Đầu thế kỷ 20, giả thử có ai nói chỉ chục năm nữa thôi con người ta sẽ bay lượn trên bầu trời bằng những chiếc máy nặng nề, to tướng, có lẽ mọi người sẽ bảo anh chàng này sống trong mơ mộng viễn tưởng.

Cái may là nay, nếu có ai nói chỉ chục năm nữa thôi, người ta sẽ đi trong những chiếc xe không người lái, tự động chạy trên đường phố, thả chủ xe xuống chỗ làm rồi tự động chạy ra ngoại ô nằm chờ, không ai dám cười, bảo anh chàng này suy nghĩ viển vông.

Đó là bởi loại xe không người lái đã trở thành hiện thực, ít nhất là ở Mỹ và tập đoàn đứng đằng sau nỗ lực phát triển loại xe không người lái này đủ tiềm lực, cả tiền bạc lẫn trí tuệ để thuyết phục ngay cả người hoài nghi nhất: Google. 

{keywords}

Xe không người lái do Google thiết kế và sản xuất dự kiến sẽ xuất hiện trên đường phố vào cuối năm nay. Ảnh Internet

Một số yếu tố kỹ thuật

Thật ra Google đã nghiên cứu loại xe không người lái đã mấy năm nay nhưng chỉ là cải biến các xe sẵn có như Toyota Prius hay Lexus bằng cách trang bị cho chúng máy ảnh, máy tính, máy dò tìm bằng laser...

Nay Google cho thiết kế và sản xuất một loại xe đặc biệt hoàn toàn dùng cho mục đích thử nghiệm xe không người lái. Chiếc xe hai chỗ ngồi này đáng chú ý ở những đặc điểm mà nó không có: không có tay lái, không có bản điều khiển, không có bàn đạp thắng, chân ga. Kính xe làm bằng nhựa để bảo đảm an toàn, tốc độ xe tối đa giờ mới chỉ 25 dặm/giờ (40km/g).

Hiện Google có kế hoạch sản xuất vài trăm chiếc xe này và bắt đầu cho chạy trên đường phố vào cuối năm 2014. Dĩ nhiên trên xe đều có một người kiểm soát, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống bất trắc. Xe chạy bằng điện nên cũng góp phần giảm ô nhiễm, giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đến đây mọi người có thể thắc mắc, làm sao Google dám cho xe không người lái chạy khơi khơi ngoài đường vậy? Ai dám bảo đảm không xảy ra trục trặc, gây tai nạn cho người khác thì sao? Về mặt luật lệ thì bang Nevada là nơi đầu tiên trên đất Mỹ cho phép xe tự động chạy trên đường vào năm 2012, sau đó là bang Florida rồi California... Các nơi này chỉ cấp phép cho loại xe tự động ở mức độ thí nghiệm thôi chứ chưa phải cho chạy bình thường. Đến nay Google đã cho xe không người lái (loại cải biên) chạy hơn 1 triệu cây số ở khắp mọi nẻo đường trên nước Mỹ rồi.

Ngoài Google, các hãng xe lớn như Toyota hay GM đều đang xây dựng phiên bản xe không người lái riêng của họ và đều hứa hẹn có xe loại này trong showroom trong vài năm tới. Có thể thoạt tiên xe vẫn có hai hệ thống, tự động và có người lái. Khi cần người sử dụng chỉ cần chuyển sang chế độ tự động thì xe sẽ chạy như máy bay bay ở chế độ không cần phi công.

Một cuộc cách mạng lối sống?

Đến khi chiếc máy bay đầu tiên đã cất cánh, có lẽ mọi người cũng còn hoài nghi rằng, đồ chơi này hay thì hay nhưng không mang tính thực tiễn. Ai cũng nghĩ làm sao có thể chế tạo chiếc máy bay khổng lồ chở đến vài ba trăm người, bay vượt cả đại dương không ngưng nghỉ trong mười mấy tiếng! Thế nhưng tất cả đều trở thành chuyện bình thường.

{keywords}

Loại xe không người lái mà Google cải biên từ các loại xe thông thường đã chạy thử nghiệm hơn 1 triệu cây số trên đất Mỹ. Ảnh Internet

Vậy nên chúng ta cứ để trí tưởng tượng thả lỏng một chút và hình dung có ngày không xa, xe không người lái sẽ là chuyện bình thường. Thậm chí ra đường, ai tự lái xe bị xem là nhà quê, dễ gây tai nạn và đến lúc con người bị cấm, không được tự điều khiển xe nữa.

Cái lợi của xe tự động nhiều lắm. Xét về mặt an toàn, phản ứng của máy móc chắc chắn nhanh hơn phản ứng của con người, lại không bị lệ thuộc vào các yếu tố như bình tĩnh hay nóng giận, lo sợ hay liều mạng, buồn ngủ hay tỉnh như sáo. Nhất là khi các xe được kết nối để có liên lạc thông suốt với nhau, chúng sẽ phối hợp với nhau một cách hài hòa nên không còn cảnh kẹt xe, chen nhau, hay không hiểu ý nhau.

Thử tưởng tượng, lúc đó chủ xe không còn phải tiêu tốn thì giờ ôm vô-lăng chăm chú quan sát đường thì nay có thể dùng thời giờ đó để làm nhiều chuyện khác – biết đâu lúc đó thói quen đọc báo lại bùng nổ trở lại! Chủ xe cũng không lo chuyện tìm chỗ đỗ xe, cứ tới nơi muốn tới thì thả cho xe chạy đâu thì chạy, khi cần nhắn tin cho nó đến đón về.

Và như thế rõ ràng ý tưởng mỗi người có một chiếc xe là hoàn toàn lãng phí. Cả thành phố sẽ có những đoàn xe không người lái, chạy lang thang và bất kỳ ai có nhu cầu sẽ có ngay chiếc gần nhất đến đón. Hiện nay đa phần các ô tô chỉ được vận hành một thời gian ngắn trong ngày, còn lại là nằm không rất uổng phí.

Với những đoàn xe không người lái như thế, con người sẽ không còn phải lo là nên sống trong thành phố hay ra ngoại ô; ai chở con đi học, ai chở vợ đi chợ mua sắm.

Diện mạo xe cũng sẽ thay đổi; bên trong xe sẽ sắp xếp lại trở thành một nơi thư giãn, để đọc sách, xem phim.

Nếu trước đây công nghệ ô tô phát triển ở Mỹ đã làm biến đổi bộ mặt các thành phố Mỹ, làm cuộc sống ở khu ngoại ô sôi động hơn, sang trọng hơn các khu nhà chen chúc trong nội thị, các thành phố ngày càng dãn rộng ra thì chưa biết công nghệ ô tô không người lái sẽ dẫn xã hội đi về đâu. Sẽ có hàng loạt hoạt động kinh doanh biến mất và hàng loạt hoạt động kinh doanh khác thế chỗ. Lúc đó bảo hiểm xe sẽ phải khác, nghề lái tắc-xi hay xe buýt sẽ biến mất. Giá nhà đất sẽ thay đổi; địa điểm đặt văn phòng sẽ thay đổi.

Ít ra những người dự tính bỏ tiền đầu tư xây nhà đỗ xe hay bãi đỗ xe cũng sẽ phải cân nhắc tính toán lại dự án của mình.

Điều chắc chắn là xu hướng này sẽ trở thành hiện thực chứ không phải là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Morgan Stanley dự báo xe tự động sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế Mỹ chừng 1.300 tỉ đô-la mỗi năm. Báo cáo của tập đoàn tài chính này cho rằng xe với chức năng tự động cơ bản hiện đã có bán trong showroom, xe bán tự động sẽ xuất hiện trong vòng 18 tháng nữa và xe hoàn toàn tự động sẽ ra đời vào cuối thập niên này.

(TBKTSG Online)