"Bản chất của Hiệp định thương mại song phương - FTA giống như là một trận đấu trên thương trường, ai thông minh sáng suốt thì được nhiều hơn mất, ai dại khờ sơ hở thì mất nhiều hơn được". Ông Ngô Văn Điểm - nguyên Phó trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nhận xét.
90% hàng hóa được hưởng thuế suất 0%
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế: “Đặc điểm nổi bật của thị trường EU là tính bổ trợ rất lớn đối với Việt Nam, nghĩa là ta có các mặt hàng họ cần và họ có các mặt hàng ta cần. Việt Nam xuất khẩu sang EU nhiều mặt hàng dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, máy tính, nông sản, thủy sản, đồ gỗ... trong khi tập trung nhập từ EU các sản phẩm máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa, nguyên vật liệu dệt may, phân bón...
EU tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng hóa là giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu,..v..v.. Đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh so với nhiều nước khác và có nguồn cung tương đối dồi dào, đã tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU”.
Gần đây, trong phiên chất vấn của đại biểu QH diễn ra vào ngày 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Để thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, khai thác mạnh hơn thị trường nội địa (90 triệu dân), từ năm 2011 nước ta đã ký 6 hiệp định thương mại song phong (FTA) với các nền kinh tế lớn trên thế giới, khu vực ASEAN. Từ nay đến năm 2015 dự kiến sẽ hoàn thiện 16 FTA với 55 nước và vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam.
Nhiều cơ hội đang ở phía trước |
Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt khoảng 0,75% tổng giá trị nhập khẩu của EU. Chỉ khoảng 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%, trong đó một phần là nhờ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho một số hàng hoá của Việt Nam. Diện mặt hàng được hưởng GSP còn hạn chế. Chưa kể, xu hướng chung là điều kiện hưởng GSP đối với Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn. EU có rất nhiều quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“EU rất coi trọng các yêu cầu về an toàn đối với sức khỏe con người, về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, hệ thống các biện pháp về kiểm dịch động thực vật SPS, tiêu chuẩn, quy chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp TBT của EU rất phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường EU phải có bài bản và lâu dài” - ông Khánh cho hay.
Ai thông minh sẽ thắng
Dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu, ông Ngô Văn Điểm - nguyên Phó trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng: "Bản chất của FTA giống như là một trận đấu trên thương trường, ai thông minh sáng suốt thì được nhiều hơn mất, ai dại khờ sơ hở thì mất nhiều hơn được".
Thực tế này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp trong nước cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn nữa để có thể vươn lên tận dụng tốt hơn cơ hội mở rộng thị trường trong những năm tới khi Việt Nam thực hiện nhiều hơn các cam kết FTA.
Còn bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Thị trường EU luôn đòi hỏi nhà nhập khẩu phải đáp ứng nhiều chỉ tiêu khắt khe về kỹ thuật. Do vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin về quá trình đàm phán FTA, sớm hoàn thiện các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi; xây dựng kế hoạch để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực; đồng thời nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dùng của thị trường này để đảm bảo khi kết thúc đàm phán, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu.
“Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế trên nhiều phương diện đa phương, khu vực và song phương nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, đồng thời để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, việc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU là một trong các nỗ lực hội nhập kinh tế quan trọng nhất" - bà Nga cho hay.
EU hiện là một trong các thị trường chủ chốt của Việt Nam. Với quy mô 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD, từ năm 2012, EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam.
Trong vòng 12 năm (2001-2013), giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD lên hơn 33,7 tỷ USD năm 2013. Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 24,3 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt trên 9,4 tỷ USD.
Hiệp định FTA Việt Nam-EU là một đòn bẩy lớn thúc đẩy việc xuất khẩu của Việt Nam. Khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% và còn phụ thuộc vào cơ chế GSP. Nếu có FTA với EU, tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên một cách bền vững trên 90% sau một lộ trình ổn định. Có thể nói, đây sẽ là lợi ích lớn nhất của ta khi có Hiệp định EVFTA. Hiệp định sẽ tạo ra một khuôn khổ ổn định và nhất quán cho việc hợp tác giữa Việt Nam và EU để giải quyết các thách thức, vướng mắc về quy định kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU. Hiện đàm phán Hiệp định EVFTA đã diễn ra được 8 phiên. |
Quốc Khánh