Với một quầy hàng nhỏ, thậm chí chỉ là một xe hàng rong, những người buôn bán mặt hàng có giá chưa tới 10.000 đồng này lại có thể lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Kiếm nửa triệu mỗi ngày nhờ cà phê dạo 10.000 đồng

Nghề bán cà phê dạo giá 10.000 đồng/cốc tại thủ đô đang giúp nhiều thanh niên đến từ Nghĩa Hưng, Nam Định kiếm cả chục triệu mỗi tháng. Nổi tiếng nhất trong giới cà phê dạo 10.000 đồng chính là cà phê Thời. Anh Thời (Nghĩa Thái, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã có thâm niên bán cà phê dạo tại Hà Nội cả chục năm nay. Chấp nhận lãi ít, anh nhập cà phê chất lượng tốt, và không pha trộn để giữ hương vị cà phê đậm đà, thơm lâu. Sau nhiều năm, cà phê Thời 10.000 đồng đã có lượng khách nhất định. Hiện nay, hàng ngày anh chỉ cần mang cà phê tới những điểm khách quen.

Bạn cùng làng với anh Thời là anh Dục cũng ra Hà Nội bán cà phê dạo hai năm nay. Quán cà phê di động của anh Dục khá đơn giản: chiếc xe đạp, thùng xốp trữ lạnh, vài chai nhựa đựng đầy cà phê pha sẵn, cốc nhựa uống một lần, thêm chiếc loa rao vặt. Và để quảng bá thương hiệu, anh Dục đầu tư một băng rôn đỏ nổi bật: “Cà phê Dục 10.000 đồng/cốc” in kèm số điện thoại. Thế là đủ cho anh đi khắp phố phường Hà Nội bán cà phê. Nơi nào khách gọi là nơi đó anh tới, phục vụ tận nơi, thu tiền tại chỗ.

{keywords}
Cà phê pha sẵn được chủ hàng đựng trong các chai nhựa 1.5 lít, có khách sẽ pha thêm đường, sữa, đá tùy yêu cầu.

Có mối cà phê quen ở Buôn Ma Thuột, anh Dục thường nhập buôn cà phê bột tận gốc với giá chỉ 90.000 đồng/kg. Anh cho biết, trung bình một ngày bán được 6 lít cà phê, tương đương 80 cốc. “Thế là lãi cũng được 400.000- 500.000 rồi", anh tiết lộ. Vậy là mỗi tháng, anh Dục lãi khoảng từ 12 - 15 triệu.

Hành nghề đơn giản nhưng trời mùa hè nắng nóng, đi lại nhiều nên nhanh mệt, anh Dục chỉ bán cà phê dạo vào buổi sáng và tối. Khách hàng của các quán cà phê dạo 10.000 đồng cũng rất đa dạng: học sinh, sinh viên, dân kinh doanh, khách văn phòng. Điểm khiến khách hàng mê tít cà phê 10.000 đồng chính là phục vụ tận nơi với giá rẻ mà chất lượng cũng ngon không kém gì các quán sang trọng

Bán nước mía, lãi 3 triệu đồng/ngày ở TP HCM

Những ngày nắng nóng cực điểm tại TP HCM, nhiều hàng nước mía kiếm được bộn tiền. Trên đoạn đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) có đến gần chục xe nước mía siêu sạch.

Chị T. - một người bán nước mía lâu năm - cho biết: "Bán thứ đồ uống này được nhất là mùa nắng nên ai cũng tranh thủ. Nếu như bình thường chỗ tôi bán được khoảng 100 ly/ngày thì vào mùa này có khả năng được 400 - 500 ly/ngày".

{keywords}
Hàng nước mía luôn đông đúc ngày nắng nóng.

Hay như khu Nam Long (quận 7), đỉnh điểm những ngày nắng nóng có thể giúp các chủ quán nước bán được 1.000 ly/ngày - con số trong mơ mà bất kỳ chủ hàng nước nào cũng muốn.

Một chị phục vụ ở đây cho biết: "Khách đông không kịp thở, có người vừa vào làm một ngày là 'bỏ của chạy lấy người' luôn vì chạy bàn quá đuối".

Theo tìm hiểu, trung bình một ly nước sẽ có giá thành bằng 1/2 giá bán ra. Ví dụ, nước mía đá sau khi trừ chi phí như đá và mía ép có giá thành khoảng 1.500 đồng/ly, được bán ra với giá 4.000 - 5.000 đồng/ly (lãi 2.500 - 3.500 đồng/ly). Nếu tính tổng, con số lãi của các tiểu thương bán nước mía thật sự là con số "khủng". Đặc biệt, với những hàng bán 1.000 ly/ngày, số tiền lãi thu về dao động trong khoảng 2,5 - 3,5 triệu đồng/ngày.

Bán trà đá vỉa hè - nghề vốn cực ít, lời cực "khủng" ở Hà Nội

Chỉ với giá 3.000 đồng một cốc trà đá, nhưng trong một ngày, chủ quán trà đá vỉa hè có thể thu được tiền triệu. Và tiền lãi từ bán trà đá có thể lên tới… vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Dễ tìm, dễ uống, tiện lợi và đặc biệt là giá cả bình dân, trà đá, trà nóng vỉa hè trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân Hà Nội. Từ ông giám đốc đến người lao động bình dân, ai cũng có thể ngồi uống trà vỉa hè.

{keywords}
Trà đá vỉa hè là món đồ uống bình dân rất phổ biến ở Hà Nội bởi dễ tìm, dễ uống, tiện lợi và đặc biệt là giá rẻ, chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/cốc.

Giá trà đá vỉa hè ở Hà Nội hiện nay phổ biến ở mức 2.000 – 3.000 đồng/cốc, một vài quán đắt hơn thì 5.000 đồng/cốc. Là thứ đồ uống bình dân giá rẻ như vậy, nhưng nếu làm một phép tính cụ thể thì nhiều người sẽ phải giật mình về doanh thu và lợi nhuận “khủng”, lên đến vài chục triệu mỗi tháng của những người bán trà vỉa hè.

Quan sát một quán trà đá ở khu vực phố cổ (Hoàn Kiếm – Hà Nội), một buổi sáng, có thể thấy lúc nào quán cũng có ít nhất 10 vị khách qua đường hoặc xe ôm ngồi uống nước. Những vị khách này ngồi đợi người nhà hoặc ghé quán uống cốc trà cho đỡ khát nên chỉ ngồi khoảng 30 phút là đứng dậy. Như vậy, trung bình một tiếng đồng hồ có khoảng ít nhất 20 ly trà đá được bán. 20 ly/một giờ đồng hồ, vậy nếu bán từ 7 – 12 giờ trưa, đã có tới 100 ly trà đá được bán ra. Như vậy, mỗi sáng quán này bán được 100 ly trà.

Tiếp tục làm phép tính tương tự cho buổi chiều. Lượng khách vào uống trà buổi chiều thường nhiều hơn buổi sáng do trời nắng, nóng hơn. Lấy mức trung bình mỗi lượt khách là 15 người, trong một giờ đồng hồ sẽ có 30 ly trà đá bán ra. Trong 6 tiếng từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều, chủ quán bán được khoảng 180 ly trà đá. Đấy là còn chưa kể có những người uống 2 – 3 ly. Tính ra, 180 ly trà đá cho một buổi chiều.

Buổi tối, nhiều người đi chơi, hóng gió nên lượng khách ngồi quán trà đông hơn so với buổi sáng và chiều. Theo quan sát, lúc đông nhất có thể lên tới 30 người, lượt khách ra vào cũng nhiều lên đáng kể. Lấy mức trung bình cho một lượt khách là 20 người, một giờ bán được 40 ly trà đá, vậy là trong 5 tiếng (từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm) sẽ có 200 ly trà đá được bán. Như vậy, quán này bán được 200 ly trà đá một tối.

Cộng lại, trong một ngày, quán trà vỉa hè trên sẽ bán được gần 500 ly trà đá. Với giá 3.000 đồng/một ly trà đá, nhân lên, số tiền chủ quán trà đá thu được sẽ là khoảng 1,5 triệu mỗi ngày.

Theo lời anh Tuân, một người bán trà đá lâu năm, chi phí cho mỗi cốc trà (gồm nước, chè và đá) chỉ chưa đến 500 đồng. Như vậy, với mỗi cốc trà được bán ra, người bán lãi ít nhất 1.500 đồng (giá bán 2.000 đồng), 2.500 đồng (giá bán 3.000 đồng) và cao nhất lên tới 4.500 đồng (giá bán 5.000 đồng).

Tính ra, mỗi quán trà đá có thể thu lãi trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày từ riêng việc bán nước trà.

Như vậy, trừ vốn ban đầu, mỗi người chủ quán trà đá vỉa hè có thể có thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng – một con số đáng kinh ngạc và là mức lương thuộc hàng “khủng” mà rất nhiều người làm các nghề khác mơ ước.

Quán đậu phụ lãi vài chục triệu mỗi tháng ở Sài Gòn

Với số lượng bán ra 150 kg đậu một ngày, lãi thu về mỗi tháng của quán anh Hưng (Hà Nội) là 30 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu.

Sống trong gia đình có truyền thống làm đậu phụ nên 13 tuổi anh Hưng đã quen với việc dậy sớm để làm ra những khuôn đậu. Công việc làm đậu ở Hà Nội không kiếm được là bao. Lập gia đình, mức thu nhập ít ỏi đó càng đè nặng, anh phải bôn ba vào Nam kiếm sống.

{keywords}
Một kg đậu tại quán anh Hưng có giá 20.000 đồng. Ảnh: Hồng Châu.

Yêu nghề và rất đam mê kinh doanh, nhưng do chưa nắm bắt được thị hiếu khách hàng, nên cơ sở sản xuất đậu của anh không thành công. Quyết định thử lại lần nữa, anh Hưng kiên nhẫn khảo sát lại tình hình kinh doanh của các quán đậu khác và thấy nhu cầu ở Sài Gòn không giảm, đặc biệt là người gốc Bắc. Chỉ có điều phải tạo ra sự khác biệt là sản phẩm phải sạch và tươi ngon trong mắt khách hàng.

Với số vốn 200 triệu đồng, trong đó bao gồm cả khoản tiền bán lại cơ sở ở Tân Phú cho người khác, anh Hưng quyết định thuê một căn nhà gần chợ ở quận Bình Thạnh. Anh trích 100 triệu mua dụng cụ, thiết bị máy móc từ Hà Nội chuyển vào, 10 triệu đồng trả tiền mặt bằng hàng tháng, số tiền còn lại dùng để mua nguyên liệu và trả tiền thuê nhân viên.

“Khi mới mở, tôi cũng lo lắng không biết khách có hưởng ứng không, nhưng chỉ cần vài ngày đã có cả trăm lượt ghé mua, thậm chí qua giới thiệu của khách quen, nhiều quán ăn cũng đến đặt hàng. Đậu ra lò đến đâu hết đến đấy, nếu hôm nào ít khách thì cũng chỉ 2 tiếng là bán hết một mẻ đậu”, anh Hưng nói.

Với cách phục vụ chu đáo, sản phẩm đảm bảo vệ sinh và chất lượng nên mỗi ngày anh Hưng bán được 150 kg đậu với giá 20.000 đồng một kg, 10.000 đồng nửa kg. Ngoài ra, sản phẩm phụ là tàu hũ và nước đậu cũng đem lại cho anh thêm 30% trên tổng doanh thu. Quán của anh có 5 nhân viên, không chỉ bao ăn ở, mỗi tháng anh trả mỗi người 3-4 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí từ thuê mặt bằng, nguyên liệu cho tới nhân công, điện, nước, anh Hưng cho biết mỗi tháng lãi khoảng 30 triệu đồng.

(Theo Trí thức trẻ)