Sau vụ việc cơ quan chức năng của TP Hà Nội bắt được một lô phụ gia thực phẩm để làm mềm thịt bò không nguồn gốc, xuất xứ thì một lần nữa dư luận lại dấy lên lo lắng khi sức khỏe của con người đang bị ăn mòn vì tiểu xảo của người kinh doanh. Thịt bò từ ôi thiu biến thành tươi đỏ; thịt lợn chết đã chôn đào lên về tẩm ướp hóa chất cho hết mùi hôi thối, biến đổi màu sắc đem bán…
Còn gì vô lương tâm hơn khi đem chính sức khỏe và tính mạng của con người ra kinh doanh. Trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu khi phụ gia thực phẩm, hóa chất độc hại không nhãn mác, không rõ nguồn gốc lọt qua biên giới vào thị trường và tới bàn ăn của người tiêu dùng?
Đi mua hóa chất độc hại, phụ gia trôi nổi
Với mục đích mở quán cơm bình dân, chúng tôi tìm mua Săm pết- loại phụ gia được mọi người “đồn đoán” có tác dụng phù phép thịt ôi thối thành thịt tươi ngon, màu đỏ hồng hào rất bắt mắt. Tại một quầy bán đồ khô cửa chợ Đồng Xuân phía đường Nguyễn Thiện Thuật, khi thấy chúng tôi nhắc đến loại phụ gia Săm pết, chủ quầy hàng nhìn chúng tôi một lượt từ đầu tới chân và lắc đầu: “Làm gì có chất nào tên Săm pết làm tươi thịt như các chị hỏi. Chị phải mua thịt tươi mà về chế biến chứ”. Chúng tôi năn nỉ: “Chị mở quán cơm bình dân mà mua thịt tươi thì lấy đâu ra tiền lãi”. Phải mất 10 phút kì kèo, thấy chúng tôi thực sự có “thiện chí”, cô nhân viên mới “mở hàng”: “Là chỗ người quen em mới bán cho chị đấy nhé. 40.000 đồng 1kg. Chị có mua thì đưa tiền đây”. Chúng tôi tỏ ra mừng ra mặt và mặc cả thì cô gái này đã gằn giọng: “Giá này là giá em lấy hộ chị rồi, làm sao bớt được”. Nhận tiền xong, cô gái này bỏ đi khỏi quầy vào phía bên trong chợ Đồng Xuân. Khoảng 5 phút sau, cô trở ra và trên tay đã cầm 1 túi bột màu trắng không nhãn mác dúi vào tay chúng tôi: “Của chị đây”. Tôi liền hỏi cách sử dụng thì cô bé này lừ mắt: “Chị mở quán cơm mà không biết cách dùng à. 1kg Săm pết làm tươi được vài tạ thịt. Chỉ cần pha lên rồi phun vào thịt. Có thế thôi mà phải hỏi”.
Tiếp tục “khám phá” các bí kíp trong chế biến thực phẩm, chúng tôi tìm đến với các viên phở, viên lẩu… đang được bày bán tràn lan trên thị trường với đầy đủ các loại nhãn mác. Ở một cửa hàng đồ khô ngay đầu chợ Hôm, khi chúng tôi hỏi về viên phở cho vào nồi nước dùng để không phải ninh xương thì bà chủ quầy khoảng 70 tuổi tỏ ra sành sỏi: “Có nhiều tiền thì mua của những hãng có tên tuổi như Knorr, Ajinomoto… Còn ít tiền hơn thì mua những loại này”. Nói rồi bà lúi húi bới một đống các loại túi giấy ni lông cũ kỹ để góc quầy và lôi lên một chiếc túi to bẩn lấm lem bụi đất. “Đây, vị phở các loại bò, gà... 2.000 đồng 1 gói cho vào cả nồi nước phở bán cả ngày. Đảm bảo thơm phức và ngọt như nước xương luôn”. Gói vị phở bò bà chủ đưa cho chúng tôi có tên là Vị phở được đóng gói kiểu thủ công rất tạm bợ. Dầu mỡ từ những gói phụ gia này bám nhầy nhụa ở bao bì. Mặc dù có ghi hạn sử dụng là 6 tháng nhưng chúng tôi tìm toét mắt không thấy ngày sản xuất đâu. Mùi hắc từ gói vị phở có màu vàng vàng, nâu nâu rất khó chịu. Theo số điện thoại 04666… được ghi trên bao bì của gói Vị phở, chúng tôi điện thoại thì nhận được trả lời tự động “Số máy này không có…”, cũng không có đơn vị kinh doanh nào có tên Công ty Bách Khoa Hà Nội.
Nhiều loại tinh chất đồ uống mập mờ nhãn mác đang bán trên thị trường và nhãn mác không có thật của túi sản phẩm mang tên “Vị phở”. |
Tinh chất không nhãn mác bày bán công khai
Cùng với các phụ gia thực phẩm, thời gian vừa qua trên thị trường còn xuất hiện rất nhiều loại đồ uống vỉa hè với giá siêu rẻ như trà chanh, trà đào, nước me… Chúng tôi cũng đã tiếp cận với nơi cung cấp các loại tinh chất, phụ gia đồ uống tại chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm để có thể biết được “bí quyết” đằng sau những ly nước siêu rẻ ấy.
Một góc chợ Đồng Xuân, hàng chục quầy hàng kinh doanh mặt hàng tinh chất đồ uống với đủ các nhãn hàng trong và ngoài nước. Quầy nào cũng bắt mắt với những chiếc hộp nhựa đựng các loại siro đủ màu như xanh biếc, đỏ chói, hồng rực, tím, vàng… tương đương với các loại mùi táo, dâu tây, khoai môn, cam… Rất nhiều chủ hàng mời chúng tôi mua những loại nước này, dù trên chai, can chẳng hề có nhãn mác. Có quầy, họ xếp hàng dãy những can tinh chất 5 lít màu hồng rực, xanh lét dưới nền chợ. Tuy được chủ quầy giới thiệu đều là những loại siro nhập ngoại nhưng khi cầm lên, chúng tôi quan sát bao bì đều bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt hay cơ sở nhập khẩu, không ghi ngày tháng sản xuất hay hạn sử dụng. “Đây là sirô dâu tây, sirô nho, sirô cam, sirô chanh leo… pha đồ uống mà không dùng những loại này sao dậy mùi và màu sắc bắt mắt được”, bà chủ truyền “bí quyết” cho chúng tôi. Bà chủ quầy cũng không quên quảng cáo: “Những loại sirô, tinh chất này đều là hàng ngoại nhập nên cứ yên tâm về chất lượng”. Vừa nói, bà chủ vừa chỉ tay xuống một dãy các loại tinh chất đựng trong các chai thủy tinh và chai nhựa nhỏ là hàng sản xuất trong nước: “Nếu lấy loại của nội thì giá rẻ hơn nhưng không đảm bảo bằng hàng ngoại”. Tuy nhiên, dù là hàng ngoại hay nội, nhãn mác của những chai sirô, tinh chất này cũng khá mập mờ.
Ngoài các loại tinh chất, sirô hoa quả, tinh chất cà phê được đựng trong những chai nhựa tự chế không cơ sở sản xuất, không ngày sản xuất, hạn sử dụng… cũng được bày bán khá công khai. Mùi vị, màu sắc của loại tinh chất cà phê này rất giống những loại cà phê vẫn được bán tại các quán giải khát. Chỉ có điều, loại tinh chất cà phê được bày bán sẵn này đặc hơn rất nhiều so với nước cà phê pha chế từ phin. Với giá bán chỉ 80.000 đồng/chai, một chai tinh chất cà phê này có thể pha hàng chục ly cà phê với mùi vị không hề khác những thương hiệu cà phê thứ thiệt vẫn được quảng cáo. Rồi, bí quyết để pha trà chanh - thứ nước uống đang rất “hot” hiện nay cũng được các chủ quầy tiết lộ với chúng tôi. Tại phố Hàng Buồm, tinh chất chanh, tinh chất nhài - thứ nước màu vàng óng đựng trong những chiếc can 3l không hề có bất kỳ nhãn mác nào. Một chủ quầy kinh doanh mặt hàng giải thích: Mỗi âu trà 2 lít chỉ cần lấy đầu cây tăm chấm vào tinh chất rồi chấm sang âu trà là đã thơm ngát mũi mùi chanh, mùi nhài đảm bảo không ai có thể chê được. Bán thế mới lãi chứ… Giá của những loại tinh chất này chỉ dao động từ 150.000 đồng-180.000 đồng/100ml.
Một thực tế đáng buồn đang diễn ra là những loại phụ gia, tinh chất độc hại, không nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai trên thị trường nhưng hiện vẫn không hề thấy bóng dáng của các đơn vị quản lý thị trường đâu.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Liên quan đến các loại phụ gia thực phẩm, tinh chất đồ uống không nhãn mác đang được bán trên thị trường thì có thể do người kinh doanh mua cả bao lớn, khi đóng lẻ bán cho người tiêu dùng không có nhãn phụ đi kèm. Đây cũng là lỗi của người tiêu dùng khi không yêu cầu phải có nhãn mác. Với trách nhiệm của mình, đối với các loại phụ gia thực phẩm không hóa đơn chứng từ được buôn bán trên thị trường, các đội nghiệp vụ của Chi cục thông qua công tác quản lý địa bàn phát hiện hàng hóa không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ… sẽ đề xuất kiểm tra và xử lý theo quy định. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đội địa bàn tiến hành kiểm tra thông tin mà Báo CAND nêu”. |
(Theo CAND)