- Giá xăng tăng giảm kiểu mới, tăng mức nhỏ nhưng tăng liên tục. Cách làm này khiến cho mỗi lần tăng giá không gây quá nhiều biến động. Thế nhưng, việc tăng liên tiếp trong thời gian ngắn lại đẩy giá xăng lên mức cao kỷ lục.

Dồn dập: Hai tuần 2 lần tăng giá

Nhìn lại 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, những cú tăng - giảm tưởng chừng nhịp nhàng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ dồn dập tăng giá hơn trong tương lai.

Nếu như cả năm 2013 có 11 lần điều chỉnh giá thì năm 2014, mới qua 6 tháng, đã có tới 10 lần điều chỉnh. Điều đáng chú ý nhất, mặt hàng xăng đã có tới 5 lần tăng giá mà không giảm giá lần nào. Tổng mức tăng đã là 1.450 đồng/lít. Cộng cả 2 lần tăng giá vừa qua, chỉ trong 10 ngày, giá xăng cũng đã tăng 740 đồng/lít. Mức giá bán lẻ hiện nay đã chạm kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, gần tiến tới 26.000 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diezen cũng tăng 5 lần và 5 lần giảm giá, dầu hoả có 5 lần tăng và chỉ giảm giá 2 lần. Dầu madut cũng chỉ có 2 lần giảm giá và 5 lần tăng.

Nếu so với ngày đầu năm, riêng giá bán lẻ xăng đã tăng mạnh tới 5,9%. Đây rõ ràng là một mức không hề nhỏ.

{keywords}

Hai tuần liên tiếp, xăng tăng giá tới 2 lần

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Quảng lý giá _ Bộ Tài chính, diễn biến giá cả đối với 4 mặt hàng xăng dầu trong 1 tháng gần đây đã tăng liên tục và ở mức cao. Từ ngày 5/6 đến 6/7, xăng A92 đã tăng từ 116 USD/thùng lên đỉnh điểm là 126 USD/thùng ngày 1/7. Biến động lại khó lường, lúc lại xuống 124 USD/thùng. Tuy nhiên, bình quân 30 ngày, xăng A92 đã ở mức 122 USD/thùng.

"Từ đợt tăng giá trước đó vào ngày 23/6 đến nay đã hơn 10 ngày. Do vậy, DN đều được quyền điều hành phù hợp giá cơ sở", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đã linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá nên mức tăng đã giảm bớt. Ví dụ, nếu không sử dụng 500 Quỹ đối với xăng, mức tăng giá còn nhiều hơn, ít nhất là tương đương mức chênh lệch là tới hơn 918 đồng/lít, hay như dầu hoả, sẽ phải tăng tới 437 đồng thay vì mức 130 đồng.

Ông Tuấn cũng cho rằng, không có chuyện chọn thời điểm tăng giá vì lý do tăng thu ngân sách hay vì CPI thấp. Đơn giản là cứ theo đúng Nghị định 84, cách 10 ngày, Bộ lại có một đợt xem xét lại thị trường để đưa ra quyết định điều hành, tăng hoặc giảm hay giữ nguyên.

Theo quy định hiên hành của Nghị định 84, doanh nghiệp sẽ được tăng trong phạm vi 7%. Nhưng tới đây, theo dự thảo Nghị định mới, mức tăng mà doanh nghiệp được phép điều chỉnh chỉ là 3%.

Với mức tăng mới đây, giá xăng mới chỉ tăng 1,6%, dầu diezen mới tăng 1,2%, dầu hoả tăng 1,8% và dầu madut tăng 0,7%.

Nếu Nghị định mới được thông qua, các DN sẽ được phép quyết định mức tăng tuyệt đối với các mặt hàng xăng dầu hiện nay cho mỗi lần điều chỉnh lên tới 750-800 đồng/lít và tần suất là khoảng 15 ngày/lần.

Tăng giá đều vẫn lỗ

Giải thích về nghịch lý, tại sao trước lúc tăng giá, các doanh nghiệp thường kêu lỗ, nhưng hết năm, lại đều báo lãi to, ông Nguyễn Anh Tuấn nói, thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu không báo lỗ.

"Tại mỗi thời điểm điều chỉnh, DN chỉ báo với chúng tôi chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ. Theo quy định của Nghị định 84, Liên bộ Tài chính- Công Thương có quyền điều hành giá theo mức chênh lệch đó nhưng phải đảm bảo đúng tần suất 10 ngày giữa 2 lần điều chỉnh", ông Tuấn nói.

{keywords}

Tăng nhiều, giảm ít chính là một trong những thủ thuật giúp cho các doanh nghiệp xăng dầu không bao giờ bị thiệt.

"Còn để khẳng định DN lỗ hay không, thì phải chờ quyết toán tài chính cuối năm mới biết được", ông cho biết.

Câu trả lời này cũng đã cho thấy, những khoản chênh lệch giá bán lẻ âm so với giá cơ sở của các doanh nghiệp xăng dầu chỉ là thể hiện xu hướng lỗ trong ngắn hạn. Nếu xét từ đầu năm đến thời điểm đó, chưa hẳn doanh nghiệp đã lỗ.

Đơn cử như tính đến hôm 6/7, so với giá cơ sở, giá bán lẻ xăng A92 âm 918 đồng/lít, dầu diezen âm 294 đồng/lít, dầu hoả lỗ 413 đồng/lít và dầu madut lệch mất 427 đồng/kg.

Theo cách giải thích của ông Cục trưởng Cục Quản lý giá, các mức lỗ trên không nói lên thực sự bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Có thể các doanh nghiệp lỗ ít hơn, hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào thực tế, những đơn vị này đã ký được hợp đồng giá tốt như thế nào. Đồng thời, mức lỗ này cũng chỉ là lỗ giả định trong vòng 10 ngày gần nhất. Thực tế, tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xăng dầu hoàn toàn có thể có lãi.

Ví dụ như trường hợp của Petrolimex, theo báo cáo tài chính năm 2013 công bố hồi tháng 4, khối kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn này đã lãi trước thuế tới khoảng 850 tỷ đồng. Dù cho trong năm, nhiều lần ngành xăng dầu kêu khó.

Các doanh nghiệp còn lại với thị phần chỉ vài ba phần trăm như PVOil hay SaigonPetro, mức lãi cũng vào khoảng vài trăm tỷ đồng.

Năm 2013, thị trường xăng dầu Việt Nam có 11 lần điều chỉnh, trong đó, mặt hàng xăng có 6 lần tăng, 5 lần giảm, mặt hàng dầu diezen có 5 lần tăng, 3 lần giảm, dầu hoả có 5 lần tăng, 2 lần giảm và dầu madut cũng có 2 lần tăng, 1 lần giảm.

Nhưng, khi tính tổng hợp lại, giá xăng trong năm này đã có tổng mức tăng là 3.200 đồng/lít, nhưng tổng mức giảm chỉ là 2.160 đồng/lít. Tương tự, dầu diezen cũng đã có tổng mức tăng tới 2.040 đồng/lít nhưng chỉ có tổng giảm là 650 đồng/lít.

Tăng nhiều, giảm ít chính là một trong những thủ thuật giúp cho các doanh nghiệp xăng dầu không bao giờ bị thiệt, dù cho ngành này luôn bị Nhà nước kiềm giá, can thiệp.

Phạm Huyền