Những khó khăn thị trường tài chính 3 năm trở lại đây khiến nhiều ngân hàng bộc lộ những yếu kém từ quản trị thanh khoản, kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hệ thống… khiến các ngân hàng thương mại phải nâng tầm quản trị rủi ro.

Cái khó của ngân hàng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), vấn đề quản trị rủi ro đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế cảnh báo từ rất lâu, thậm chí có nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện hệ thống quản trị rủi ro tại các ngân hàng, nhưng kết quả không quá lớn.

Một trong những nguyên nhân, theo TS. Lê Xuân Nghĩa là do đặc thù của hoạt động ngân hàng Việt Nam là thu nhập trên 70% đến từ tín dụng, có ngân hàng cá biệt còn đến hơn 90% nên hầu hết các ngân hàng chủ yếu chú trọng tới rủi ro tín dụng. Rất ít chú trọng tới công tác quản trị cho các loại rủi ro khác, dẫn đến khi thị trường tài chính tiền tệ biến động, khó khăn, một loạt ngân hàng rơi vào rủi ro mất thanh khoản.

“Ít ngân hàng Việt Nam có được hệ thống quản trị rủi ro tốt”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Trên thực tế, rủi ro ngân hàng khá đa dạng, ngoài 3 loại rủi ro chính là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động cũng bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro tuân thủ, rủi ro hệ thống, rủi ro công nghệ thông tin, rủi ro về tài sản, rủi ro về con người…

Mô hình phòng thủ “vàng”

Tại Việt Nam, một trong những hệ thống quản trị rủi ro được một số ngân hàng áp dụng thành công và được các chuyên gia quốc tế khuyến nghị áp dụng rộng rãi là mô hình 3 tuyến phòng thủ và quản trị rủi ro toàn hàng.

Ông Anil Kuma Parimoo, Giám đốc khối quản trị rủi ro của Techcombank cho biết, điểm ưu việt của mô hình 3 tuyến phòng thủ và quản trị rủi ro toàn hàng đó là tất các thành viên trong hệ thống đều phải tham gia vào quá trình quản trị rủi ro. Do vậy, mô hình này đảm bảo mọi rủi ro trong mỗi tác vụ của ngân hàng được nhận diện, kiểm soát và giảm thiểu ở mức thấp nhất.

{keywords}

Theo chia sẻ của ông Anil, 3 tuyến phòng thủ tại Techcombank được xây dựng bao gồm: Tuyến phòng thủ thứ nhất là các khối kinh doanh, bán hàng, các chuyên viên khách hàng, chi nhánh, các đơn vị vận hành tại hội sở,... Nhiệm vụ chính của các đơn vị này là xác định, đánh giá, ngăn ngừa, báo cáo và theo dõi các rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh (cho vay) và các quy trình vận hành khác; bảo vệ lợi ích của đơn vị thông qua việc tự đánh giá rủi ro và kiểm soát tính hiệu quả của từng đơn vị.

Tuyến phòng thủ thứ 2 chính là Khối quản trị rủi ro và Khối tuân thủ, quản trị rủi ro hoạt động và pháp chế. Nhiệm vụ của tuyến này là rất nhiều, nhưng quan trọng hơn cả là độc lập đánh giá và kiểm soát (kiểm tra và cân đối) tính hiệu quả của hệ thống ở tuyến phòng thủ thứ nhất; quản lý rủi ro chính thông qua việc thiết lập khẩu vị rủi ro/chính sách cho vay, xây dựng quy trình/hướng dẫn tín dụng và cho vay, theo dõi, cảnh báo sớm, quản trị danh mục…, giám sát các chương trình kiểm soát nội bộ, tuân thủ, ….

Tuyến phòng thủ thứ ba là bộ phận Kiểm toán nội bộ, đây là bộ phận trực thuộc Ban kiểm soát và không thuộc Ban điều hành của ngân hàng nên việc đánh giá với 2 tuyến phòng thủ trước và các rủi ro có thể xảy ra được độc lập và khách quan.

Mô hình phòng thủ này, nói thì rất đơn giản, nhưng theo các chuyên gia thì để mô hình vận hành thành công đòi hỏi sự đầu tư rất tốn kém cả về tiền bạc, thời gian. Điều quan trọng là để thực hiện thành công đòi hỏi sự tuân thủ đầu tiên từ lãnh đạo ngân hàng, bởi không ít người ngại những “quy định rối rắm” của quản trị rủi ro làm cản ngân hàng chớp những cơ hội kinh doanh tốt.

Đánh giá về hệ thống Quản trị rủi ro hoạt động tại Techcombank,  ông Anil cho biết, kết quả quan trọng sau một thời gian tuân thủ nghiêm ngặt mô hình quản trị phòng thủ 3 lớp tại Techcombank là các chuẩn mực an toàn đã được tuân thủ và dần tiệm cận với các chuẩn mực quản trị tiên tiến thế giới, đặc biệt, tạo nên văn hóa ý thức và kiểm soát rủi ro trong mỗi nhân viên của ngân hàng. Mỗi cá nhân từ chuyên viên khách hàng tới nhân viên các khối hỗ trợ đều phải tuân thủ quy định, quy trình và ý thức được trách nhiệm đánh giá, phát hiện sớm rủi ro và tìm cách ngăn ngừa các rủi ro phát sinh. Tức là đảm bảo việc quản trị rủi ro được thực hiện bởi cả hệ thống chứ không chỉ riêng trách nhiệm của Khối quản trị rủi ro.

Doãn Phong