Nhận trọng trách canh giữ đền Sóp, bà mới biết đó là những vật báu của vua Chăm gửi gắm nhờ trông giữ.
Già Ma Cai (71 tuổi, làng Sóp) kể, thuở bé bà thường theo chân những người già vào các Bơ-Mung trong rừng xem tế lễ cúng bái. Tại những nơi linh thiêng này, bà từng chứng kiến nhiều báu vật quý giá được lưu giữ rất cẩn thận.
Sau này lớn lên, Ma Cai lấy già Ya Tang làm chồng, nhận trọng trách canh giữ đền Sóp, bà mới biết đó là những vật báu của vua Chăm gửi gắm nhờ trông giữ.
Gặp người từng canh giữ kho báu
Từ những cứ liệu thu thập được của Bảo tàng Lâm Đồng, cùng những câu chuyện tồn tại trong đồng bào Churu ở vùng Nam Tây Nguyên, đến nay có thể khẳng định, trong quá khứ đã từng tồn tại những kho báu của người Chăm ở vùng nam Tây Nguyên.
Nhưng chẳng ai biết lý do gì khiến chúng đã biến mất một cách bí ẩn. Với mong muốn làm sáng tỏ thêm câu chuyện, từ những gợi ý của các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng, chúng tôi đã về lại ngôi làng cuối cùng còn dấu tích ngôi đền từng lưu giữ kho báu.
Ngôi đền từng chứa cổ vật nay bị lãng quên, hoang tàn. |
Từ thị trấn Liên Nghĩa thuộc huyện Đức Trọng, xuôi theo QL.20, đến ngã ba đập thủy điện Đại Ninh là đường vào vùng Tà In, nơi cư ngụ bao đời của đồng bào Churu. Từ ngàn xưa, người Churu chỉ sống ở vùng đồi núi xa xôi, hẻo lánh xen lẫn các thung lũng, có các con suối để tiện trồng lúa nước.
Phải vượt qua nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, nhiều khe suối chúng tôi mới đến được làng Sóp. Làng Sóp có đền Sóp, nơi từng lưu giữ kho báu của vua Chăm. Cuộc sống hiện đại đã xóa đi phần nào nếp sống bản địa hoang sơ nơi đây.
Làng hiện đã có đập tích nước, trên đồi những vạt cà phê. Nhưng điều dễ thấy là tính chất quần cư, cộng đồng vẫn còn hiện rõ. Anh em con cháu người Churu sống quây quần với nhau, chuyện một nhà thì cả làng đều biết. Họ rất thân thiện và mến khách.
Biết chúng tôi là nhà báo lặn lội về làng để tìm hiểu câu chuyện kho báu quanh ngôi đền Sóp, ai nấy đều hồ hởi bắt chuyện. Một người đàn ông trung tuổi chỉ đường đến nhà già làng Ya Bang. Già Ya Bang được xem là bậc cao niên, có “cái bụng” hiểu về đền Sóp cũng như các tập tục cúng bái. Thế nhưng, người nhà Ya Bang cho biết, ông đã đi chăn trâu trong thung lũng từ sáng sớm, đến cuối ngày mới về.
Chuyện về kho báu ở ngôi đền cổ không quan trọng bằng những tất bật mưu sinh cho cuộc sống thường ngày. Rất may, trong chuyến đi chúng tôi được gặp già Ma Cai (71 tuổi), một bà lão vui tính mang đậm nét cổ tích của người Churu.
Bà là vợ của già Ya Tang nay đã mất. Ya Tang từng là lãnh tụ tinh thần của làng, kiêm thầy cúng canh giữ những cổ vật trong ngôi đền Sóp. Là vợ của người từng gắn bó với đền nên “cái bụng” Ma Cai rất hiểu những gì liên quan đến đền Sóp.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến chuyện những báu vật thì giọng bà buồn: “Nó (già Ya Tang) về với Yàng lâu rồi, không ai biết về cái đền Sóp nữa đâu. Chẳng có vàng bạc châu báu nào trong đó nữa, chúng đã bị lấy mất khi nào chẳng rõ. Lâu nay làng cũng chẳng cúng bái đền nữa”.
Già Ma Cai bảo, bản thân sinh ra và lớn lên trên đám ruộng, con rẫy ở thung lũng này. Khi biết khôn bà đã thấy Bơ- Mung của làng được những bậc cao niên trông giữ rồi. Bơ- Mung làng Sóp được dựng trên ngọn đồi cao.
Thuở trẻ, vào các ngày lễ, Ma Cai thường theo chân người lớn vào Bơ- Mung chơi, bà đã thấy vô số đồ vật quý giá, được để ở nơi rất trang trọng. Khi gia đình “bắt” Ya Tang về làm chồng (người Churu theo chế độ mẫu hệ), thì chồng Ma Cai được làng giao cho chức thầy cúng.
Ya Tang cúng bệnh người đau ốm, cúng cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, người qua hoạn nạn. Tất nhiên, Ya Tang có nhiệm vụ tối quan trọng là phải trông coi các báu vật trong đền Sóp. Thời gian trôi đi, khi Ya Tang về với Yàng (trời) thì không còn ai nối nghiệp cúng bái nữa.
Gần 10 năm nay, người dân làng không còn lên đền Sóp, ngôi đền đã bỏ hoang trên đỉnh đồi đã mấy năm nay. Tuy nhiên, những câu chuyện về ngôi đền thiêng vẫn còn hằn in trong ký ức của già Ma Cai.
Không chỉ ở làng Sóp mà các làng khác trong khắp thung lũng vùng Tà In đều có các ngôi đền có báu vật. Những vật rất quý bằng vàng, bạc, kim khí, sứ, vải vóc... được dân làng trông coi rất kỹ.
Nhưng ngay chính già Ma Cai cũng chỉ nghe kể lại rằng, những báu vật ấy của người Chăm, họ mang từ hướng Đông (vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) lên từ nhiều đời trước và gửi người Churu trông giữ, các đời sau có nhiệm vụ trông giữ mà thôi. “Thuở xưa ta thấy trong đền nhiều đồ vật quý lắm. Có đồ dùng bằng vàng, bạc, đá…, có cả kho y phục bằng lụa của người Chăm.
Hằng năm vào dịp lễ (tháng chạp AL) thì các thầy cúng lấy đồ ra mặc xong lại cất trả lại trong kho, nhưng nay thì mất hết rồi. Người có cái bụng tham nhiều thì lấy vàng, bạc, tham vừa thì lấy vải vóc, đĩa, bát... Những thứ dân làng chúng tôi trông giữ qua bao đời nay không còn nữa”, già Ma Cai nói trong nuối tiếc.
Băng rừng diện kiến nơi từng lưu giữ kho báu
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Đoàn Bích Ngọ (Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng) khẳng định, đền Sóp là ngôi đền thiêng của đồng bào Churu, từng là nơi cất giữ báu vật của người Chăm.
Nhưng theo như lời già Ma Cai kể thì hiện nay trong đền chỉ còn một số bát, đĩa cũ mà thôi. Những vật báu ngàn xưa đã biến mất khi nào thì không một ai trong làng biết. Theo hướng chỉ đường của già Ma Cai, đền Sóp nằm chơi vơi trên chóp ngọn đồi cuối làng. Hiện thân của dấu tích trong quá khứ càng khiến người ta tò mò.
Người viết quyết định một mình băng qua ngọn đồi tìm đến đền với những mong ghi lại những gì còn sót ở nơi được đồn đoán từng lưu giữ kho báu. Đường vào đền gần như không có, khắp nơi gai và cây dại phủ kín.
Già Ma Cai, một trong những người từng canh giữ đền Sop |
Phải vượt qua 2 ngọn đồi, tôi mới đặt chân được đến đền. Ngôi đền được mệnh danh là nơi từng cất giữ báu vật của vua Chăm giờ chỉ là căn chòi đổ nát, lụp xụp. Mái đền được lợp mái tôn cũ kỹ, dưới nền là những miếng ván bị mối ăn mục nát. Dù bị bỏ hoang nhiều năm nhưng dấu tích không gian tế lễ vẫn còn.
Ở giữa đền có một sọt bằng sắt, bên trong chứa nhiều bát, đĩa, ấm uống nước bằng sứ, màu lam. Cạnh bên là hai cái mâm gỗ có chân dùng để dâng lễ vật. Ngoài những đồ vật trên thì không còn gì thêm. Ngôi đền hoang không còn gây được sự tò mò như nó vốn có.
Trở lại câu chuyện, theo tài liệu của bà Đoàn Bích Ngọ thì vào năm 1992, đoàn khảo cứu của bà đã liệt kê số đồ vật tìm được ở đền Sóp.
Hai cái bát lớn (trông giống như hai cái nắp) bằng đồng màu đen thường dùng để đựng nước cúng, còn có tới 15 hiện vật bằng gốm sứ (chủ yếu là gốm hoa lam). Đặc biệt trong đó có một tô bên ngoài có những ô viết chữ Hán (có thể là một bài thơ vịnh) và một liễn sứ men trắng vẽ lam.
Thời điểm bà Ngọ đến thống kê đồ vật thì các cổ vật quý đã biến mất, không còn các đồ bằng vàng, bạc, lụa là như những nhà khoa học thời Pháp và chế độ cũ mô tả nữa. Và đến nay trước mắt chúng tôi, ngôi đền chứa kho báu chỉ còn lại phế tích.
Theo tìm hiểu của PV thì không có chuyện người dân trong làng Sóp hoặc làng khác tự ý lấy cổ vật làm của riêng. Bởi trong suy nghĩ, người Churu rất tôn sùng và cho rằng đó là vật thiêng, nếu không được “cho phép” của “thần” mà chạm vào thì sẽ bị thần phạt chết. Bẽ bàng trước hiện thực, tôi đành chớp mấy góc ảnh để làm kỷ niệm, để mai này khi xem còn biết, nơi đây từng có ngôi đền ẩn chứa những câu chuyện về kho báu của người xưa.
Một căn cứ lý giải cho sự biến mất của những kho báu ở vùng Nam Tây Nguyên là do lòng tham con người. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại rằng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi Mỹ bình định vùng cao nguyên, quân lính đã tràn vào các ngôi đền cướp phá, lùng sục cổ vật lấy đi những vật quý và trừ lại bát đĩa bằng sứ, những thứ ít giá trị.
Có một sự kiện dân làng kể lại rằng, có một trận càn, làng Sóp bị ném bom xăng, nên xảy ra hỏa hoạn. Đám cháy nhiều ngày liền thiêu rụi núi rừng và xóa tan luôn đền Sóp. Đền Sóp ngày nay thực ra là do người dân dựng lại mà thôi.
(Theo Gia đình & Xã hội)