- Ngoài quy định cấm ngủ trưa hay bắt buộc phải nói tiếng Anh mà một công ty mới đây đưa ra, nhiều quy định quái gở sếp bắt nhân viên thực hiện tại công sở khiến nhiều người than trời.

Cấm nhân viên mặc... quần

Mỗi công ty đều muốn xây dựng hình ảnh đẹp nhất ngay từ môi trường làm việc và bộ mặt của nhân viên. Từ đó, các sếp điều hành đã nghĩ ra và bắt nhân viên tuân thủ những quy định “khó đỡ” nhằm siết chặt kỷ cương. Trong đó, có những lệnh cấm khiến dân công sở kêu trời vì sự “quái gở” của nó.

Chuyện cấm nhân viên mặc quần có thể là chuyện mới lạ với nhiều người, nhưng đối với công ty chị Phương (Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội) thì được thực hiện đã lâu. Giám đốc điều hành là nam nên ông rất thích nhân viên nữ mặc váy và đã ban hành hẳn một bản quy định riêng về cách ăn mặc của nhân viên. Nghe nói, ông học điều này ở một số công ty của Hàn Quốc và có vẻ tâm đắc lắm. Đó là cấm nhân viên của mình không được diện quần bất kể thời tiết nóng hay lạnh, nắng mưa, cứ là nhân viên nữ là cấm có được mặc quần.

Nhìn một lượt các nhân viên công ty nghiêm túc trong váy áo xúng xính, sếp hài lòng lắm nhưng ông nào có biết đến những bất tiện của nhân viên.

Ngoài ra, một số công ty ở Việt Nam bắt đầu ban hành “lệnh” giới nghiêm về giờ giấc với nhân viên. Xuất phát từ thực tế nhiều dân công sở hay tận dụng giờ làm để tranh thủ việc riêng và lách luật để ra ngoài ăn sáng, uống cà phê đến cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc tại công ty. Vì thế, nhiều sếp ra quy định cụ thể, chẳng hạn ra ngoài chỉ trong vòng 10 phút, đi vệ sinh 5 phút và tổng cộng một ngày chỉ được ra ngoài 3 lần, mỗi lần không quá 10 phút nhằm thiết lập môi trường làm việc kỷ cương.

{keywords}

Bữa trưa tiện lợi của nhiều dân công sở trước lệnh cấm của sếp mới

Chuyện cấm ra ngoài còn có thể còn khắc phục, nhưng có những công ty còn ra quy định cấm nhân viên ăn quà vặt dưới mọi hình thức và cấm mang thức ăn trưa “nặng mùi” đến công ty làm “môi trường ô nhiễm” - khiến không ít nhân viên cảm thấy khó chịu.

Quy định biến thành thơ trào phúng

Chị Phương và các đồng nghiệp đều thắc mắc vì mặc quần trông rất khỏe khoắn, gọn gàng. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa đi đón con thì việc mặc váy là vô cùng bất tiện, vướng víu. Thế nhưng, lệnh sếp đã ban ra thì các nhân viên chỉ còn biết thực hiện, còn chị Phương cũng phải dành một số tiền không nhỏ để may cả chục chiếc váy mặc đi làm.

Trước các quy định có phần nực cười này, một anh đồng nghiệp ở công ty còn nổi hứng làm bài thơ treo lên cuối phòng để chia sẻ với các chị em:

“Công ty vừa niêm yết

Một bảng nội quy đầu

tiên, từ nay đến cuối

Mọi người phải tuân theo

Đầu tiên là cảnh báo:

Đi làm cấm mặc quần

bò, jean, thiếu nghiêm túc

Mất hình ảnh bản thân”

{keywords}

Trước những quy định quái gở, dân công sở giễu lại bằng thơ

Trước quy định về giờ giấc giới nghiêm, rất nhiều dân công sở tỏ ra khó chịu vì có cảm giác tù túng, giam cầm cả ngày 8 tiếng trong văn phòng. Chị Lan Anh (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) tâm sự: “Trước mình có thể đến chấm công ở công ty xong là vòng đi đưa con đến trường hay tranh thủ tạt siêu thị mua ít đồ ăn tối. Nhưng từ khi sếp ra lệnh mỗi nhân viên chỉ được ra ngoài tối đa mỗi lần 10 phút và có hệ thống camera theo dõi nên mình suốt ngày chỉ ngồi lù lù một chỗ”.

Anh Tuấn Tú (32 tuổi, Hà Nội) cùng cùng chung tâm sự. Anh than: “Do đặc thù công việc, hàng ngày mình luôn phải nghĩ ý tưởng cho các chương trình, TVC quảng cáo. Công việc đòi hỏi tính sáng tạo nghệ thuật mà sếp cứ như khư khư giữ nhân viên trong văn phòng. Chẳng như trước đây mình có thể chạy chỗ này một chút nhưng công việc vẫn đạt hiệu quả cao. Khổ nhất là khi nào bị ‘Tào Tháo’ đuổi, cứ 10 phút sếp lại qua phòng hỏi mình đi đâu mà lâu thế, nhiều thế. Lúc đó cũng chỉ biết cười trừ trước quy định bá đạo của sếp.”

Chị Loan (26 tuổi, nhân viên công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội) cười chia sẻ về đủ lệnh cấm liên quan đến bữa trưa của nhân viên. Ông sếp nước ngoài mới về nhận chức ở công ty chị Loan vô cùng bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh ăn quà vặt của anh em trong công ty. Mỗi túm tụm ăn uống, cười đùa vui vẻ ngay trong giờ làm việc. Ông bèn đề yêu cầu phòng hành chính ra văn bản quy định nhân viên không được ăn vặt dưới mọi hình thức, không tụ tập ăn uống trong giờ.

Tiếp đó, mọi người lại tá hỏa khi sếp ra lệnh không được mang đồ ăn trưa “nặng mùi” đến công ty. Từ đó, ai mà mang thức ăn có mùi thì y như rằng phải ra hành lang xử lý xong xuôi mới được mang vào phòng. Mà khổ nỗi, đối với sếp nước ngoài thì món ăn nào của Việt Nam cũng được liệt vào hạng “nặng mùi”. Thế nên, bữa trưa của nhân viên giờ chỉ quanh đi quẩn lại toàn đồ luộc, đồ hấp, hết rau luộc lại đến thịt luộc, không thì làm gói mì ăn liền cho qua bữa. Muốn đổi món thì phải ra ngoài ăn. Có lần, chị Loan cùng đồng nghiệp đi ăn bún đậu mắm tôm và đùa với nhau đến bao giờ sếp mới có thể dùng được món ăn đặc sản này.

Rõ ràng, những quy định từ việc cấm ngủ trưa của một công ty mới đang gây xôn xao dư luận, đến việc bắt nhân viên đeo phù hiệu, trang phục, giới nghiêm giờ giấc... khiến dân công sở khốn khổ, sinh lắm chuyện bi hài. Nó trở thành đề tài sáng tạo bất tận cho dân công sở làm thơ bút tre giễu sếp cho hả lòng hả dạ:

“Ai cũng khó chịu thế

Nhưng cũng chẳng nói gì

Có kẻ còn cười đểu:

“Kệ lão hâm ấy đi!”

Nhị Anh