Trong số những phạm nhân đang thụ án tại Trạm giam Suối Hai, Tổng cục VIII, Bộ Công an, tôi gặp ông trùm Phạm Bá Phú – người được ví như “vua không ngai”, thao túng tất cả hoạt động buôn bán đồ trộm cắp ở chợ Trời. “Đế chế” hoàng kim của ông trùm Phú kéo dài suốt hai thập kỷ ở chợ Trời.

Từng mơ ước “vợ công chức, con ngoan”

Thời gian những năm 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, người đến chợ Trời thuê mặt bằng kinh doanh, sợ “ông trùm” Phú mất mật. Ngoài việc, ông ta điều hành một đội ngũ “ong ve” chuyên đi “thăm quan” các cửa hàng bán phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử ra thì những mối hai ngón “ngon lành” nhất đều bị ông ta “vợt” mất. Anh Dũng, người buôn bán cùng thời với “ông trùm chợ Trời” cho biết: “Khổ chủ đến mua lại, ông ta ra giá thì … thôi rồi. Gương trái ô tô hiệu Camry, hàng nhập, năm 2000 rất giá trị với xe. Bởi, mất nó, chủ xe phải đến hãng đặt, rất nhiều thủ tục và hàng tháng sau mới có gương mang về thay thế. Biết được điều đó, “ông trùm” Phú mua của đạo chích giá rẻ nhưng đội giá lên “trên trời” với người mua, thậm chí bằng giá nhà sản xuất, cộng thêm cả tiền vận chuyển về Việt Nam. Nhiều khổ chủ biết là “chát” nhưng không thể không mua lại chính đồ của mình đã bị đánh cắp. Bởi, mua lại thì không phải chờ đợi hãng...”.

Ngày đó, “ông trùm” Phú được xếp vào hàng anh chị có số có má. Dân giang hồ ví von cuộc đời ông ta như một canh bạc mà do chính ông ta vừa cầm cái, vừa là người chơi. Cũng đúng thôi, vì “ông trùm” Phú có thời gian sống trong tù tới 17 năm. Từ năm 1987, ông đã nếm mùi “ăn cơm tù, mặc áo số”. Đến nay, dù đã ở cái tuổi lên lão, “ông trùm” vẫn không được nghỉ ngơi, không nhận được sự chăm sóc của con cái mà vẫn phải thụ án ở khắp các trạm giam.

“Ông trùm” một thời trải lòng: “Những vết sẹo ngang dọc trên người, tay, cổ và mặt là “dấu ấn” của những cuộc xưng bá, tranh hùng của giang hồ nhằm tranh giành lãnh địa của nhau. Đang là “ông trùm”, nghe tin có kẻ nhăm nhe tranh giành lãnh địa là tôi không chịu nổi, là kéo quân đi “hỏi tội, xin tý tiết” đối thủ. Ngoài những vết sẹo thì trên người tôi có vô số những hình xăm hổ báo chằng chịt. Đó là những hình xăm thể hiện đẳng cấp, “số má” trên giang hồ mà người trong giới này không thể không có. Trông nó dữ dằn thế thôi nhưng thực tế, tuổi thơ của tôi lại tĩnh lặng và khá êm đềm”.

{keywords}

Chợ Trời, nơi chuyên buôn bán đồ cũ.

Cùng với mạch kể, “ông trùm” tiếp tục: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em nhưng bố mẹ đều là công nhân viên chức Nhà nước nên hết thảy đều được ăn học đàng hoàng. Tôi là đứa con ngang ngược nhất, chỉ học đến lớp 7 rồi bỏ. Từ đó, tôi bắt đầu lông bông lêu lổng, a dua theo đám bạn ngoài xã hội đàn đúm, chơi bời. Để đáp ứng cho những buổi lêu lổng, chơi bời đó, chúng tôi rủ nhau đi “chôm chỉa”… Cha mẹ, anh chị khuyên nhủ, tôi bỏ ngoài tai. Sau thấy mẹ khóc lóc khuyên bảo nhiều lần, tôi vào làm công nhân cầu đường và đi bộ đội. Ra quân, thời đó cuộc sống bao cấp khó khăn, tôi chán nản. Thấy dân tứ xứ ở đâu ra đổ dồn về khu phố Thịnh Yên (khu nhà tôi ở) buôn buôn bán bán, giao thương đủ thứ hàng hóa trên đời, nhất là đồ ăn cắp, “chôm chỉa”…, tôi nghĩ, mình phải là “ông trùm” để cai quản nơi này…”.

Theo lời kể của Phạm Bá Phú, thời gian đầu kiếm sống ở chợ Trời, ông ta cũng chỉ buôn bán lặt vặt, kiếm đồng ra đồng vào. Ông trùm một thời kể: “Sau một thời gian, tôi để ý thiên hạ kiếm tiền như thế nào rồi làm theo. Tôi bắt đầu buôn, bán đồ ăn cắp. Bán đồ này, thực tế cho lãi rất lớn lại được nhiều người cầu cạnh. Tôi nhanh chóng trở thành một trùm sỏ chuyên buôn bán, thu mua những đồ trộm cắp. Ngoài ra, tôi còn liên thông với những mạng lưới khác khắp cả chợ và những khu lân cận để “nhập” hàng với giá phải chăng và bán lại với giá đắt. Thời đó, những đồ ăn cắp được của dân hai ngón, trộm cắp, bao giờ chúng nó cũng sợ, phải đem đến bán cho tôi trước, tôi không mua thì mới dám bán cho người khác. Bởi thế, hàng của tôi toàn đồ “độc”, lạ nên hái ra tiền. Ngày đó, tôi mơ về một gia đình hạnh phúc, có vợ làm công chức, có con ngoan. ước mơ của tôi thành hiện thực khoảng 5 năm thì tôi đổ đốn. Có được nhiều tiền từ kinh doanh đồ trộm cắp, từ vị trí “ông trùm”, tôi khinh tất cả, cho mình là nhất, mình làm gì cũng đúng. Thế rồi, tôi lao vào sử dụng chất ma tuý... Cuộc đời tôi xuống dốc không phanh từ đây. Nhà tan, cửa nát, vợ con ly tán. Nó đúng như một canh bạc, hết đỏ thì đến đen vậy...”.

“Ông trùm” thao túng cả trộm cắp, cờ bạc và ma túy

“Ông trùm” bảo rằng: “Thực sự, ngày đó, mọi thứ tuột khỏi tay tôi một cách chóng vánh, làm tôi không thể định thần lại được. Tôi cùng quẫn bằng việc đem danh “ông trùm” ra để vớt vát lại, nhưng thật khó. Tôi sống ở nơi sầm uất gần nhất Hà thành thời đó nhưng cũng là nơi tệ nạn về trộm cắp, buôn bán đồ do kẻ phạm tội mà có thì muốn tử tế, lương thiện cũng không đơn giản. Cuộc đời của tôi ngay từ nhỏ đã ngang ngược, thích làm theo ý mình, thích người khác phải phục tùng mình nên không ai có thể góp ý cho tôi được. Khi tôi lao vào chơi ma tuý, lúc tỉnh cơn “phê”, tôi hiểu, mình đã rơi xuống vực. Càng chán nản tôi lại càng tiếp tục phá cuộc đời mình”.

“Vợ con anh đâu? Người thân đâu? Họ giúp gì cho anh trong thời điểm đó không?” – tôi hỏi. Trầm ngâm lúc lâu, “ông trùm” cười buồn, nhạt thếch: “Mình làm mình chịu, bắt người thân, vợ con chịu hộ sao được. Tôi ngang ngược, gia trưởng nên chẳng ai dám góp ý, tham gia gì. Khi xảy ra cơ sự, ở trong trại những ngày cuối đời, tôi nghĩ đến vợ và con. Vợ tôi là người phụ nữ sống biết điều, biết nhịn. Tôi cảm ơn cô ấy, vì cô ấy đã lo lắng cho gia đình, chăm sóc con cái...”.

Tôi vẫn bất ngờ, không hiểu sao, một “ông trùm” mà lại phải “vào tù, ra tội” nhiều thế, “ông trùm” Phú bộc bạch: “Có những thời điểm, ở bên ngoài, tôi sướng hơn vua, nên phải trả giá cũng đúng thôi. Chỉ có vua mới thích làm gì thì làm, còn ngoài ra, ai chẳng tuân theo pháp luật. Thế là tôi xuống dốc mà không có gì cản trở nên chìm nhanh xuống vực sâu. Ngoài là “ông trùm” trong lĩnh vực buôn bán đồ trộm cắp, tôi còn nhúng tay vào mua bán chất ma túy, cờ gian bạc lận. Ma túy, nó đen lắm; cờ bạc nó cũng bạc lắm! Tôi đầu tư bao nhiêu vào đó, đều mất hết và rồi mất luôn cả cuộc đời của mình”.

Thực chất, theo hồ sơ trong trại giam, “ông trùm” có nhiều tiền án, tiền sự vô cùng. Năm 1978, “ông trùm” đã biết mùi “ăn cơm tù, mặc áo số”. Từ đó đến năm 2005, cứ vài năm, “ông trùm” lại “bóc lịch” một lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2009, “ông trùm” bị bắt vì tội tàng trữ chất ma tuý và bị xử tù 7 năm. Khi tôi gặp “ông trùm” tại trại giam Suối Hai, “ông trùm” đã thụ án được hơn nửa số hình phạt mà toà tuyên. Cán bộ quản giáo của trại cho biết: “Phạm nhân Phú cải tạo tốt, tích cực lao động, biết hối lỗi”. Tôi hỏi: “ông có nhớ nhà không? Có hy vọng được giảm án không?”. “ông trùm” thành thực: “Tội của tôi không được giảm án đâu. Hơn nữa, tôi nhiều lần vào tù, ra tội rồi nên dù lần này chăm chỉ, cải tạo tốt nhưng không dám mơ là sẽ được ân xá hay giảm án. Tôi cải tạo tốt là để tích lại chút đức cuối cùng cho con, cho ngày mình về với gia đình được thanh thản. Tôi mơ ước, khi mãn hạn tù, sẽ mở một tiệm bán hàng nhỏ ở nhà, bán những đồ gia dụng, kiếm đủ tiền để sống những ngày còn lại, không phải nhờ vợ, con là tốt rồi”.

Đó là mơ ước và nó sẽ thành sự thật, nếu như “ông trùm” thực sự muốn cuộc sống của những ngày còn lại của mình yên bình, thanh thản, giản đơn như vậy.

(Theo ĐSPL)