Bộ Y tế ngày 6/8 đã công bố tìm thấy vi khuẩn tả trong ốc bươu. Trong khi đó, loài hải sản này đang được bán đổ đống tại nhiều tuyến đường của TP.HCM. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cũng đã lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng chưa có kết quả.

Ốc bươu, nghêu, sò bán lề đường

Theo kết luận của Bộ Y tế, khuẩn tả tìm thấy trong ốc bươu lấy mẫu tại khu vực H.Bình Chánh chính là khuẩn từng gây ra đại dịch tả năm 2007, sản phẩm này đang được bày bán đầy đường.

Tại một số tuyến đường như Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh), cầu Chợ Cầu nối Q.Gò Vấp với Q.12, cầu Tham Lương (hướng Q.12)… ốc bươu được bán cùng rất nhiều loại khác như nghêu, sò. Riêng ốc bươu có hai loại, ốc nuôi và ốc bắt tự nhiên. Dù đã bị ngành nông nghiệp cấm nuôi từ nhiều năm nay nhưng theo những người buôn bán mặt hàng này, họ vẫn có thể nhập được cả nguồn ốc nuôi lẫn ốc tự nhiên từ các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang… Một người bán nghêu, ốc trên đường Nguyễn Văn Linh cho biết, hiện đang là mùa mưa, nguồn ốc bươu khá dồi dào, giá hạ hơn so với những tháng mùa khô nên việc tiêu thụ sản phẩm này khá dễ dàng. Mức giá ốc bươu bán lẻ lề đường phổ biến 18.000 - 22.000đ/kg; tại các chợ lẻ khoảng 30.000đ/kg.

{keywords}

Ốc bươu được bán trên các xe đẩy ở nhiều tuyến đường

Theo những người bán khu vực chân cầu Tham Lương, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 và một số chợ Hòa Bình, chợ Xóm Củi… ốc được chở lên từ Đồng Tháp. Một người phụ nữ bán nghêu, ốc khu vực giữa cầu Tham Lương còn chỉ cách nhận biết là ốc nuôi hay ốc tự nhiên căn cứ vào hình dáng và màu sắc vỏ ốc. Ốc bươu nuôi thường có kích thước lớn hơn, con đều và vỏ có màu đen; ốc bắt tự nhiên thường nhỏ con, không đều, vỏ có màu nhạt hơn, nhiều rong rêu bám trên vỏ… Ốc còn được lấy từ những người bắt và thu mua ốc ở khu vực trồng lúa nước H.Hóc Môn, H.Củ Chi (TP.HCM). “Ốc bắt bỏ bao, chở thẳng từ H.Hóc Môn lên đổ cho các sạp bán tươi, có bao giờ thấy ai hỏi kiểm tra, kiểm dịch gì đâu”, một người bán ốc tại chân cầu Tham Lương cho biết.

Không chỉ vậy, tại chợ đầu mối Bình Điền, nơi chuyên cung cấp thủy, hải sản, ở khu vực ngoài nhà lồng chợ, không chỉ ốc bươu, các loại nghêu, sò khác cũng được đổ đống dưới nền xi măng nhơ nhớp đất, bùn; xung quanh đủ các loại rác thải, bao ni lông, tép, cá thối… bốc mùi tanh tưởi nồng nặc. Theo một nhân viên khuân vác, nghêu, sò, ốc được đổ đống ở đây để phân loại. Nếu ốc chết nhiều thì họ sẽ bỏ luôn, không lựa lại. Tuy nhiên, sáng nào cũng có nhiều người đến ngồi nhặt những con ốc sống để bán lẻ tại các chợ nhỏ, xe đẩy.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty quản lý kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cho biết, trung bình mỗi đêm có khoảng 30-40 tấn ốc về chợ, nguồn ốc chủ yếu lấy từ Tây Ninh (nhập từ Campuchia về) và Đồng Tháp.

“Đường đi” của các loại nghêu, sò, ốc đến tay người tiêu dùng thông thường là sau khâu bắt, thu mua, ốc được đưa về chợ đầu mối hoặc ra thẳng các chợ/xe đẩy chứ không qua bất kỳ khâu kiểm nghiệm nào. Nếu có chuyển về chợ đầu mối thì có thêm tờ giấy (viết tay) cho biết nguồn gốc của sản phẩm giữa người bán và thương lái; trường hợp là ốc nhập từ Campuchia thì có thêm giấy thông quan ở cửa khẩu. Chỉ khi nào có phát sinh cảnh báo về dịch thì các đơn vị quản lý mới siết chặt bằng việc lấy mẫu kiểm nghiệm. Theo ông Nguyễn Đăng Phú, khi Bộ Y tế thông tin về kết quả kiểm nghiệm ốc bươu, Ban quản lý chợ đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM lấy mẫu ốc bươu kiểm định nhưng không phát hiện khuẩn tả trong ốc.

{keywords} 

Bệnh vì nghêu, sò, ốc

Khuẩn tả, E.coli vốn là những vi khuẩn thường trực trong nguồn nước tự nhiên (ngọt, mặn, lợ), đặc biệt là những nguồn nước kém vệ sinh. Do vậy, tất cả những sinh vật sống dưới nước (nghêu, sò, ốc, hến, cá…) đều có thể bị nhiễm hai loại khuẩn này chứ không riêng gì ốc bươu; kể cả các loại rau được tưới nước nhiễm khuẩn, tưới phân tươi… Theo BS Nguyễn Duy Lượng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện 115, tuy gần đây chưa ghi nhận được trường hợp nào nhiễm tả nhưng khoảng hai năm trước, bệnh viện có tiếp nhận hai trường hợp. Nguyên nhân là do người bệnh làm nghề chài lưới, điều kiện vệ sinh kém, không ăn chín uống sôi. Chính vì vậy, dịch tả chỉ xảy ra ở những quốc gia, khu vực có điều kiện vệ sinh nước uống và thực phẩm kém.

Không chỉ khuẩn tả, BS Lê Văn Nhân – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết thêm: Nghêu, sò, ốc còn là vật chủ trung gian của hàng loạt các loại nang sán, ấu trùng, ký sinh trùng: vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, amip, Coliforms, E.coli... (khi ở dưới nước); các loại ký sinh trùng, ấu trùng của các loại giun, sán... (trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bày bán nhưng không đảm bảo vệ sinh). Do đó, "nếu không được làm đúng cách, nghêu, sò, ốc sẽ là nguồn lây nhiễm rất nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe: sán lá gan/lá phổi gây viêm, áp xe gan phổi, viêm não, màng não…" - BS Nguyễn Duy Lượng cảnh báo.

Tuy khuẩn tả, E.coli sẽ bị chết ở nhiệt độ khoảng 70 độ C, nhưng nếu thời gian nấu không đủ lâu (dưới mười phút) thì vi khuẩn ở dạng bào tử vẫn lưu lại và sống trong thực phẩm, sẽ phát triển và gây bệnh khi vào cơ thể con người. Với những loại nang sán, ấu trùng, ký sinh trùng thì càng khó chết hơn, đặc biệt khi chúng ở dạng bào tử. Chưa kể, khi sống trong nguồn nước kém vệ sinh, sinh vật dưới nước kể trên còn bị nhiễm thêm nhiều loại kim loại nặng – những chất không thể mất đi qua chế biến. Do vậy, theo TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ruột cá, gan cá cũng là thành phần có nguy cơ rất cao nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, kim loại nặng.

Tuy nguy hiểm nhưng bệnh tả có thể phòng tránh. “Ăn chín, uống sôi” chính là khẩu hiệu dễ nhớ nhất để có thể tránh xa căn bệnh này. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ nên uống nước đã đun sôi, dùng thức ăn đã nấu chín, tốt nhất là ăn khi còn nóng; không ăn rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh, uống nước đá... Trái cây phải ngâm nước muối, gọt sạch vỏ trước khi ăn. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, ăn uống và sau khi đi vệ sinh.

(Theo PNO)