Những ngày qua, dư luận bất bình trước việc một số trang mạng đã tường thuật tiếp lời bị cáo Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên) như một chính trị gia. Bình luận về điều này, luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, các trang mạng đang tiếp tay cho các sai phạm của bầu Kiên.
Lời bầu Kiên được tường thuật trực tiếp như chính trị gia! |
Dù tòa chưa tuyên án nhưng diễn biến phiên tòa những ngày vừa qua được nhân dân theo dõi tường thuật trực tiếp như một trận bóng đá trên truyền hình và bầu Kiên là ngôi sao đang thỏa thích được diễn trên sân cỏ, có đôi lúc bị cáo Kiên được phát biểu như một chính trị gia được các trang mạng tường thuật nguyên trạng bài phát biểu hoặc tường thuật thông qua clip ghi lời bị cáo Kiên phát biểu.
Các luật sư có sự so sánh, có phiên tòa thì hạn chế thông tin, có lúc còn bị cấm, nhưng tại sao những bị cáo như bầu Kiên, Dương Chí Dũng lại được ưu ái đến như vậy? Nhiều nhà báo còn khó hiểu khi theo dõi diễn biến của vụ án, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử tòa án các trang mạng được tỏa thích tường thuật trực tiếp phiên tòa như vậy.
Luật sư Trần Viết Hưng và luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, báo chí đã được các cơ quan tạo điều kiện tác nghiệp ở phiên tòa thì cũng cần phải đưa thông tin khách quan, trung thực, không được nghiêng về phía nào, bởi nếu tường thuật lời nói của một ai đó, kể cả Hội đồng Xét xử (HĐXX), mà có lợi thì dễ khiến dư luận nhầm tưởng rằng, còn thiếu các cơ sở pháp lý và không khách quan.
Qua theo dõi vụ án bầu Kiên và đồng phạm, luật sư Đức và luật sư Hưng đều cho rằng, một số trang mạng đang tiếp tay cho các sai phạm của bầu Kiên, bởi họ tường thuật quá chi tiết lời nói, phát biểu của bầu Kiên tại phiên tòa, trong khi đó những lời đối đáp qua lại của các luật sư, HĐXX thì họ không tường thuật, không nói rõ. Họ còn chụp những hình ảnh cười, nói, thể hiện sự ngông nghênh của bị cáo Kiên trước công đường.
Khi giật tít thì rất hiếm thấy những tít bài về luật sư hay HĐXX, vào google tìm kiếm thì gặp vô số những tít bài mang tính bênh vực, định hướng dư luận có lợi cho bầu Kiên như: Viện kiểm sát (VKS) vẫn quyết truy tố bầu Kiên 4 tội danh; “Vụ lừa đảo chỉ là giao dịch dân sự”; Không ai bị lừa, sao mang tội lừa đảo?; Các bị cáo thay nhau "đổ" trách nhiệm cho bầu Kiên; Huỳnh Huyền Như kể lại vụ “chơi xỏ” bầu Kiên; Quyền lực của bầu Kiên ở ACB không lớn như đồn thổi; Liệu có kết tội được các cựu lãnh đạo của ACB nếu chiếu theo đúng luật?; Vụ án Nguyễn Đức Kiên: Các bị cáo đều nói không làm gì trái luật…
Có những tít bài lái dư luận sang những việc như cơ quan tố tụng đang làm quá, đặt điều là các doanh nghiệp dễ bị cơ quan bẫy như: Xét xử bầu Kiên: Luật sư trăn trở về bẫy doanh nghiệp; Vụ bầu Kiên: Bàn về nguyên tắc áp dụng, giải thích luật; Cảnh tỉnh giới tài chính ngân hàng sau vụ bầu Kiên; Vụ bầu Kiên: Kiến nghị "chưa từng có" trong lịch sử tố tụng; “Giải mã” 22 câu hỏi về vụ án ‘bầu” Kiên từ góc độ luật sư; Thiếu tiếng nói của các tổ chức xã hội trong vụ án bầu Kiên.
Ngoài ra, có nhiều tít bài tường thuật trực tiếp phiên xét xử theo từng ngày, tường thuật lời nói của Kiên: [Trực tiếp] Phiên tòa sơ thẩm xét xử bầu Kiên ngày thứ tám; Toàn bộ lời nói sau cùng của bầu Kiên trước HĐXX; Chi tiết lời nói sau cùng trước tòa của bầu Kiên; Bầu Kiên nghẹn ngào khi nói lời sau cùng tại toà; Lời cuối tại tòa, bầu Kiên "mơ" Việt Nam vào World Cup; Bầu Kiên nói về đạo đức và tình bạn...
Đôi lúc, có trang mạng còn “dọa nạt” HĐXX và các cơ quan tố tụng bằng những tít bài như: Bầu Kiên muốn khiếu nại lên Tổng Bí thư và ông Nguyễn Bá Thanh; Nguyễn Đức Kiên: “Cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ kinh tế”; Nói lời sau cùng, bầu Kiên tố đích danh nhiều cán bộ điều tra; Bầu Kiên 'tố' cơ quan cảnh sát điều tra bưng bít thông tin; Bầu Kiên lo lắng vì đã tố cáo cơ quan điều tra; Luật sư kiến nghị tuyên bầu Kiên vô tội và khởi tố thêm vụ án.
Nhân dân cả nước đã không khỏi bất ngờ trước “chất ngông” của bị can Nguyễn Đức Kiên khi theo dõi phiên xét xử. Trước công đường, bầu Kiên khi thì ngồi thì khoanh tay, lúc đứng chắp tay sau lưng, luôn hướng đôi mắt sắc lẹm nhìn thẳng, khóe miệng hơi nhếch, có lúc cười tươi tay chỉ thẳng vào HĐXX. Trong bộ quần áo chỉn chu, phong thái tự tin đầy áp đảo người đối diện, luôn vung tay khi nói chuyện, nếu không có bóng dáng của những cảnh sát kề bên, không ai nghĩ ông ta đang đứng trước vành móng ngựa. Ở phần trả lời thẩm vấn tại tòa, không như nhiều bị cáo khác, khi đối diện với HĐXX, ít nhiều đều bị “cái uy” của các thành viên trong HĐXX “trấn áp”, bị cáo Kiên, với gương mặt lạnh lùng, chắp tay sau lưng, sang sảng trả lời thẩm vấn, không khác gì một quan chức đang diễn thuyết tại nghị trường!
Cũng đã có rất nhiều phản ánh mang theo sự bức xúc của cử tri được giãi bày với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Hà Nội trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII. “Tham nhũng là thế nhưng pháp luật chưa thể hiện nghiêm minh” là ý kiến của cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh). Ông Quy minh chứng cho ý kiến của mình bằng vụ bầu Kiên: Đưa ra toà rồi thiếu bị cáo nên phải hoãn! Dân rất là buồn vì nó mất đi tính nghiêm minh pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, toà triệu tập những người có liên quan, họ không đến hoặc cử những người không đủ thẩm quyền giải quyết làm mất đi tính trang nghiêm của pháp luật. Ông Phạm Quy kiến nghị phải tránh tình trạng xét xử như vậy vì nó khiến người ta buồn cười. Phải làm nghiêm, kiên quyết, đến nơi, đến chốn, bất kể là ai để những hoạt động chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
Cơ quan điều tra truy tố đúng người, đúng tội
Quá trình thẩm vấn các bị cáo công khai, đối đáp với luật tại tòa cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố với các bị cáo. Điều này cho thấy các cơ quan điều tra Bộ Công an đã điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, các cơ quan tố tụng có đầy đủ chứng cứ phạm tội đến đâu, kết luận đến đó theo đúng quy định của luật.
Mặc dù toà án chưa đưa ra phán xét cuối cùng trong vụ án bầu Kiên cùng đồng phạm, nhưng với những luận cứ, căn cứ về hành vi kinh doanh trái phép của bầu Kiên mà VKS đưa ra, có thể nhận thấy một điều rõ rệt: Bầu Kiên đã dựng lên một “ma trận” từ chuỗi quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng - doanh nghiệp từ chính những ngân hàng, doanh nghiệp mà người đàn ông này nắm cổ phần, sở hữu.
Trong chuỗi quan hệ trên, ngân hàng là người có tiền và kinh doanh tiền, còn doanh nghiệp lại là người cần tiền để đầu tư kinh doanh, sản xuất để sinh lợi nhuận. Như vậy, chưa cần phân tích sâu cũng có thể thấy, ngân hàng và doanh nghiệp tự bản thân nó đã có những mối quan hệ vô cùng mật thiết và gắn bó không thể tách rời, mối quan hệ đó có tính chất qua lại. Và khi mối quan hệ này được chi phối bởi một cá nhân hay nhóm lợi ích sẽ tạo ra sự lũng đoạn thị trường.
Trong vụ án bầu Kiên cùng đồng phạm, VKS đã chỉ ra rằng: “Các tổ chức, doanh nghiệp trong vụ án này ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác, thì còn chịu sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng”. Qua thẩm vấn, xác định các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm với động cơ riêng, vì lợi ích nhóm, lợi ích cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ACB, cùng biết sai, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình nên phải chịu trách nhiệm chung.
Về tội “trốn thuế”, đại diện VKS cho rằng, Công ty B&B ký ủy thác cho ACB thực hiện đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam sau đó Nguyễn Thúy Hương ký với B&B hợp đồng ủy để chuyển số lãi qua việc kinh doanh vàng qua cá nhân Nguyễn Thúy Hương. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỷ. Đại diện VKS cho rằng, B&B không được cấp phép kinh doanh nhận ủy thác. Nguyễn Thúy Hương không đủ điều kiện kinh doanh vàng. Do đó, hoạt động trên là trái quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Trong năm 2009 và 2010, B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận, thuế thu nhập doanh nghiệp của B&B là 25 tỷ. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội đã thanh tra thuế tại B&B và kết luận truy thu thuế, xử phạt B&B nhưng B&B không kê khai khoản thu từ kinh doanh vàng như trên. Do đó, đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Hương để chuyển lợi nhuận của B&B cho Hương rồi Hương chuyển lại cho Nguyễn Đức Kiên. VKS cho rằng có đủ căn cứ kết luận về hành vi “trốn thuế”.
Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS cho rằng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên có biết số cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát thuộc sở hữu của ACBI chưa được giải chấp nhưng vẫn chỉ đạo ra Nghị quyết HĐQT, chỉ đạo Kế toán trưởng và Giám đốc ACBI lập hợp đồng bàn cổ phần cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát. Mặt khác, Giám đốc Trần Ngọc Thanh và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến cũng biết số cổ phần trên chưa được giải chấp, do vậy cả 3 bị cáo Kiên, Thanh, Yến đều phạm tội. Dù Yến cho rằng làm theo chỉ đạo của Kiên nhưng với trách nhiệm là Kế toán trưởng, Yến vẫn phải chịu trách nhiệm như quy định của pháp luật, Yến là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với vai trò Giám đốc ACBI, Trần Ngọc Thanh đã không làm hết chức năng nhiệm vụ, là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo. Nguyễn Đức Kiên sử dụng số tiền lửa đảo nên phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Về tội “cố ý làm trái”, đại diện VKS cho rằng quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã cho thấy các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm trái. Làm với động cơ, mục đích lợi ích nhóm. Lợi ích này cho riêng ACB trong đó có nhóm lợi ích cá nhân của các bị cáo. Các bị cáo làm trái với mục đích, động cơ vụ lợi nên phải chịu trách nhiệm chung. Về chủ trương của Thường trực HĐQT ACB đầu tư mua cổ phiếu gây thua lỗ cho ACB 687 tỉ đồng, đại diện VKS cho rằng chủ trương này đã được đưa ra bàn bạc rất kỹ, rất sâu, rất cụ thể tại cuộc họp. Sau đó giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Công ty ACBS (là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) mua cổ phiếu của chính ACB.
“Các bị cáo đã bàn bạc để giữ bí mật về việc này. Khi tiến hành thực hiện, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Chứng khoán ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty ACI và ACI Hà Nội để mua cổ phiếu của ACB. Tiền của ACB lại quay về chính ACB. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp đồng hợp tác đầu tư. Tôi có thể gọi tên dòng tiền này là đường vòng tội lỗi” - đại diện VKS kết luận. Lời khai của các bị cáo cũng thừa nhận bản chất số tiền mua cổ phiếu ACB chính là của ACB. Các bị cáo cũng khai việc đặt lệnh mua là do bị cáo Kiên chỉ đạo. Các bị cáo cũng thừa nhận hậu quả. Về việc ACB khăng khăng cho rằng ACB không thiệt hại, đại diện VKS cho rằng đó là nhằm tránh tội cho các bị cáo. Về việc ủy thác gửi tiền, đại diện VKS cho rằng thời điểm đó Luật các Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Các bị cáo liên quan đồng ý chủ trương ủy thác cho cá nhân đem tiền đi gửi là trái pháp luật, không đúng với Luật các Tổ chức tín dụng, trái với giấy phép hoạt động của ACB (chỉ được tiếp nhận ủy thác chứ không được ủy thác). VKS khẳng định, các nhân viên ACB không nắm được nghĩa vụ, trách nhiệm nào ngoài việc đến ký hợp đồng gửi tiền tại VietinBank mà chỉ thông qua Huỳnh Bảo Ngọc. Như vậy, ACB đã không làm đúng trách nhiệm. Hậu quả của việc làm trái này như Huyền Như đã thừa nhận là số tiền đã bị chiếm đoạt.
Kết luận, đại diện VKS cho rằng, chủ trương ủy thức gửi tiền không đúng quy định và số tiền đó của ACB đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Do đó, việc truy tố của VKS là có căn cứ.
Vụ án bầu Kiên và các đồng phạm đang được các cơ quan tố tụng thực hiện đúng trách nhiệm của mình và đang được dư luận cả nước hết sức quan tâm, dõi theo và kỳ vọng vào sự công tâm của người giữ “cán cân công lý”. Các luật sư đề nghị các cơ quan truyền thông khách quan, trung thực khi thông tin, không được tiếp tay cho các sai phạm.
(Theo Thanhtra)