- Tình huống hy hữu trên thị trường ôtô Việt Nam: Trong khi các DN đang ứ xe đầy sân, hết chỗ đỗ, khách hàng cần mua nhưng lại không thể bán. Nguyên nhân là do tắc nghẽn trong đăng kiểm.
Hai tháng đăng kiểm một mẫu xe: DN kêu trời
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã siết chất lượng kiểm định xe cơ giới. Theo các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tải, ô tô khách đây là việc cần thiết, tuy nhiên điều này cũng khiến họ đã gặp không ít khó khăn.
Các DN cho biết, đã làm việc với nhà cung cấp linh kiện để nghiên cứu, thiết kế lại các linh kiện xe cho phù hợp với những yêu cầu của quy định mới. Cùng với đó, DN cũng xin cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất lắp ráp (Giấy CNCL) các mẫu xe tải, xe khách theo quy định mới. Bởi vì, không có giấy chứng nhận này thì sẽ không thể bán được xe.
Tuy nhiên, theo các DN, do những quy định mới có nhiều thay đổi so với quy định cũ nên các DN gần như phải xin cấp mới đối với hầu hết các mẫu xe. Từ đó, số lượng hồ sơ gửi xin cấp Giất CNCL nhiều, giải quyết không kịp, khiến cho thời gian xét duyệt bị kéo dài.
Quy định mới về kiểm định xe cơ giới bắt buộc phải thử nghiệm 6 linh kiện: động cơ, bình khí nén, đèn chiếu sáng, kính chắn gió, gương chiếu hậu, lốp xe. Trong khi, trước đât chỉ cần kiểm định động cơ, đèn chiếu sáng và bình khí nén.
Trong khi các DN đang ứ xe đầy sân, hết chỗ đỗ, khách hàng cần mua nhưng lại không thể bán |
Đặc biệt, với kính chắn gió, khi sản xuất nhà sản xuất đã xử lý kỹ thuật nhưng DN vẫn phải cắt miếng nhỏ gửi đi kiểm định. Hay như bình khí nén, mẫu thử nghiệm tính theo lô xe, hết lô cũ đến lô mới phải tiếp tục gửi mẫu thử nghiệm...
Ngoài ra, nếu linh kiện trên nhập khẩu từ nước ngoài, Cục Đăng kiểm chỉ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng khi có đăng kiểm Việt Nam đến tận nơi kiểm tra, xem xét, xác nhận trung tâm đăng kiểm đạt yêu cầu. Nếu không thì bắt buộc phải thử nghiệm, kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo các DN, các quy định này khiến cho thời gian đăng kiểm xe cơ giới bị kéo dài thêm. Nếu trước kia, bình quân mỗi mẫu xe mới từ khi gửi hồ sơ đi đăng kiểm đến khi được cấp Giất CNCL trong vòng 30 ngày thì nay kéo dài từ 45 đến 60 ngày.
Xe ứ đầy sân; bán mua tắc nghẽn
Theo các DN, việc kéo dài thời gian cấp chứng nhận chất lượng đã khiến thời gian giao xe cho khách hàng cũng bị kéo dài theo. Trước đây, khách hàng ký hợp đồng sau 5-7 ngày được nhận xe thì nay kéo dài tới 25 ngày.
Trong khi đó, việc siết tải trọng xe đã khiến cho nhu cầu về xe tải tăng mạnh. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ước tính, nhu cầu xe tải trên 10 tấn đang tăng 30% so với cùng kỳ 2013. Nhiều DN lỡ ký hợp đồng vận tải với khách hàng, muốn có thêm xe nhưng vẫn phải chờ.
Việc kéo dài thời gian cấp chứng nhận chất lượng đã khiến thời gian giao xe cho khách hàng cũng bị kéo dài theo. |
Đại diện Ô tô Trường Hải cho biết, riêng tháng 7, DN này đã nợ khách hàng hơn 400 xe tải và 100 xe buýt vì phải chờ cấp Giấy CNCL cho các mẫu xe mới kéo dài. Điều này dẫn đến tiến độ sản xuất và thời gian giao xe phải kéo dài.
Theo đại diện Nhà máy ô tô VEAM, trong tháng 7, gửi hồ sơ 2 mẫu xe tải xin cấp Giấy CNCL nhưng với tình hình này chắc phải tới tháng 9 mới xong, khi đó mới dám lắp ráp. Hiện linh kiện nhập về phải cất trong kho và DN bị thiệt hại do vốn bị ứ đọng.
Còn Ô tô Trường Hải, 6 tháng đầu năm đã xin cấp Giấy CNCL cho 11 mẫu xe khách và 25 mẫu xe tải; 6 tháng cuối năm sẽ xin Giấy CNCL cho khoảng 75 mẫu xe tải và một số mẫu xe khách nữa. Với số lượng lớn như vậy chắc thời gian chờ đợi sẽ còn kéo dài và sản xuất sẽ bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, do tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng đăng kiểm với xe cơ giới, nhằm hạn chế các phương tiện mất an toàn lưu thông thì thời gian cấp Giấy CNCL bị kéo dài.
"Nguyên nhân là có nhiều hồ sơ cùng gửi đến Cục, giải quyết không kịp. Bên cạnh đó, khi tiến hành thử nghiệm các linh kiện, có nhiều linh kiện không đạt yêu cầu, DN phải lấy mẫu mới để thử nghiệm lại. Có linh kiện phải thử nghiệm tới 5-6 lần mới đạt yêu cầu, vì vậy thời gian kéo dài. Trong khi nhân lực và máy móc thiết bị có hạn', một chuyên gia từ Cục Đăng kiểm cho biết.
Được biết, hiên đang yêu cầu các trung tâm đăng kiểm phải làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu của DN. Đồng thời, gấp rút đào tạo thêm đăng kiểm viên và xây dựng các thêm các trung tâm đăng kiểm mới, nhưng việc này không thể làm nhanh được.
Trong khi đó, các DN lại tiếp tục lo lắng khi dự thảo Thông tư Quy định về thùng hàng của xe tự đổ, xe xi-tec, xe tải tham gia giao thông đang được Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo.
Thông tư này được cho là sẽ siết chặt quy định về thùng hàng các loại xe trên, dự kiến ban hành và áp dụng từ tháng 10/2014. Hiện các DN sản xuất lắp ráp ô tô tải đang dừng lại và chờ đợi quy định mới. Với tình hình như hiện nay, khi có quy định mới tất cả đều tiến hành sản xuất, lúc đó khâu cấp Giấy chứng nhận chất lượng sẽ tiếp tục bị quá tải tải và chờ đợi. .
Tình trạng này kéo dài chắc chắn không chỉ những DN trên thiệt hại mà lĩnh vực vận tải đường bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trần Thủy