- 6,6 nghìn tỷ đồng là số tiền khổng lồ mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tiết kiệm được, nếu như thời gian nộp thuế được rút ngắn và môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang bằng với các nước ASEAN - 6.

Thời gian ngàn tỷ

{keywords}

Không đơn giản là câu chuyện năng lực cạnh tranh quốc gia hay hình ảnh về một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, Việt Nam sẽ giảm được hàng tỷ USD chi phí khi môi trường kinh doanh tiến tới thứ hạng trung bình của khu vực. Lợi ích của cải cách đã được các chuyên gia nghiên cứu tính bằng tiền tươi thóc thật.

Tại cuộc hội thảo về việc triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ hôm 31/7, ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID đã đưa ra 1 phép tính, năm 2010, khi phải mất tới 1.050 giờ nộp thuế, các DN Việt Nam đã phải tốn mất 9,8 nghìn tỷ đồng chi phí. Nhưng đến nay, giảm được 178h nộp thuế, các DN đã tiết kiệm được tới 1,7 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết 19 đặt mục tiêu tới năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN +6. Điều đó có nghĩa, số giờ nộp thuế sẽ phải giảm từ 872 giờ hiện nay xuống chỉ còn 171 giờ. Như vậy, với việc giảm 701 giờ, chi phí tiết kiệm đuược sẽ lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi người nộp thuế cũng sẽ tiết kiệm được 16,5 triệu đồng/năm.

Đối với lĩnh vực thương mại qua biên giới, hiện các DN đang phải mất tới 21 ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu. Ông Olin cũng cho biết, để tiến tới TOP 10 của khu vực, Việt Nam sẽ phải giảm 14 ngày cho thời gian xuất khẩu và giảm 16 ngày thời gian nhập khẩu.

Khi làm được như vậy, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 27,7%. Ngược lại, nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ chịu thất thu thương mại lên tới 14,98% tổng kim ngạch xuất khẩu.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm: Nếu chúng ta cắt giảm được 1 ngày về thủ tục thông quan qua biên giới, chi phí tiết kiệm được sẽ bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong một năm, tương đương 2,7 tỷ USD.

"Rõ ràng, việc giảm 1 ngày thông quan sẽ giảm rất lớn chi phí cho cả DN và nhà nước. Lợi nhuận của DN sẽ tăng lên, giá trị gia tăng sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ trong việc tăng trưởng nền kinh tế", TS Cung nói.

Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 99 trong 189 quốc gia và nền kinh tế. Nếu làm được như Nghị quyết 19 đề ra, thứ hạng Việt Nam sẽ tăng lên thứ 40, Chỉ kém Singapore và Malaysia trong Asean.

Không thể không làm

Theoo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đây là một thách thức rất lớn.

Ông Tuấn cho biết, trong 1 tuần qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến nhiều ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp và có nhiều sáng kiến để giảm ngay thủ tục thuế.

“Bộ sẽ ban hành 1 thông tư để sửa 3 thông tư liên quan đến thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi 11 nội dung trong tờ khai thuế để tích hợp với chuẩn mức quốc tế. Kết quả đạt được là sẽ giảm 201 giờ cho người nộp thuế.

Đồng thời, bộ đang xin ý kiến Chính phủ cho phép giảm số lần nộp thuế bằng cách, thay vì 1 năm phải có 4 lần kê khai và nộp thuế thì DN chỉ cần kê khai thuế 4 lần và quyết toán nộp thuế 1 lần. Ngoài ra, nếu như nâng điều kiện cho các DN được kê khai theo quý từ quy mô doanh thu 20 tỷ lên 50 tỷ thì Việt Nam sẽ có 96% DN được khai nộp thuế theo quý.  Nếu làm được, số giờ giảm tiếp là 88 giờ.

"Tóm lại, làm tổng thể các giải pháp, đến cuối năm nay, chỉ số giờ nộp thuế sẽ giảm đi 354 giờ, từ 537 giờ còn 183 giờ", thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Trong khi đó, theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiêm xã hội, dự kiến ngành này cũng sẽ chỉ giảm được 227 giờ, từ 335 giờ xuống còn 108 giờ.

Nếu làm được như đã nói, kết quả giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. ổng thời gian các doanh nghiệp phải tốn cho 2 thủ tục trên vẫn mất 291 giờ, còn cách xa mục tiêu 171 giờ.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đến 30/6/2015, phải làm thế nào để giảm tiếp còn 171 giờ, sẽ là việc rất khó bởi là giai đoạn đi vào lõi của vấn đề.

"Để làm được, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sẽ phải làm sao giảm thiểu cả thời gian về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thời gian giải quyết khiếu nại, thời gian hoàn thuế... Thậm chí, Bộ sẽ phải tính cả việc bỏ đi một số thủ tục. Khi đó, sẽ động đến vấn đề có dám bỏ hay không?", Thứ trưởng Tuấn chia sẻ.

TS Cung cho rằng, đây là một tham vọng lớn, nhưng không thể không làm.

Ông nói, nếu vượt qua thách thức này, đó sẽ là một đột phá lớn của cải cách môi trường kinh doanh. Chúng ta phải nhìn nhận như đây là yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu của cải cách kinh tế, cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế, quay lại mức tăng trưởng khoảng 7,5%/năm".

Phạm Huyền