“Người Việt Nam có câu “của đau con xót”.  Những tổn thất của các doanh nghiệp nước ngoài vừa qua cũng chính là tổn thất của Việt Nam. Sự kiện xảy ra là đáng tiếc, sẽ là duy nhất và không lặp lại”, ông Phạm Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Bộ ngoại giao khẳng định chiều 19/5.

Có mặt tại cuộc gặp với đại diện 5 bộ ngành của Việt Nam, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 19/5, các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhiều ý kiến bày tỏ. 

Sau khi nói về những thiệt hại và lo ngại của mình, bà Liu Mei Teh, Hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam bày tỏ:  “Rất nhiều người vẫn đang có niềm tin với Việt Nam. Những niềm tin này sẽ được củng cố bằng những hành động của Chính phủ Việt Nam trong tương lai”. 

{keywords}
Các doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ sớm doanh nghiệp hồi phục sản xuất (ảnh: Phạm Huyền)

Trong khi đó, ông Leonce Lai, công ty giày Chiao Sang bày tỏ: “Tôi đã đầu tư 20 năm ở đây và vẫn có niềm tin”. 

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng bày tỏ ý kiến Chính phủ cần thể hiện nhanh chóng các động thái giúp doanh nghiệp hồi phục.

Chẳng hạn như vấn đề tiền lương. Bà Liu Mei Teh nói: “Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý như thế nào về khoản lương cho người lao động của doanh nghiệp chúng tôi trong thời gian ngừng hoạt động vì sự cố vừa qua?”. 

Vị doanh nhân này đề nghị chế độ “một cửa”: “Chính quyền địa phương cần lập một đầu mối duy nhất ở các khu công nghiệp, chuyên trách xử lý vấn đề của doanh nghiệp sau vụ việc vừa qua. Đồng thời, cần ban hành ngay bộ quy trình xác nhận tổn thất của doanh nghiệp”. 

Bà Liu cũng không quên nhấn mạnh: “Tốc độ xử lý phải rất nhanh”. 

Ông Kim, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, Chính phủ cần đứng ra ứng trước các khoản bồi thường bảo hiểm trong thời gian chờ các công ty bảo hiểm xác minh thiệt hại. Đồng thời, cần gia hạn thuế, đẩy nhanh thủ tục thông quan hải quan cho đến khi doanh nghiệp hồi phục. 

“Đây là những hành động thiết thực chúng tôi mong đợi từ Chính phủ để Việt Nam sớm quay trở lại môi trường đầu tư thân thiện và an toàn”, ông Kim nói. 

{keywords}
Công nhân khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh đã quay trở lại làm việc (Ảnh: Duy Tuấn)

Chia sẻ với bức xúc của doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Bộ ngoại giao bày tỏ: “Người Việt Nam có câu “của đau con xót”, những tổn thất của các doanh nghiệp vừa qua cũng chính là tổn thất của Việt Nam”.

Ông Bình cho biết, Chính phủ quyết tâm, trước mắt sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề như tiền lương, giấy phép lao động, bảo hiểm xã hội. Tôi tin rằng, sự kiện xảy ra là đáng tiếc, sẽ là sự kiện duy nhất và không lặp lại”, ông Bình nhấn mạnh. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tiền tệ, Bộ Công an khẳng định, lực lượng công an đã được tăng cường bảo vệ các khu vực sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ ở 3 tỉnh vừa xảy ra i mà cả ở 63 địa bàn trên cả nước. Đồng thời, đã khởi tố vụ án, tích cực điều tra, truy tìm thủ phạm kích động gây ra các vụ việc vừa qua. Hàng trăm đối tượng đã bị bắt và sớm đưa ra xư lý trước pháp luật. 

Đại diện các Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT cam kết đã có các chỉ thị, công điện chỉ đạo hỗ trợ tổng thể cho doanh nghiệp. 

Chủ trì cuộc gặp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ: “Hiện nay, 80-90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Xin khẳng định những hành động phá hoại vừa rồi không chỉ gây thiệt hại đối với doanh nghiệp của Đài loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc mà chính là phá hoại các cơ sở kinh tế của Việt Nam”.

“Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả các kiến nghị trên báo cáo Chính phủ và cam kết, sẽ đảm bảo tốc độ xử lý nhanh, sớm nhất giúp doanh nghiệp”, ông Lộc cam kết. 

Phạm Huyền