịn tay cầm của cây cầu khỉ bắc xuống ghe mà khóc rưng rức, rõ ràng hai vợ chồng đã buộc chân con vào ghe để không lọt xuống sông trong khi hai người đi mua bánh mứt cúng tết, nhưng khi về thì chỉ thấy dây mà chẳng thấy con đâu?
Mò tìm con không thấy Chị Tuyến đành quăng cái gối ngủ của con xuống sông, xem nó xoay vòng chỗ nào thì chỗ đó là xác con vì theo lời truyền dân gian là vậy. Đến năm 1998, hai vợ chồng sinh Út Thị. Khắp người Thị bùa chú đeo chằng chịt vì cha mẹ sợ bị ma da bắt giò giống chị hai ngày ấy. Lớn lên, Thị không xinh đẹp nhưng được cái có duyên mà mọi người hay gọi trêu là "con ba chèo đò".
Năm 18 tuổi, “con ba chèo đò” đi lấy chồng, là một chàng trai đi theo ghe đá. Đêm tân hôn hai vợ chồng trẻ cứ lắc lư mà nhìn nhau chẳng biết làm gì vì ghe đông người quá. Thời gian sau này, Út Thị lưu lạc sang Campuchia không biết làm gì nhưng cũng của ăn của để hơn thời chèo đò của ba mẹ.
Màn đêm buông. Ánh trăng soi dọc theo con kênh Vĩnh Tế, đưa chúng tôi đến "ghe gia" của cô Trần Thị Tư Sang. Hai bên thân ghe, tiếng sóng bì bạch vỗ. Một chuyến tàu chở cá lướt nhanh, để lại những con sóng dữ, con thuyền lắc lư. Dường như thấy được lo lắng của chúng tôi, cô Tư Sang trấn tĩnh nói rằng lật ghe là chuyện của ngày xưa, bây giờ ghe được làm vững và chắc lắm, đáy ghe phẳng và hai bên đều được cặp phao nổi.
Cô Tư Sang mời chúng tôi uống nước. Cô nói: "Nước múc dưới sông lên, lóng phèn rồi, mấy bữa nay chưa đi mua nước sạch về uống, nên uống tạm nước sông vậy. Không sao đâu, ở đây ai cũng uống mà có sao đâu”. Cô nói và cười sảng khoái. Đằng trước mũi ghe, thằng Giàu - con trai cô gọi mẹ í ới. Cô Sang nói rằng nó gọi mẹ ra giặt áo, phơi cho kịp sớm mai có áo đi học. Chúng tôi theo cô Sang ra mũi ghe. Nhìn cô bì bõm lội ra chỗ nước sâu để giặt áo cho con chúng tôi thật ái ngại. Dòng nước nặng phù sa nên có dùng bột giặt cũng không thể làm trắng sáng chiếc áo học trò của thằng Giàu. Đành chịu vậy thôi.
Mấy chục năm ở ghe rồi cô Sang không có điện dùng, chỉ đốt đèn dầu vì ghe xa bờ, không có đường dây điện nào đi xuống. Nhưng từ ngày thằng Giàu lớn, nhìn con học bài dưới đèn dầu tù mù thì tội quá, cô Sang quyết định xin dẫn điện từ một hộ dân trên bờ để có ánh sáng cho con học.
Chúng tôi có cảm giác đêm xuống dưới ghe nhanh hơn ở trên bờ. Đây cũng là thời điểm hoạt động của đàn muỗi đói hơi người. Cô Tư Sang ngồi kể chuyện tiếu lâm. Cô nói gốc tích cái tên cô cũng thú vị lắm. Nhà cô có bốn anh chị em, người anh cả tên Một rồi kéo dài đến cô là tên Tư. Thấy cả nhà toàn số đếm cũng kỳ, ba má đệm thêm cho cô chữ Sang với mong ước phát tài, thoát kiếp lênh đênh, có cái nhà đàng hoàng mà ở. Rồi cô Tư Sang lấy chồng, ở với nhau không được lâu thì chồng mất. Thằng con trai (thằng Giàu - PV) duy nhất ra đời, cũng với ước mong được có cái nhà để ở, cô đặt con tên Giàu. Hai mẹ con với ước nguyện giàu sang.
"Thấy vậy mà sau này có nhà chắc không nỡ đi, sống dưới ghe mấy chục năm rồi. Ghe này cũng một tay ba thằng Giàu dành dụm mua được. Nặng tình nặng nghĩa" - cô Sang vừa kể vừa cắm nén nhang lên ban thờ.
Ngoài sông, một chiếc thuyền lớn chạy ngang qua, chiếc ghe lắc lư, cô Tư Sang vỗ đùi kể chuyện ma. Cô kể hồi đó hai vợ chồng còn chưa có thằng Giàu, đêm nằm ngủ mà nghe tiếng nước lõm bõm. Chồng cô Tư Sang quyết ra ngoài xem chuyện gì vì sao đêm nào cũng nghe thứ âm thanh đó. Chồng chị nói to: "Có chọc ghẹo thì đừng có ở đây, đi chỗ khác chơi, ông đánh cho một cây bây giờ". Ai ngờ có tiếng người trả lời: "Tui nè anh. Tui đi tắm anh ơi". Thì ra ông hàng xóm, dạo ấy ghe ông có khách nên ông không dám tắm sớm mà cứ đợi khuya mới xuống sông tắm.
Cô Tư Sang cười buồn: "Tội nghiệp, ổng cho khách đi ngủ nhờ nhà bà con trên bờ nhưng khách nhiệt tình quá đòi ngủ lại trên ghe luôn. Cả tuần lễ, đêm nào cũng nghe ổng tắm muộn. Giờ ổng có cái nhà trên bờ rồi, hết đi làm ma da tắm đêm". Cô Tư Sang kéo tay chúng tôi ra mũi ghe hóng gió. Cô nhìn chúng tôi rồi nói: "Tối nay lạ chỗ ngủ không được cho coi, với lại nghe đủ chuyện, thấy đủ thứ khó khăn hơn trên bờ, chắc ngủ một đêm rồi không dám đặt chân lên ghe nữa quá".
Đêm hôm ấy, giấc ngủ lao đao nhưng nặng tình nặng nghĩa như cuộc sống của những kiếp thương hồ. Mặt trời lên, ánh nắng dát vàng lên mặt nước. Cô Tư Sang lôi chiếc xe đạp trên mái ghe xuống, treo vào tay cầm vài chùm sen để đi bán dạo. Chúng tôi chầm chậm đi qua những xóm ghe, bàn chân còn dính đỏ phù sa cứ bám mãi, vương vấn bao câu chuyện buồn vui của xóm ghe nghèo
(Theo CAND)