- Tổng thống Obama đang gây sức ép buộc châu Âu không thể mãi chần chừ mà phải có đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga. EU đang bàn họp và điều gì sẽ xảy ra nếu EU dồn ép Putin vào chân tường?

Mỹ gây sức ép

Mỹ và Canada sẽ phản đối các dự án của World Bank tại Nga như một áp lực trừng phạt kinh tế mới lên đất nước của Tổng thống Vladimir Putin. Dự kiến, Mỹ sẽ bỏ phiếu phản đối các khoản cho vay và đầu tư liên quan tới Nga và đại diện Canada cho biết cũng phản đối những dự án như vậy.

Đây là một động thái tiếp theo sau hàng loạt các đòn trừng phạt mạnh nhất kể từ Chiến tranh lạnh mà Mỹ đã áp đặt lên Nga... với cáo buộc vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các quan chức Mỹ hôm 24/7 thậm chí lần đầu tiên công khai cáo buộc Nga bắn pháo qua biên giới vào các khu vực quân sự của Ukraine. Nhiều nghi vấn về vai trò của Nga ở đông Ukraine tăng lên sau vụ rơi máy bay dân sự hôm 17/7 làm 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Các cáo buộc Nga được đưa ra dồn dập trong bối cảnh Mỹ đang ép các nước đồng minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh hơn lên Nga sau khi EU khá chần chừ quyết định trừng phạt Nga.

{keywords}

Tổng thống Obama đang gây sức ép buộc châu Âu không thể mãi chần chừ mà phải có đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Theo nguồn tin Bloomberg, các nước Liên minh châu Âu, đang thảo luận về vấn đề này. Ngoại trưởng 28 quốc gia EU bắt đầu nhóm họp tại Brussels vào tối 24/7 để bàn về loạt danh sách trừng phạt mới cứng rắn hơn, có thể là lệnh cấm vận vũ khí và lệnh trừng phạt cấp độ 3, nhằm vào toàn bộ nền kinh tế Nga. EU cũng cân nhắc trừng phạt hàng loạt sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Nga.

Chưa biết quyết định của EU sẽ là gì và sự đối đầu phương Tây - Nga trong thời gian tới sẽ ra sao nhưng không ít người đang nghĩ tới những hậu quả mà Nga phải gánh chịu và đòn phản công của ông Putin sẽ như thế nào nếu đó là các quyết định dồn ép Nga vào chân tường.

Putin không lùi bước?

Cuộc họp các nước EU để bàn về các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga có thể sẽ là một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Trước đó, EU cũng đã 2 lần theo Mỹ tung ra các đòn trừng phạt Nga nhưng nhìn chung khá nhẹ nhàng so với những gì mà đồng minh ở bên kia Đại Tây Dương áp lên nền kinh tế đứng thứ 8 trên thế giới.

{keywords}

Điều gì sẽ xảy ra nếu EU dồn ép Putin vào chân tường?

Có thể thấy, rất khó để EU không đưa ra thêm một biện pháp trừng phạt nào đối với Nga trong bối cảnh mà Tổng thống Mỹ Obama đang thúc giục liên hồi và tình hình bất ổn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt tại Ukraine. Vụ MH17 dù chưa có kết luận cuối cùng cũng là cơ sở để một số thành viên không phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Nga muốn EU có quyết định mới cứng rắn hơn với một cường quốc đang trở mình nổi dậy.

Thảm họa rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 tại miền đông Ukraine thực sự làm thay đổi cục diện và là yếu tố giúp Mỹ thúc đẩy sự dứt khoát của EU đối với ông Putin, áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt để tác động mạnh lên kinh tế Nga.

Bên cạnh đó, một trong những đề xuất được đưa ra gần đây là cấm các nước châu Âu mua cổ phiếu và trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh Nga. Nếu như đề xuất này thành hiện thực, 2 ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và VTA sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng này cũng đã không vay trên các thị trường nước ngoài trong nhiều tháng qua và thích vay ở thị trường nội địa bằng đồng rúp hơn.

Sự giảm giá của các cổ phiếu như Sberbank và VTB và sự suy giảm chung trên TTCK Nga trong nhiều tháng qua dường như chưa đủ khiến Putin lo sợ. Chỉ số RTS của Nga mất 10% kể từ ngày 9/7 khi mà hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine khiến thị trường tăng nhẹ. Bây giờ, chỉ số này ở mức thấp ngang hồi cuối tháng 2 trước khi Putin gây ra sự lo ngại trên diện rộng với việc yêu cầu thượng viện cấp quyền quyết định gửi quân tới Ukraine.

Sự cứng rắn của ông Putin có lẽ còn ở chỗ có một thực tế không thể chối cãi là các nước EU đang chia rẽ khá sâu sắc trong quan hệ đối với Nga. Sự chậm chễ trong các phản ứng đối với các sự kiện diễn ra gần đây cho thấy điều này.

Việc EU không vội vàng thông qua các đòn trừng phạt kinh tế Nga nằm ở chỗ: trong liên minh này còn có các quốc gia phải bảo vệ quyền lợi kinh tế riêng của mình trong quan hệ với Nga, như tài chính đối với Anh, công nghiệp và năng lượng đối với Đức và vũ khí đối với Pháp...

Sự chần chừ của châu Âu còn có nguyên nhân ở vấn đề an ninh năng lượng. Trong tổng số 28 nước EU thì có tới 18 nước đang nhập khẩu khí đốt từ Nga với tỷ trọng chiếm tới 20-30%. Sự lạnh giá trong khu vực có thể khiến cho nền kinh tế các nước này chết cóng vào mùa đông nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nước không phụ thuộc vào Nga từ kinh tế cho tới năng lượng nhưng chắc chắn một điều rằng không nước nào muốn xảy ra bất ổn trong khu vực. Họ cùng thuyền với đồng minh Obama nhưng lại sống ngay sát cạnh ông Putin. Và nước xa có cứu được lửa gần?

Với vũ khí chiến lược là năng lượng và sức mạnh đáng ngại về quân sự cùng với một vị tổng thống được coi là bản lĩnh Nga cũng đang đưa ra những đòn trả đũa đối với phương Tây. Nó khiến nhiều người thực sự lo ngại nếu EU cùng Mỹ dồn ông Putin vào chân tường.

Văn Minh