Tại buổi Đối thoại chính sách trong sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 1.8, nhiều ý kiến đã tiếp tục bày tỏ lo ngại người nghỉ hưu sẽ càng khó khăn hơn nếu tính theo phương án điều chỉnh mức lương hưu tại dự thảo sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội.

Thậm chí, con số 21-33% sụt giảm lương hưu được tính toán và cảnh báo đã khiến mọi người thêm lo ngại

Một trong những điểm các đại biểu còn băn khoăn đó là quy định lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu chưa phù hợp. Thay vì quy định hiện hành 15 năm đóng BHXH được hưởng 45%, từ năm thứ 16 trở đi mỗi năm đóng thêm sẽ được tính 2% đối với nam và 3% đối với nữ, thì tại điều 55 dự thảo luật sửa đổi, tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng: giữ nguyên tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45% mức bình quân tiền lương hằng tháng để tính lương hưu. Cụ thể, năm 2016, 16 năm đóng BHXH được 45% lương... và năm 2020, 20 năm đóng được 45%. Từ năm 2031 trở đi, mỗi năm đóng thêm được tính chung 2% cho cả nam và nữ.

{keywords}
Lương hưu giảm, nỗi lo sợ của người lao động.

Với việc thay đổi cách tính trên, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Người nghỉ hưu trong năm 2016 sẽ giảm 2% đối với nam và 3% đối với nữ so với người nghỉ hưu trong năm 2015 (với người có thời gian đóng BHXH từ 26 năm đối với nữ và 31 năm đối với nam thì mức lương hưu không giảm, chỉ giảm mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu).

Người nghỉ hưu trong năm 2017 sẽ giảm 2% đối với nam và 3% đối với nữ so với người nghỉ hưu trong năm 2016, tương ứng giảm 4% và 6% so với người nghỉ hưu năm 2015 (với người có thời gian đóng BHXH từ 27 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam thì mức lương hưu không giảm, chỉ giảm mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu)”.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, bày tỏ: “Luật hiện hành, nếu có 20 năm đóng BHXH thì nam được hưởng 55% lương bình quân đóng, còn nữ thì hưởng 60%, nhưng nếu theo dự thảo, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2020 chỉ được hưởng mức 45% lương bình quân cho 20 năm đóng BHXH đối với cả nam và nữ.

“Như vậy, sau 5 năm điều chỉnh mức hưởng của người lao động (NLĐ) sẽ chênh lệch 10% với nam và 15% đối với nữ. Với cách tính như trên thì NLĐ tối thiểu phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% lương bình quân đóng BHXH. Từ năm 2031 trở đi, với tỷ lệ thay thế 2%/năm cho cả nam và nữ thì LĐ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 phải có 35 năm đóng BHXH mới đạt mức hưởng tối đa 75%. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho LĐ nữ nếu so với quy định hiện hành”. Ông Chính nói.

Đặc biệt, theo Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng Hồ Thủy nhận xét với quy định này thì trung bình lương hưu của cán bộ, công chức nhà nước sẽ sụt giảm từ 21% đến 24%; lực lượng vũ trang giảm từ 22% đến 33% (do có từ 5 năm đến 7 năm là học viên quân sự, công an, khi đó đóng BHXH trên nền tiền lương cơ sở).

Bà Hồ Thủy đề nghị phương án tính mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% đối với LĐ nữ có 15 năm đóng BHXH và LĐ nam có 20 năm đóng BHXH; sau đó, cứ một năm tính bằng 2% đối với cả nam và nữ, mức tối đa bằng 75%. Nếu thực hiện theo quy định này thì LĐ nữ có 30 năm đóng BHXH và LĐ nam có 35 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu 75%.

TH (Theo TN, Vietnamplus)