Vốn là một thương gia nổi tiếng ở phố Thái Hà, Hà Nội thì đùng một cái, ông quyết định mua gần 10 hecta đất núi để làm trang trại. Rồi ông bỏ vợ và con ở lại thành phố, một mình lên Hòa Bình sống.

Bắt chước các Pharaoh Ai Cập

Một ngày tháng 7, men theo con đường đồi ngoằn nghèo, chúng tôi tìm đến vùng núi Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình. Hỏi thăm về ông “Đức gấu” tức Nguyễn Công Đức chẳng ai là không biết. Danh tiếng của ông nổi như cồn khắp vùng về tài nuôi gấu và việc làm chẳng giống ai ấy là xây lăng mộ tự ướp xác mình.

Tư dinh của ông Đức cũng khác người lắm, một cánh cổng to khép giặt với dòng chữ “Gọi cổng xin đánh ba hồi chuông thật to”. Làm đúng theo lời ghi trên cửa, vừa dứt ba tiếng chuông, đột nhiên chúng tôi giật thót mình bởi tiếng sủa gầm rú của hàng loạt con chó bên trong. Chỉ nghe tiếng vang ước chứng những con chó này đều phải to ngang 1 người lớn.

Đón chúng tôi là một người đàn có cái bụng rất to và một dáng đi bệ vệ, mắt đeo cặp kính râm màu nâu. Ông giới thiệu, ông chính là Nguyễn Công Đức – chủ nhân của trang trại 7 hecta mà chúng tôi đang đứng và là người mà chúng tôi đang cần gặp. Sau một ấm trà nóng và vài tràng cười “điểm tâm”, chúng tôi bắt đầu câu chuyện về hai ngôi mộ tiền tỷ mà ông đã kỳ công xây dựng để ướp xác mình và vợ sau khi khuất núi.

{keywords}

Đại gia "Đức gấu" và khu lăng mộ xây sẵn để ướp xác

Ông Đức kể, khi ông quyết định rời bỏ cuộc sống sung túc ở Hà Nội để lên đây xây dựng trang trại này, ông phải ở trong một túp lều tranh 3 năm liền. Trong 3 năm đó, “mưa thì ướt, nắng thì nóng, đêm nằm ngủ chẳng ngon giấc”. Đến lúc trang trại gần như xong, căn nhà ba tầng mà ông đang ở cũng xây xong thì mọi vất vả của ông mới vơi bớt phần nào. Vậy là ông quyết định “tự thưởng” cho mình và vợ... hai ngôi mộ ướp xác trên núi cao, trong khuôn viên trang trại.

“Đêm nằm nghĩ ngợi linh tinh, cuộc đời mình sướng khổ gì đều đã có đủ. So với Tào Tháo, Khổng Minh ở Trung Quốc hay các Pharaoh ở Ai Cập thì mình còn thua xa nhưng so với những người ''phó thường dân'' (ông hay gọi đùa những người công chức về hưu là phó thường dân) như mình thì cũng chẳng thua kém ai. Tại sao mình không thử làm cho mình hai ngôi mộ ướp xác xem cái sự khó nó đến đâu? Biết đâu mình lại làm nên một điều gì đó, ưu sự tại người hành sự tại thiên mà” – ông Đức cho biết.

Theo ông Đức thì ít ra cái việc xây mộ ướp xác giúp cho mình khi nằm xuống những năm đầu ròi bọ không quấy nhiễu. Và nếu việc ướp xác thành công thì con cháu sau này cũng lấy đó làm niềm tự hào vì cha ông của chúng không bao giờ chết.

Hơn nữa, theo ông việc lo chuyện hậu sự sớm, ngay khi còn còn khỏe mạnh là vì ông xem đấy cũng là một thú vui. “Khi nào người ta đến tuổi già rồi người ta thường hay lo nghĩ chuyện hậu sự mai sau. Nhỡ sau này thế nọ, sau này thế kia. Ông Tào Tháo năm 36 tuổi đã lo xây mộ cho mình, Thành Cát Tư Hãn năm 38 tuổi cũng đã nghĩ đến hậu sự, vậy mà mình 60 tuổi mới nghĩ đến là vừa quá rồi...” – ông Đức chia sẻ.

Lặn lội đi tìm thuật ướp xác

Để tự ướp xác mình, ông Đức phải nghiên cứu đủ các loại tài liệu Việt Nam, nước ngoài. Những chuyến chu du hàng tháng trời tới Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc tốn hàng chục ngàn đô lađểvào các bảo tàng, đến tận những trung tâm nghiên cứu ướp xác người để học hỏi kinh nghiệm.

Ông kể, người cung cấp thông tin về ướp xác ở Ấn Độ, Ai Cập rất cởi mở chia sẻ khi thấy ông lấy lý do viết sách về kỹ thuật ướp xác cổ đại để giới thiệu với khách du lịch Việt Nam. Ông không biết tiếng Anh nên phải thuê phiên dịch viên đi theo mình thời gian dài, ông cũng cẩn thận ghi âm lời các chuyên gia, về nhà cẩn trọng viết lại thành quyển để lưu giữ.

Ông Đức cũng không ngại hao tốn công sức đi tìm các dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ướp xác tốt nhất. Ông vào tận núi Bà Đen, Tây Ninh - nơi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm để tìm hiểu địa chất, địa hình nơi đây, tìm mua bằng được loại tinh dầu Cổ Am, tinh dầu Gù Hương người dân dùng tẩm xác.

Ông cũng tới Ninh Thuận rất nhiều lần để đặt mua than trai - một loại than rất hiếm đốt từ thân cây trai, một loài cây chỉ mọc ở vùng nắng gió Ninh Thuận, trồng cả chục năm nhưng thân cây chỉ bằng cổ chân.

Bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác... đến nay tất cả đã được ông Đức chuẩn bị đầy đủ đặt tại lòng hầm mộ.

“Tôi tự nghiên cứu, thử nghiệm trên xác động vật từ những con vật nhỏ như chuột, thỏ rồi đến những con heo hàng tạ, đến nay, mọi vật dùng cần thiết cũng như cách thức ướp xác mình thành công đã được tôi ghi chép cẩn trọng trong di chúc. Trong hầm mộ cũng đã có tượng đồng tạc tôi và vợ tôi đặt cạnh nhau”, ông Đức chia sẻ.

“Tôi không muốn nói chi phí đào hầm mộ, ướp xác mình, vì nhiều người sẽ nghĩ tôi khùng, lãng phí, khoe mẽ”, ông Đức bày tỏ, vàchia sẻ: “Toàn bộ trang trại, lăng mộ khi tôi qua đời sẽ không thuộc về các con tôi. Tôi để lại cho đời sau, những ai đi ngang Hòa Bình có thể ghé tham quan và biết rằng tất cả những thứ này đã được gây dựng bởi một người Hà Nội bình thường, thế là đủ. Tôi muốn ngay cả khi tôi chết đi, con cháu tôi cũng phải thấy cha mình ngày trước không phải tầm thường”.

Đến thời điểm hiện tại, hầm mộ của ông Đức đã hoàn thành, công trình nhằm hướng Tây Bắc, số bậc thang dẫn lên hầm mộ được các pháp sư tính toán cẩn thận. “Ba pháp sư cao tay (2 người Việt Nam, 1 người Trung Quốc) cùng thống nhất hướng hầm mộ là Tây Bắc tôi mới quyết định động thổ. Tôi tính kỹ, ở độ cao 300 m so với mực nước biển này, có vỡ đập thủy điện Hòa Bình, nước cũng còn cách lăng mộ 80 m, xác tôi vẫn được bảo toàn”, ông Đức nói.

Trên quả đồi rộng, xanh mướt tán cây bách diệp và cây gỗ lát, phần nổi của hai hầm mộ là khối hình chữ nhật xây bê tông kiên cố, dài 12 m, rộng 7,5 m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25 m, trên bề mặt đặt thêm tấm bê tông lớn mô phỏng hình một bàn cờ tướng. Theo ông Đức, bàn cờ này mới được làm thêm năm 2007.

Ông Đức cho hay, phần nổi này mới chỉ là đường dẫn xuống hầm mộ. “Vị trí đặt xác tôi còn sâu xuống 18 m nữa và nằm sâu trong các ngóc ngách trong lòng núi, không thể tiết lộ. Khi tôi chết đi, máy cẩu sẽ nhấc nắp bê tông này ra đưa xác tôi vào”, chủ nhân của lăng mộ cho biết.

Hàng ngày, ông Đức thuê 4 người dọn dẹp trang trại nhưng vẫn thường tự mình ra vườn nhổ cỏ, tưới rau. Nhà không dùng bếp gas mà dùng bếp củi theo đúng chất thôn quê, ông Đức cũng không lắp chuông điện ở ngoài cổng mà đặt mõ gỗ, chuông đồng kèm ghi chú đánh chuông để gọi cửa. Vợ và các con, cháu đang sống tại Hà Nội, ông Đức một mình cai quản trang trại rộng 2 ha với hang động, núi đá, ao hồ, chuồng trại nuôi gấu,lợn rừng, cá sấu...

(Theo Dân trí)