- Nhân viên quá đam mê bóng đá, xin nghỉ việc, thức trắng đêm để xem World Cup khiến công việc bị sao lãng. Các sếp phải đau đầu tìm đủ cách đối phó.
Đua nhau xin nghỉ
Làm việc từ 8h sáng nhưng gần đây, gần 10h mà văn phòng một công ty có trụ sở ở đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) vẫn khá vắng vẻ. Chỉ hơn một nửa số nhân viên trong phòng đi làm đúng giờ. Số còn lại người thì xin đi muộn, người xin nghỉ vì con ốm rồi gia đình có việc riêng.
Chị Trần Hoài Thương - nhân viên công ty, cho biết, phòng làm việc có 12 người, trong đó có 3 nữ và 9 nam. Trước các nhân viên trong phòng thường đi làm sớm, đúng giờ, đều đặn, có khi cả tháng không có ai xin phép nghỉ. Vậy mà, World Cup mới diễn ra được vài ngày nhưng ngày nào cũng thấy có người báo xin nghỉ, không thì xin đi muộn cả 2-3 tiếng đồng hồ.
Nhân viên nam nhiều người thức trắng đêm xem World Cup |
“Biết World Cup là giải đấu bóng lớn, 4 năm mới có một lần nhưng nhân viên nam xin nghỉ nhiều quá khiến công việc loạn hết cả. Người nọ phải làm thay việc người kia. Nhiều khi vì phải làm thay, nhân viên khác cũng thấy bực mình”, chị Thương chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở công ty của chị Nguyễn Thị Châu Giang trên đường Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo lời chị Giang, cả tuần nay, văn phòng làm việc của chị không lúc nào có đầy đủ tất cả các nhân viên. Hôm nay người nay xin nghỉ ốm, mai người kia xin nghỉ vì việc gia đình...
“Sáng vừa đến công ty, sếp đã báo tôi phải hoàn thành hợp đồng cậu Kiên đang làm dở để kịp ký với khách hàng trong buổi chiều. Hỏi lý do thì sếp nói cậu ấy xin nghỉ một ngày vì gia đình có việc. Sếp còn thông báo mọi người làm việc mau lẹ cho kịp tiếp độ vì hôm nay có hai người nữa xin nghỉ nửa ngày”, chị Giang nói.
Ngủ gật trong giờ làm (ảnh minh họa) |
“Thực ra mọi người trong phòng thừa biết lý do nghỉ vì các cậu ấy từng thật thà tâm sự rằng rất ham mê bóng đá, có hôm thức trắng đêm xem. Hệ quả sáng hôm sau mệt không dậy nổi đành xin nghỉ làm”.
Sếp nghĩ chiêu độc trị bệnh
Anh Nguyễn Quang Trung, giám đốc một công ty chuyên về công nghệ thông tin trên đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội), than thở, cả tuần nay anh đau đầu tìm đủ cách đối phó trước việc nhân viên nam công ty thi nhau đi làm muộn, xin nghỉ vì việc riêng. Số còn lại trong giờ làm cũng tranh thủ bàn tán, bình luận về các trận đấu hôm trước, lên mạng tìm hiểu thông tin về các đội bóng để cá độ... Còn việc ở công ty thì bị đình trệ, sao lãng, không tập trung làm.
“Tôi cũng là đàn ông, cũng ham bóng đá như anh em nên thông cảm đôi phần. Nhưng giải trí là giải trí, giải trí mà để ảnh hưởng đến công việc là không được. Đi ngang qua phòng làm việc của nhân viên, chưa đến giờ nghỉ trưa mà nhân viên nam đã kê ghế ngủ từ lúc nào rồi”, anh Trung ngán ngẩm.
Nhân viên nam thi nhau xin nghỉ làm, đi muộn, tranh thủ ngủ vì thức trắng đêm xem các trận đấu bóng mùa World Cup |
Anh Trung cho biết anh vừa phải “tuýt còi” một số nhân viên nam vì có người xin nghỉ, đi làm muộn liên tục, tinh thần làm việc sa sút. Anh cũng ra “tối hậu thư” cho toàn bộ công ty: bắt đầu từ tuần sau, tuyệt đối không xin nghỉ làm vì lý do “gia đình có việc riêng”, con ốm hay bản thân ốm phải có giấy của viện, phòng y tế... xác nhận, nếu không thì sẽ bị phạt tiền, bị coi là nghỉ không phép.
Tương tự, anh Trần Văn Hiếu - giám đốc một công ty trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, HN) cũng cho biết, sau một tuần vắt óc nghĩ chiêu đối phó với nhân viên ham bóng đá, sao lãng công việc, để chấm dứt tình trạng nhân viên đua nhau xin nghỉ làm, xin đi muộn, anh quyết định họp khẩn toàn công ty và ra “tối hậu thư”.
Theo đó, bắt đầu từ tuần tới, nhân viên nào đi muộn 10 phút trở lên sẽ bị phạt 150.000 đồng, trong giờ làm việc bắt gặp nhân viên nào bàn tán và mạng đọc tin tức bóng đá hay trốn đi ngủ bị phạt từ 50.000-100.000 đồng. Một tháng, không xin nghỉ vì lý do gia đình có việc riêng quá 1 ngày...
Theo anh Hiếu, xem bóng đá là nhu cầu giải trí của mọi người, không ai có quyền cấm. Tuy nhiên, mỗi nhân viên cũng phải biết chọn lọc, trận nào nên xem trận nào không để bảo đảm sức khỏe, không để ảnh hưởng đến công việc.
Bảo Hân