-Hết chuyện nem làm từ bì lợn thối, ép chín bằng hóa chất... thì mấy ngày nay lại xôn xao chuyện đặc sản nem chua Thanh Hóa được chế biến trên nền đất bẩn nhầy nhụa, cạnh nhà vệ sinh lộ thiên khiến nhiều người kinh hãi.

Nhiều người cho rằng, chỉ vì ham lợi nhuận nên một số cơ sở sản xuất nem chua bất chính đang làm ảnh hưởng tới món đặc sản truyền thống của xứ Thanh, khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang.

Rùng rợn nem bẩn

Xưa nay, nói đến đặc sản nem chua Thanh Hóa, thực khách nào cũng khoái, nhất là với dân nhậu. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy kinh hãi với quy trình sản xuất nem chua bẩn, mất vệ sinh được anh L. X. H. chia sẻ trên facebook cá nhân.

Theo lời anh L. X. H., vào ngày 20/6/2014, sau khi nghỉ mát ở biển Hải Tiến, Thanh Hóa, khi đi qua Bỉm Sơn, cơ quan anh có vào cửa hàng nem chua khá to, dự định mỗi người mua một ít làm quà. Sau khi đi qua chỗ làm nem, anh được chỉ dẫn đi xuống nhà đi vệ sinh. Song, anh hãi hùng khi phát hiện một đống da lợn được ngâm, cắt dưới nền nhà bẩn thỉu cạnh chỗ vệ sinh lộ thiên.

"Nhìn cảnh tượng này mình thực sự sốc, khiếp đảm không dám mua nem gì, và cả xe mình cũng không ai còn tâm trạng nào mua nem chua về ăn nữa. Mình chụp trộm ảnh để anh em biết mà đề phòng" - anh H. cho hay. Kèm theo đó, anh H. không quên đăng tải những bức hình vềi quy trình xử lý nguyên liệu làm nem chua đáng sợ này.

{keywords}

Hình ảnh quy trình chế biến nem chua trên nền đất bẩn ở Thanh Hóa được chia sẻ trên mạng xã hội

Trước đó, vào giữa năm 2013, báo chí cũng đăng tải hàng loạt thông tin về chuyện đặc sản nem chua Thanh Hóa được chế biến từ bì lớn thối và ép nem chín bằng hóa chất.

Theo thông tin các báo đã đăng tải, tại một cơ sở sản xuất nem ở Thanh Hóa, trong một căn phòng khoảng 45m2 nồng nặc mùi hôi của thịt, bì lợn, rác rưởi, hóa chất, có hàng chục công nhân hì hục làm nem. Tất cả các công nhân này đều dùng tay trần để nhào trộn thịt. Nhiều đống bì lợn đã bốc mùi hôi thối vứt bừa bãi dưới nền gạch bẩn, ẩm ướt.

Hóa chất dùng để làm trắng bì lợn được xuất xứ từ Trung Quốc và có thể mua ở các chợ, với 2 dạng nước hoặc bột. Thịt được ngâm lâu ngày đã chuyển sang màu tái và có mùi chua chua bốc lên. Mùi chua này nhanh chóng bị xử lý bởi các gia vị được trộn lẫn vào để chuẩn bị cho ra lò những gói nem chua "đặc sản".

Thịt và bì lợn sau khi xay được cho vào một cái thùng lớn rồi trộn đều với gia vị được đựng sẵn trong các can, thùng. Sau đó, hàng chục công nhân xúm lại gói thịt và bì thành những miếng nem nhỏ bằng ngón tay cái, chất thành đống trên nền đất đầy rác rưởi.

Còn nhớ, vào ngày 7/2/2014, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cũng phải tiến hành tiêu hủy gần 2 tấn bì lợn không rõ nguồn gốc, đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Theo lời khai của các chủ hàng, số hàng này được nhập lậu từ các tỉnh phía Nam về để cung cấp cho các cơ sở chế biến nem chua ở Thanh Hóa.

"Con sâu" làm hại đặc sản truyền thống

Sau khi biết công nghệ chế biến nem chua bẩn đến kinh hoàng tại một số cơ sở ở Thanh Hóa, trên các diễn đàn, không ít người quyết định tẩy chay món nem này.

{keywords}

Với cách chế biển bẩn đến kinh hoàng như thế này, nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh về món đặc sản nem chua Thanh Hóa sẽ xấu dần đi trong mắt mọi người

Một thành viên cho rằng, "ở đâu cũng vậy, đồng tiền làm mờ mắt người kinh doanh" và kêu gọi mọi người cùng tẩy chay những cơ sở làm ăn bất chính, bẩn, coi lợi nhuận là trên hết để các cơ sở làm nem chua bẩn ở Thanh Hóa không còn đất sống, không gây tiếng xấu cho thương hiệu món đặc sản nổi tiếng cả nước.

Trao đổi với báo chí về việc chế biến nem chua bẩn trên sàn nhà khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua, bà Hiền (chủ cơ sở kinh doanh nem chua H.C) cho biết những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội đúng là được chụp tại cơ sở làm nem chua của bà. Thời điểm các bức ảnh chụp diễn ra tại sân giếng phía sau nhà cách đây ít ngày. Tuy nhiên, người phụ nữ này khẳng định, du khách nọ "đã hiểu nhầm".

Ngoài ra, bà Hiền phủ nhận việc chế biến nem chua dưới sàn nhà và cho biết những thứ vứt trên sàn nhà chỉ là mỡ và da bụng lợn thừa chứ không dùng để chế biến nem chua. Theo bà, những phần thịt dùng làm nguyên liệu đều được bảo quản cẩn thận.  

Khi nhập thịt nguyên liệu về, phần thịt nạc thơm ngon nhất sẽ được tách ra. Toàn bộ phần mỡ và da bụng thừa đều được cắt bỏ và bán lại cho các hộ nuôi cá. "Nem chua chỉ làm bằng thịt nạc", bà Hiền nói.

Tuy nhiên, khi đề cập tới giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì bà Hiền cho hay, việc mở cơ sở tại nhà mới bắt từ đầu năm 2014 nên chưa kịp làm.

Trao đổi với PV VietNamNet về chuyện chế biến nem chua trên nền đất bẩn hay được làm bằng bì lợn thối, ủ nem chín bằng hóa chất... tại một số cơ sở ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ cơ sở nem chua ở TP. Thanh Hóa cho biết, những loại nem đó mọi người không nên mua về ăn.

Ông Thắng cho rằng, đặc sản phải được xây dựng bằng uy tín, bằng chất lượng. Những hàng nem chua bán dọc đường ở khu vực cầu Hoàng Long hay bày bán ở các sạp chợ thường không đảm bảo an toàn vệ sinh.

"Đây chủ yếu là những cơ sở nhỏ lẻ. Họ thu mua nguyên liệu không đảm bảo để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều người tuyên bố tẩy chay, cạch mặt không dám ăn nem chua Thanh Hóa khi biết được quy trình chế biến nem ở những cơ sở làm ăn bất chính đó", ông Thắng nói.

"Nhà tôi làm nem chua đã hơn 30 năm, mỗi ngày xuất bán ra thị trường khoảng 7.000-8.000 cái nem. Để xây dựng thương hiệu, các công đoạn chế biến phải đảm bảo tuyệt đối sạch, công nhân làm phải mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, kiểm tra sức khỏe định kỳ".

Đặc biệt, về nguyên liệu thịt luôn được lấy từ các cơ sở đã được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bì lợn được lấy từ các cơ sở sản xuất giò chả nên luôn đảm bảo hàng trong ngày, còn về phụ gia thì chỉ có thính và mì chính. Sau khi làm xong, nếu vào mùa hè, thời tiết nắng nóng 35 độ C nem phải được ủ 20 tiếng mới chín, còn mùa đông thì để 2 ngày, ông Thắng cho hay.

Bảo Hân