Từ tiết lộ của vị Phó Giám đốc một công ty nuôi cá nước lạnh có tiếng ở Lâm Đồng, hàng ngàn con cá giống được giao dịch tràn lan ở khu vực phía Nam là cá lậu đội lốt cá tự sinh sản, phóng viên đã truy nguyên nguồn gốc của chúng…
“6.000 USD một ký, mua bao nhiêu cũng có”
Trong khi Phòng Chăn nuôi thủy sản - Sở NN&PTNT Lâm Đồng và Công ty CP Cá Tầm Việt Nam chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào để chứng minh số cá giống “khổng lồ” được sinh sản nhân tạo tại chỗ và hợp pháp thì điều tra của Pháp luật Việt Nam cho thấy, có nhiều dấu hiệu hé lộ về một đường dây buôn lậu trứng cá tầm tinh vi từ Đông Âu đưa về qua đường hàng không để cung ứng cho hàng loạt trại nuôi từ Nam chí Bắc.
Trong vai một người đang có nhu cầu nuôi cá, phóng viên liên lạc với một người đàn ông tên T. Anh này được giới thiệu là có quan hệ tốt để kết nối với một “đầu nậu” chuyên “xách tay” trứng cá nhập lậu từ châu Âu về Việt Nam. Theo người này, trứng cá giống được đưa về từ Ukraine và Nga, với một lô 7 - 15kg. T. cho biết, giá bán khi đưa ra khỏi sân bay trót lọt là 6.000 USD/kg. Khi được hỏi về hồ sơ, giấy tờ số trứng giống này, T. nói thẳng là “hàng xách tay nên không có hồ sơ, giấy tờ gì. Nếu muốn mua, bao nhiêu cũng có, nhưng đúng 6.000 USD mới bán”.
Số cá tầm giống được nhân viên công ty này làm thủ tục vận chuyển đi tiêu thụ trong nước |
Để làm rõ hơn về thông tin này, phóng viên liên lạc với một người đàn ông khác tên là D., được cho là đầu mối và có quan hệ với một số nguồn từ phía Ukraine để đưa trứng giống cá tầm lậu về Việt Nam. Khi nghe hỏi muốn mua 2kg trứng cá giống để ấp nở thì giá cả, vận chuyển thế nào, người đàn ông này cho biết: “Giá 6.000 USD/kg. Nếu muốn mua thì đến tháng 11 mới có hàng về. Bây giờ bên kia đang mùa hè nên chưa có”.
Ông D. cũng cho hay, để tiết kiệm chi phí thì đợi xem có thêm khách hàng nào phía Bắc mua không rồi kết hợp vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không. “2kg thì có bao nhiêu, người ta mua nhiều chứ có ít thế đâu. Trứng của tôi tỷ lệ nở 70% trở lên, nếu hư hỏng tôi có trách nhiệm bồi hoàn. Yên tâm đi, tôi làm nhiều rồi” - ông D. nói.
Ai tiếp tay?
Như đã thông tin, quy trình quản lý đối với giống động vật ngoại lai nhập về Việt Nam như trong trường hợp này là cá hồi, cá tầm vốn rất nghiêm ngặt, vậy vì sao các đối tượng buôn lậu lại có thể đưa giống cá này về Việt Nam và đưa ra khỏi sân bay một cách dễ dàng như thế?
Theo vị Phó Giám đốc Công ty nuôi cá nước lạnh nói trên, mấy người bạn của ông cũng từng nhờ ông liên hệ để mua trứng giống ở nguồn này nhưng khi mua về ấp thì nở bập bõm, tùy từng lô hàng, lúc được, lúc không. Bình thường 1kg trứng cá giống có khoảng 24 ngàn quả, nhưng trứng từ nguồn này, 1kg chỉ có khoảng 17 ngàn quả. Tỷ lệ nở thành công cũng chỉ đạt khoảng 50%.
“Ở Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp nhập giống cá từ ngoài về qua con đường chính thống: được cấp chứng nhận CITES, kiểm dịch, thông quan đàng hoàng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cá tầm các giống quý hiếm như Beluga còn đưa lậu về được thì xá chi mấy quả trứng” - vị này cho biết.
Theo người đàn ông tên T. mà phóng viên đề cập ở trên, khi hàng về sân bay, T. sẽ đảm nhiệm việc liên hệ với cán bộ hải quan để lấy được hàng ra. “Hàng được đóng trong túi ni lông rồi bơm oxy vào, đặt trong thùng xốp và cho vào túi du lịch cỡ lớn. Em nhập về 1 lô khoảng 8kg nhưng em khai với họ là 2kg thôi và em phải chung chi 30 triệu đồng. Xong là em xách hàng ra luôn, không cần qua ai nữa hết. Trừ ma túy, súng đạn thôi chứ anh muốn xách tay cái gì, bao nhiêu em xách cho anh. Ngày trước em chỉ chi cho họ 10 triệu/lô thôi, nhưng giờ nhiều đứa nó làm quá, chúng phá giá lên tới 50 triệu/lô” - người này tiết lộ.
Tuy cơ quan hải quan chưa xác nhận những thông tin này nhưng thực trạng buôn bán tràn lan trứng giống cá ngoại lai cho thấy trách nhiệm của cơ quan này không phải là không có. Trở lại hoạt động xuất, nhập cá giống của Công ty CP Cá tầm Việt Nam, theo xác nhận của Chi cục Thú y Lâm Đồng, năm 2013 Công ty này chỉ thấy khai báo có nhập 1 đợt với số lượng 25.000 trứng đã thụ tinh, còn năm 2014 trên hồ sơ là không thấy nhập. Trong khi xuất ra khỏi trại 12 lần với số lượng là 36.400 con trong năm 2013, năm 2014 là 1.000 con, tất cả đều vận chuyện về địa bàn Đắk Lắk.
“Theo tài liệu quản lý thì đơn vị này chỉ nhập về có 1 lần với lô 25 ngàn quả trứng giống đã thụ tinh có nguồn gốc từ Italia. Nhưng khi đưa về trại sau gần 20 ngày thì chết hết, chỉ còn lại 5.200 con. Chi cục Thú ý đã tiến hành tiêu hủy. Còn hầu hết là họ đưa về qua đường “xách tay”, không qua đơn vị chúng tôi. Về điều kiện thú y, đơn vị này không đảm bảo. Trại cá của họ chỉ xây dựng tạm bợ trên kênh thủy lợi. Đơn vị này cũng không xử lý nước thải ra từ trại nuôi mà cố tình xả trực tiếp. Chúng tôi đã nhắc nhở họ nhiều rồi. Tôi khẳng định họ không có đủ giấy tờ hợp pháp để nuôi thủy sản ở đó” - bà Đào Minh Huệ, Phó Trưởng phòng Kiểm dịch, Chi cục Thú y Lâm Đồng thông tin.
(Theo PLO)