Chỉ sau 3 ngày tổ công tác chống chậm huỷ chuyến “ra quân”, bộ mặt nhà ga Nội
Bài và Tân Sơn Nhất đã thông thoáng hơn, hạn chế nhiều ùn tắc, góp phần tăng tỷ
lệ đúng giờ của các hãng hàng không.
“Dọn dẹp” sân bay
Nhà ga chật chội, hoạt động quá công suất ảnh hưởng tới việc lưu thoát hành
khách đi và đến. Dịch vụ sân bay như “máy chém”. Hành khách đi máy bay chưa nắm
được các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thiếu kỹ năng cần có cũng ảnh
hưởng tới tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không. 3 vấn đề lớn đã được tổ công
tác giám sát chậm huỷ chuyến của Cục Hàng không ghi nhận sau 3 ngày “ra quân”.
Tổ công tác nhận định: trong 3 điểm nghẽn trên, có những điểm không dễ giải
quyết ngay như năng lực thông quan của các Cảng Hàng không đang khai thác hết
công suất, thiếu thiết bị phục vụ như xe thang, xe buýt, thiếu nhân lực…nhưng có
những việc có thể làm được ngay. Đó là tình trạng sắp xếp bất hợp lý các băng
chuyền soi chiếu an ninh, các ki ốt, các quầy thủ tục, tình trạng xe đẩy hành lý
khắp nơi làm cản trở việc lưu thoát hành khách.
|
Đơn cử tại sân bay Nội Bài có đến 10 loại xe đẩy hành lý khác nhau, chiếm nhiều
diện tích, ở sân bay Tân Sơn Nhất vị trí băng chuyền soi chiếu an ninh không phù
hợp, nhiều cửa hàng, ki ốt, quầy thủ tục lấn chiếm lối đi. Tại cả hai sân bay
lớn, khu vực làm thủ tục cho khách VIP vắng vẻ trong khi các quầy thủ tục vé
hạng thường lại đông nghịt.
Theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không, sau một ngày yêu cầu, sân
bay Tân Sơn Nhất đã tiến hành thu gọn điểm bán hàng trong sảnh sân bay, dỡ bỏ
một phần quầy làm thủ tục, bỏ quầy bưu điện, điều chỉnh vị trí hệ thống soi
chiếu. Ông cường cho biết Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng Hàng không nghiên
cứu thêm phương án điều chuyển khách làm thủ tục tại các quầy phổ thông sang khu
vực VIP đang vắng khách để giảm áp lực tại khu vực check in hạng phổ thông.
Nước uống miễn phí cho khách check-in
Bên cạnh “dọn dẹp” sân bay, tổ công tác quyết liệt yêu cầu đơn vị quản lý sân
bay thực hiện việc giảm giá các dịch vụ phi hàng không, cung cấp các tiện ích
cho hành khách.
Từ ngày 16 - 17/7, các dịch vụ tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã đồng loạt
giảm mạnh. Trước đó, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã áp giá trần cho một số
mặt hàng dịch vụ thông thường. Theo chỉ đạo của Cục Hàng không, tới đây ở các
sân bay sẽ có trụ nước miễn phí dành cho hành khách sau khi qua cửa an ninh.
Trước thông tin này, anh Nguyễn Tuấn Sơn, hành khách trên chuyến bay VJ8875 vui
mừng: “Đây là việc làm hết sức cần thiết. Khi chậm, huỷ chuyến bay, nếu có
Internet miễn phí, nước miễn phí, nhiều hành khách có thể làm việc tại sân bay
thay vì chờ đợi, người già, người lao động cũng không quá bức xúc vì phải bỏ
tiền mua nước đắt hơn 3 lần so với bên ngoài”,.
Hành khách hồ hởi, hy vọng, các hãng hàng không “nín thở” chờ kết quả của tổ
công tác cũng vui mừng không kém khi thấy chỉ cần dọn dẹp sân bay một chút, tỷ
lệ đúng giờ đã tăng lên, bức xúc của hành khách giảm đi.
“Thực tế này cho thấy các nhà ga hoàn toàn có khả năng đón thêm khách khi chấn
chỉnh trật tự, giải toả nút thắt, đầu tư thêm một số thiết bị, tăng hiệu quả
khai thác nhà ga”, một chuyên gia hàng không bình luận.
Giảm chậm chuyến
Báo cáo của Cục Hàng không ngày 15/7 cho thấy tình trạng chậm chuyến bay đã
giảm. Về giải pháp giảm triệt để các chuyến bay chậm, huỷ chuyến, ông Võ Huy
Cường cho biết sau 3 ngày giám sát, tổ công tác đã xác định được nhiều nguyên
nhân nhưng chưa chưa tìm ra nhóm nguyên nhân chính gây chậm, huỷ chuyến bay.
“Việc cung cấp thông tin còn hạn chế, nguyên nhân đưa ra còn chậm và thiếu chính
xác. Trong 4 hãng hàng không, chỉ có Vietjet cung cấp thông tin rất tốt, nêu rõ
nguyên nhân chậm, huỷ chuyến ”, ông Cường chia sẻ và lưu ý thêm chính hành khách
cũng đang góp phần làm chậm chuyến bay và ứng xử thiếu chuyên nghiệp của nhân
viên các bộ phận trên sân bay, bao gồm cả nhân viên của hãng hàng không cũng góp
phần gây bức xúc với hành khách khi chậm, huỷ chuyến.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra chỉ thị nâng cao chất
lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng
chậm, huỷ chuyến bay. Bộ trưởng yêu cầu: Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ
hàng không, các Vụ tham mưu, Thanh tra Bộ phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm
trong việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn hàng không, nhiều vụ việc về
an ninh hàng không, tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong thời gian qua; chủ
động cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những yếu kém, bất cập trong
điều hành, sản xuất, kinh doanh bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của hành
khách và doanh nghiệp.
Tại chỉ thị này, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Hàng không tiếp tục triển khai
mạnh mẽ cuộc vận động “4 xin”, “4 luôn”, đưa tinh thần này trở thành ý thức
thường xuyên hàng ngày của tất cả cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động,
bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý, người đứng đầu.
Ngân Hà