- Kinh Đô đang rẽ sang một hướng đi khác. Nó khiến nhiều người đặt câu hỏi về vị thế thống trị của anh em gia đình doanh nhân Trần Lệ Nguyên và Trần Kim Thành - một trong số ít những gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam.

Chuyển mình sau 2 thập kỷ thống trị

Nhắc tới công ty bánh kẹo Kinh Đô, không ít người không biết đến tên tuổi 2 anh em Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên với 2 chức vụ cao nhất nhì và duy trì liên tục hơn 2 thập kỷ qua tại đây. Sự quen thuộc của gia đình họ Trần còn ở vị thế áp đảo của họ trong HĐQT của Kinh Đô, với 5/9 người.

Người anh cả trong gia đình là Trần Kim Thành giữ cương vị Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Trần Lệ Nguyên với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO). Em trai ông Thành và ông Lệ Nguyên là ông Trần Quốc Nguyên cùng vợ ông Thành - bà Vương Bửu Linh và vợ của ông Trần Lệ Nguyên - bà Vương Ngọc Xiềm đều là các thành viên HĐQT.

Sự thống trị của gia đình họ Trần cũng hiện diện trong bộ máy điều hành khi một loạt thành viên khác nắm vị trí phó tổng, kế toán trưởng...

Về sở hữu, trước khi có những biến động lớn gần đây, ông Thành thông qua Công ty MTV PPK (sở hữu 100% vốn) nắm giữ gần 11% cổ phần KDC và cũng là người điều hành Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô nắm 8,8% cổ phần KDC.

Ông Lệ Nguyên nắm một tỷ lệ cổ phần xấp xỉ người anh. Trong khi đó, các thành viên còn lại trong gia đình cũng nắm giữ vài ba phần trăm. Các cổ đông trong nước không liên quan khác chỉ nắm giữ tổng cộng khoảng 7% và còn lại là của khối ngoại như: Deutsche Bank, Ezaki Glico, Dempsey Hill Asia Master Fund, VOF, Vietnam Investment Property Holdings.

Những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, trong kịch bản tái cấu trúc và hàng loạt động thái gần đây như bán cổ phần cho NĐT chiến lược, tour mua sắm trị giá cả nghìn tỷ đồng với các đối tác mới như PhinDeli, Vocarimex, Saigon Vewong để lấn sân sang lĩnh vực mới... khiến nhiều NĐT nghi ngờ về sự co hẹp dần của gia đình họ Trần trong đế chế Kinh Đô.

Cho đến thời điểm này chưa có thông tin về tỷ lệ cổ phần mới của các cổ đông lớn là các thành viên gia đình anh em nhà Trần Lệ Nguyên, nhưng sau đợt phát hành cho các NĐT chiến lược thu về 1.700 tỷ đồng, 5 DN BĐS lớn trong nước đã nắm giữ một tỷ lệ khá lớn cổ phần tại đây như: Trường Thịnh Phát (4,7%), Tháp Láng Hạ (4,61%), Anh Thịnh Lộc (4,61%), Đồng Tâm (2,82%), Thương mại Đồng Tâm (2,07%).

Với hướng đi mới, chiếc bánh Kinh Đô chắc chắn sẽ phải chia thêm ra cho nhiều đại gia khác. Mặc dù vậy, có một điều dường như không thay đổi là ảnh hưởng của gia đình họ Trần tại doanh nghiệp này vẫn rất to lớn và vị trí thống trị dường như không thay đổi nhiều. 

Cuộc chơi lớn hơn

Cùng với sự nổi lên của các ông lớn trong ngành thực phẩm, anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên cũng bắt đầu thay đổi, nhưng sự chuyển hướng của Kinh Đô dữ dội nhất bắt đầu từ cuối năm ngoái và được xác định rõ ràng hơn bao giờ hết sau đại hội cổ đông muộn hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Nhìn vào quá trình phát triển của Kinh Đô, có thể thấy DN này là một trong số ít các nhà sản xuất bánh kẹo có tỷ suất lợi nhuận khá cao, lợi nhuận tăng đều đặn qua các năm.

Nếu chỉ để đảm bảo mức lợi nhuận 15-20%, Kinh Đô có lẽ đã không phải chuyển mình. Tuy nhiên, tham vọng của anh em nhà Trần Lệ Nguyên và Trần Kim Thành có lẽ đã rõ ràng: Kinh Đô không chỉ dừng lại ở mảng bánh kẹo, nhất là trong bối cảnh nhiều ông lớn ngành thực phẩm đang nổi lên và nền kinh tế và tình hình khu vực có nhiều thay đổi.

Sự thay đổi chóng mặt của thị trường thực phẩm tiêu dùng thiết yếu gần đây cũng như sự lớn mạnh của Kinh Đô sau nhiều năm dựa vào mảng bánh kẹo với hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt trong két là cơ sở để hai anh em ông Lệ Nguyên vạch ra hướng đi mới.

{keywords}

Hiện nay, quyền lực vẫn tập trung phần lớn trong tay của gia đình nhà họ Trần.

Kế hoạch dấn thân vào cà phê, dầu ăn và mỳ ăn liền đầy mới mẻ với anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên khiến Kinh Đô phải bỏ tiền mua nhiều thương hiệu lớn trong các ngành này và phải có một số lượng vốn lớn để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Hợp tác với các đại gia khác có lẽ là một lựa chọn không tồi cho một cuộc chơi lớn hơn của nhà họ Trần ở thị trường với hơn 90 triệu dân Việt Nam.

Kế hoạch quy tụ quần hùng để lấn lướt vào những lĩnh vực nóng bỏng nhất đương nhiên phải đánh đổi về tỷ lệ ăn chia. Tuy nhiên, cuộc chơi lớn này dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát của anh em ông Trần Lệ Nguyên.

Sau vụ phát hành 40 triệu cổ phiếu cho các NĐT chiến lược, tỷ lệ sở hữu của các thành viên và DN của các thành viên gia đình ông Lệ Nguyên- Kim Thành tất cả đều đã xuống dưới 10%. Mặc dù vậy, hàng loạt các cổ đông ngoại khác cũng không còn là cổ đông lớn do tỷ lệ cổ phiếu xuống dưới 5%. Cả 5 cổ đông là các DN BĐS vừa mua cổ phiếu phát hành tăng vốn của Kinh Đô cũng không có DN nào sở hữu trên 5%.

Như vậy, quyền lực vẫn tập trung phần lớn trong tay của gia đình nhà họ Trần. Tính tới cuối 2013, Công ty PPK do ông Thành sở hữu 100% vẫn đang nắm giữ khoảng 8,2% cổ phần KDC; Đầu tư Kinh Đô của đại gia này cũng nắm giữ gần 6,9%; ông Trần Lệ Nguyên nắm giữ gần 6,6% và hàng loạt các thành viên gia đình của 2 doanh nhân này vẫn còn nắm vài ba phần trăm.

Điều này đồng nghĩa với các quyết định, đường đi nước bước phần nhiều vẫn tập trung vào nhóm cổ đông lớn gia đình nhà chủ và phó chủ tịch Kinh Đô.

Trên thực tế, quyết định tái cấu trúc DN, lấn sân sang ngành thực phẩm tiêu dùng thiết yếu với 3 lĩnh vực mới là mỳ gói, dầu ăn và cà phê thông qua chiến lược M&A nhắm vào các DN đã có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường... đã được dậm dạp trong khoảng 2 năm qua.

KDC đã sáp nhập thành công NKD, Kido, Vinabico và sắp tới là dồn hết mảng bánh kẹo này cho Kinh Đô Bình Dương. Và trong 10 năm tới, như thông điệp của ông Thành là, Kinh Đô sẽ đầu tư vào các ngành hàng thực phẩm có quy mô lớn, đồng thời gia tăng hợp tác để vươn ra thế giới.

Huấn Tú